Cánh đồng chưa “bay” - Bài 2: “Xí” đất rồi bỏ hoang

Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước. Đất đai như câu nói nổi tiếng của Karl Marx: “Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”. Thế nhưng, thời gian qua, trong khi biết bao bà con nông dân không có đất sản xuất, phải bỏ quê lên phố tìm kế sinh nhai, thì không ít doanh nghiệp được giao hàng ngàn hécta đất nhưng lại bỏ hoang.
quy-nhon-rdys-1663056232.jpg
Khu đô thị hồ Phú Hòa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị bỏ hoang. Ảnh: NGỌC OAI

Hết nuôi bò đến nuôi heo

Ở nhiều nơi, người nông dân mong muốn có diện tích lớn hoặc mở rộng quy mô đầu tư sản xuất nông nghiệp mà không có quỹ đất, thì có nơi đất bị bỏ hoang. Dự án Nhà máy Hapho Food ở Tiên Lãng (Hải Phòng) là một ví dụ.

Ông Trần Văn Thường, bảo vệ cụm công nghiệp, chỉ khu đất rộng 15ha của dự án Hapho Food Hải Phòng, bỏ hoang gần 5 năm qua, cỏ mọc ngút đầu, mà ngao ngán. Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, dự án Nhà máy Hapho Food Hải Phòng do Công ty TNHH Haphofood làm chủ đầu tư, tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng, sẽ xây dựng 6 dây chuyền chế biến nông sản. Dự án được kỳ vọng không chỉ giúp nông dân thoát khỏi tình trạng “được mùa - mất giá”, mà tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động ở địa phương. Không những thế, Hải Phòng còn lên kế hoạch chuyển đổi 7.750ha đất lúa sang trồng cây ăn quả để cung cấp nguyên liệu khi dự án đi vào hoạt động từ quý 1-2021.

Thế nhưng, đến đầu tháng 9-2022, cả khu đất rộng 15ha vẫn là cánh đồng hoang. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Xuân Hòa, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, thông tin, chủ đầu tư đã có đơn trả đất!

Xuôi về miền Trung, tại xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, nhiều bà con than trời: Doanh nghiệp lấy hàng trăm hécta đất nuôi bò, nhưng lại làm không tới nơi tới chốn, trong khi bà con thiếu đất mưu sinh, rất đau lòng. Đó là thực trạng dự án trang trại nuôi bò của Công ty Gia Hân. Doanh nghiệp này được giao gần 245ha đất hơn 8 năm qua, nhưng hiện vẫn “4 không”: vườn không nhà trống, không điện, không nước và không có con bò nào. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa, cho biết, doanh nghiệp này đang xin chuyển sang nuôi… heo!

Tại Tây Nguyên, từ năm 2008, tỉnh Gia Lai cấp phép cho 16 doanh nghiệp đầu tư 44 dự án trồng cao su với diện tích hơn 32.000ha. Tuy nhiên, trồng xong, cao su chết sạch. Những ngày cuối tháng 8-2022, PV Báo SGGP chạy xe máy hàng trăm kilômét băng qua những triền đồi đến các vùng cao su ở huyện Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pưh, chứng kiến cảnh cao su chết trắng đồi, nhiều nơi chỉ trơ trọi đồi đất trống hoang.

Theo ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, tỉnh Gia Lai, trên địa bàn huyện có 11.000ha trồng cao su nhưng hiện chẳng cây nào còn sống. Nguyên nhân được xác định đơn giản là… do cây cao su không phù hợp thổ nhưỡng vùng này. Hơn nữa, các doanh nghiệp khi lập dự án chỉ chăm chăm lấy đất, chứ không khảo sát thổ nhưỡng.

Phá sơn lâm, giành phần “hà bá”

Không chỉ đất “bờ xôi ruộng mật”, chăn nuôi bị bỏ hoang, mà đất được giao làm bất động sản, khu nghỉ dưỡng tại các đô thị cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điển hình nhất là “ông lớn” FLC của đại gia nâng khống giá cổ phiếu Trịnh Văn Quyết. Chỉ tính riêng 3 tỉnh nghèo dọc khu vực miền Trung, doanh nghiệp này “xí” hàng ngàn hécta đất, rồi để đó! Tại vùng cát 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), FLC “ôm” gần 2.000ha đất ven biển để đầu tư resort, sân golf…  Nhưng sau thời gian dài được giao đất thì mới đây, Bộ Công an yêu cầu tỉnh Quảng Bình cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến việc đầu tư trên.

Cánh đồng chưa 'bay' - Bài 2: 'Xí' đất rồi bỏ hoang ảnh 1 Dự án Khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise sau 14 năm được giao đất, đã thành khu đất hoang. Ảnh: NGỌC OAI

Đi tiếp về phía Nam chừng 300km, tại Quảng Ngãi, theo Sở Xây dựng tỉnh, trên địa bàn có 9 dự án của FLC, được chấp thuận đầu tư vào năm 2018 tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn. Trong đó, có 4 dự án khu đô thị và 5 dự án du lịch sinh thái, tổng diện tích 247ha, với tổng mức đầu tư cam kết hơn 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo phải thu hồi để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, sau gần 5 năm “xí phần”, FLC vẫn để cỏ mọc dày trên các dự án chiếm hàng trăm hécta đất.

Tiếp tục theo quốc lộ 1, xuôi về Nam gần 200km nữa, tỉnh Bình Định cũng không thoát “ông lớn” FLC. Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã yêu cầu chấm dứt hoạt động 3 dự án của  FLC, gồm: Dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, xã Nhơn Hội; dự án Khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió tại xã Nhơn Lý và dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Học viện Golf thuộc xã Nhơn Lý. 3 dự án này chiếm hơn 52ha đất tại TP Quy Nhơn, với số vốn cam kết đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng sau 5 năm được giao đất, doanh nghiệp vẫn làm dự án… trên giấy.

Một trong những dự án được quảng bá rầm rộ từ những năm 2008 là dự án Khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise với quy mô được công bố 237 nhà liền kề, 183 biệt thự và 56 bungalow… tọa lạc ngay khu đất đẹp nhất TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, do Công ty CP Đầu tư khu du lịch - phim trường Vina làm chủ đầu tư. Thế nhưng, anh Nguyễn Văn Hải, chủ quán cà phê Milano (cách dự án chừng 300m) tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về dự án này. Bởi theo anh Hải, nhiều năm qua, đây là khu đất hoang, người dân xung quanh thường vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm, chứ không hề biết đó là dự án quy mô đến như vậy. Dự án này chiếm 60ha đất, nhưng sau 14 năm được giao đất, đến đầu tháng 9-2022 vẫn chỉ là bãi đất hoang với cỏ dại và rác.

Cho đến những ngày đầu tháng 9-2022, dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa, TP Quy Nhơn, Bình Định rộng 324ha vẫn là bạt ngàn một vùng đất bỏ hoang. Những người cư ngụ quanh dự án phản ánh, nhiều năm qua, doanh nghiệp phá núi để san lấp mặt bằng nhưng rồi bỏ hoang nên mùa mưa nhà dân bị sạt lở, đất đá tràn vào nhà. Không chỉ phá sơn lâm, dự án còn giành phần với “hà bá” khi lấp nhiều diện tích hồ Phú Hòa (thuộc phường Nhơn Phú và Đống Đa, TP Quy Nhơn), nơi điều tiết nước và được mệnh danh là “lá phổi” của TP Quy Nhơn. Dự án này do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư, được tỉnh Bình Định phê duyệt dự án từ tháng 7-2015.

Theo số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố, có đến hơn 3.000 dự án, công trình chậm thực hiện, với tổng diện tích gần 80.454ha, trong đó có 2.067 dự án (60.332,1ha) đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng. Các dự án này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương mà còn khiến nguồn tài nguyên đất đai bị lãng phí trầm trọng.

Trước thực trạng trên, đầu tháng 9-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê, nhưng chậm đưa vào sử dụng, bỏ hoang; xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.

1,8 triệu ha đất “đi” đâu?

Báo cáo tại cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về “thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” vào ngày 19-8, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện diện tích đất mà các nông, lâm trường quốc doanh và ban quản lý rừng (chuyển đổi từ các lâm trường quốc doanh) quản lý, sử dụng còn rất lớn, hơn 4 triệu ha.

Tuy nhiên, hiệu quả khai thác, sử dụng còn khá thấp, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí cao. Theo thống kê, có khoảng 73.900ha đất bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng trái pháp luật; hơn 55.900ha đất sử dụng vào mục đích khác và hơn 96.300ha chưa sử dụng (trong đó có đất bỏ hoang).

Đáng chú ý, trong hơn 4 triệu ha đất đã giao cho các công ty lâm nghiệp, sau 10 năm, đến nay chỉ còn hơn 2,2 triệu ha, giảm hơn 1,8 triệu ha. Đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu Bộ NN-PTNT làm rõ nguyên nhân.