Đây là thông tin mà ông Ruth Link-Gelles, cố vấn của Nhóm hiệu quả vaccine tại của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra trong báo cáo đăng tải cách đây ít ngày. Khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 đặc biệt suy yếu ở người trên 65 tuổi.
Hiệu quả của Moderna vẫn cao hơn Pfizer
Theo CNN, ông Link-Gelles đã xem xét hàng loạt nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine Covid-19 khác nhau, công bố từ tháng 2 đến tháng 8. Ông nhận thấy một điểm đặc biệt về vaccine Pfizer và Moderna - loại được sản xuất bằng công nghệ mRNA. Phát hiện của vị chuyên gia đã được CDC đăng tải trên trang chính thức vào ngày 17/9.
Các phát hiện mà vị chuyên gia xem xét đều cho rằng hiệu quả bảo vệ của Pfizer, Moderna trước nCoV suy giảm đáng kể sau vài tháng, tính từ thời điểm 2 tuần sau tiêm mũi thứ 2.
Ông Link-Gelles nhấn mạnh trong cuộc họp với các cố vấn về vaccine của CDC: “Ở người từ 65 tuổi trở lên, tôi nhận thấy sự suy giảm đáng kể hiệu quả bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trước biến chủng Delta của vaccine mRNA”. Ủy ban Cố vấn về tiêm chủng của CDC (ACIP) đã họp và thảo luận về vấn đề này cũng như mũi tiêm tăng cường.
Một y tá chuẩn bị tiêm vaccine Pfizer cho người dân ở phòng khám tại Metropolitan, San Antonio, Texas, Mỹ. Ảnh: Matthew Busch/The New York Times.
Vị chuyên gia của CDC cũng cho hay về tổng thể, hiệu quả bảo vệ của Moderna cao hơn Pfizer. Với vaccine một liều tiêm Johnson & Johnson, hiệu quả của nó tăng lên theo thời gian, ngay cả khi biến chủng Delta chiếm ưu thế.
Theo The New York Times, một nghiên cứu có tên Supernova đã xem xét sức khỏe của những người tiêm một trong hai vaccine mRNA trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay. Họ đều không mắc bệnh nền, tình trạng sức khỏe ổn định, không bị suy giảm miễn dịch, độ tuổi từ 18 trở lên.
Báo cáo của CDC cho hay vaccine Pfizer có khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện cho nhóm 18-64 tuổi là 92% và 77% với người trên 65 tuổi.
Trong khi đó, Moderna cung cấp khả năng bảo vệ tương ứng lần lượt là 97% và 87%. Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ của vaccine dường như không bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của biến chủng Delta, nó khá sát với các công bố của hãng trong những thử nghiệm lâm sàng.
Một nghiên cứu khác có tên Ivy đã xem xét những người trưởng thành nhập viện ở 18 tiểu bang từ tháng 3 đến tháng 8. Hiệu quả của vaccine Pfizer sau 14-120 ngày tiêm mũi thứ 2 là 91%. Tuy nhiên, sau 120 ngày, tỷ lệ bảo vệ chỉ còn 77%. Con số này ở Moderna giảm không đáng kể, vẫn giữ ở mức 92% hoặc 93% như các nghiên cứu trước đó.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu trên 4.000 nhân viên y tế, bác sĩ tuyến đầu được tiêm vaccine Covid-19 sớm, hiệu quả bảo vệ của vaccine Moderna trước biến chủng Delta giảm từ 91% xuống 66%. Những người này được kiểm tra kháng thể liên tục hàng tuần, bất kể có triệu chứng mắc Covid-19 hay không.
Công bố mới từ CDC Mỹ cho thấy hiệu quả bảo vệ của Pfizer và Moderna bị suy giảm đáng kể theo thời gian. Ảnh: Reuters.
Trái ngược nhiều kết quả cho thấy vaccine mRNA suy giảm hiệu quả theo thời gian, tờ Boston Herald đưa tin ngày 22/9, nghiên cứu của Bệnh viện Brigham and Women (BWH) tại bang Massachusetts, Mỹ, lại khẳng định vaccine Moderna bảo vệ, chống lại nCoV vẫn bền vững và không suy giảm. Nghiên cứu thực hiện có hơn 30.000 người tham gia, vaccine Moderna cho thấy an toàn và hiệu quả trong trung bình 5,3 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
Kể cả sau khoảng thời gian trên, vaccine vẫn có hiệu quả 93,2% trong việc ngăn ngừa mắc Covid-19, đồng thời có hiệu quả 98,2% trong việc bảo vệ bệnh nhân không diễn biến nặng.
Vaccine vẫn duy trì được hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ đối với mọi nhóm ứng viên trong nghiên cứu, bao gồm người cao tuổi và người có bệnh nền. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện vaccine có hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ mắc SARS-CoV-2 không triệu chứng.
Sẽ cần mũi thứ 3?
Quan điểm của ông Link-Gelles đã được giới chức y tế Mỹ xem xét. Ngày 23/9, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho những người từ 65 tuổi trở lên, nhóm có bệnh lý nền tiềm ẩn và trường hợp dễ bị phơi nhiễm nCoV cao.
Song, tiến sĩ Doran Fink của FDA cũng nhấn mạnh hiện tại chúng ta không có dữ liều về tính an toàn hoặc hiệu quả của việc tiêm trộ các loại vaccine cũng như tăng liều so với ban đầu.
ACIP sẽ tiếp tục họp về vấn đề trên với FDA để đưa ra những khuyến nghị riêng và quy định về mũi tiêm thứ 3 cho người dân tại Mỹ. Hiện tại, mũi tiêm tăng cường chỉ áp dụng cho vaccine Pfizer.
Khi trao đổi với ACIP, nhà sản xuất Pfizer/BioNTech cho hay họ hy vọng liều vaccine Covid-19 thứ 3 sẽ tăng khả năng bảo vệ hơn hai liều đầu. Song, hãng cũng nhấn mạnh cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định có cần thiết tiêm mũi tăng cường không.
Moderna cũng đã gửi yêu cầu lên FDA về việc cấp phép cho hãng tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm loại vaccine của họ. Song, FDA vẫn chỉ xem xét hồ sơ của Pfizer. Trong khi đó, Johnson & Johnson cũng công bố một phần dữ liệu cho thấy liều tăng cường giúp tăng khả năng miễn dịch đáng kể.
Trước những thông tin này, ACIP lo ngại việc tiêm liều thứ 3 khiến nhiều người cho rằng vaccine Covid-19 hiện tại hoạt động kém hoặc không có nhiều giá trị. Do đó, trước khi đưa ra các khuyến cáo mới, họ nhấn mạnh sẽ phải xem xét thật kỹ để không biến vaccine Covid-19 trở thành mũi tiêm phải sử dụng hàng năm, hàng tháng.