Charm City tại Bình Dương: Tên dự án chưa được Sở Xây dựng công nhận, chủ đầu tư năng lực yếu vì nợ nhiều

Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, tên dự án Charm City chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Bên cạnh đó, chủ đầu tư DCT Partners Việt Nam cũng gây chú ý vì nợ chồng chất.
4159-image001-1660899504.jpg
Dự án Charm City Bình Dương.

 

Tên dự án chưa được chấp thuận

Bình Dương là một trong những thị trường bất động sản sôi động. Ở đó, Charm City của chủ đầu tư Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam nhận được sự quan tâm khá lớn của giới đầu tư cũng như người có nhu cầu thật về nhà ở.

Dự án căn hộ Charm City Bình Dương (30 DT743C, khu phố Thống Nhất, Dĩ An, Bình Dương) được xây dựng trên tổng diện tích hơn 5ha, gồm 3 tòa căn hộ: Charm Sapphire, Charm Ruby và Charm Diamond với tổng số 2.047 căn hộ.

Charm City được giới thiệu là khu căn hộ cao cấp duy nhất tại Bình Dương có TTTM Vincom ngay trong lòng dự án, tích hợp mọi tiện ích bậc nhất, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm, giải trí, ăn uống, nghỉ dưỡng... mang đến cho cư dân tương lai một cuộc sống tiện nghi và phong cách.

Giá bán căn hộ tại đây khá đa dạng. Trên mạng xã hội, tùy từng căn, giá dao động từ 17,1 triệu đồng/m2 tới 24 triệu đồng/m2. Nhiều năm qua, dự án được giao dịch dưới cái tên Charm City. Tuy nhiên, mới đây, Sở Xây dựng Bình Dương đã công bố danh sách nhiều công ty bất động sản quảng cáo sai sự thật, mạo nhận tên gọi tùy tiện, trong đó có chủ đầu tư DCT Partners Việt Nam.

Cụ thể, Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, qua rà soát dự án Khu liên hợp cao ốc Sóng Thần (còn quảng bá là Charm City) đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 2225/QĐ-UBND ngày 31/7/2019.

Thế nhưng, tên dự án Charm City chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Dự án gồm: 4 khối công trình chung cư (A1, A2, B1, B4 và phụ trợ), nhà ở liền kề, hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, sân bãi, cây xanh, hồ bơi).

Hiện nay, 3 khối chung cư đang triển khai xây dựng. Trong đó, Sở Xây dựng đã chấp thuận cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai tại chung cư A1, A2, chung cư B1 đã đưa vào khai thác sử dụng. Việc đặt tên thương mại dự án và các tòa tháp là sai quy định.

Đối với Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành các Quyết định xử lý vi phạm hành chính số 73/QĐ-XPVPHC ngày 15/5/2020 và 2 lần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 03/QĐ-KPHQ ngày 15/5/2020 và số 07/QĐ-KPHQ ngày 9/10/2020.

Chủ đầu tư năng lực yếu vì nợ nhiều

Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam thành lập ngày 4/6/2008 tại số 115 đường DT743C Khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương với người đại diện là ông Nguyễn Hữu Nghĩa.

Dù đã có tới 14 năm hoạt động nhưng bức tranh tài chính của DCT Partners Việt Nam lại không được sáng sủa khi doanh thu bấp bênh, nhiều năm thua lỗ.

Trong giai đoạn 2016-2020, DCT Partners Việt Nam ghi nhận doanh thu thất thường khi chỉ đạt 23,7 tỷ đồng (năm 2016), 15,9 tỷ đồng (năm 2017) rồi vọt lên 290 tỷ đồng (năm 2018). Sau đó, doanh thu “rơi tự do” chỉ còn 53,6 tỷ đồng (năm 2019) và 0 đồng (năm 2020).

Giai đoạn này, DCT Partners Việt Nam có 2 năm thua lỗ, lỗ 6 tỷ đồng (năm 2016) và 17,3 tỷ đồng (năm 2019). Các năm còn lại, lợi nhuận rất khiêm tốn, chỉ đạt 33,7 tỷ đồng (năm 2017), 6,5 tỷ đồng (năm 2020). Đáng chú ý, 2018 là năm DCT Partners Việt Nam đạt doanh thu đột biến nhưng công ty cũng chỉ lãi 39,8 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận kém lạc quan chưa phải vấn đề duy nhất của DCT Partners Việt Nam. DCT Partners Việt Nam còn gây chú ý khi nợ chồng chất. Tại thời điểm cuối năm 2016 đến 2019, nợ phải trả tại công ty đạt 415 tỷ đồng, 372 tỷ đồng, 143 tỷ đồng và 526 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu 122 tỷ đồng, 156 tỷ đồng, 196 tỷ đồng và 230 tỷ đồng.

2020 là năm nợ tại công ty đạt “đỉnh”. Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả của công ty lên đến 1.496 tỷ đồng, cao gấp 6,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 86,3% tổng nguồn vốn.

Nợ đã quá cao so với vốn nhưng chưa dừng lại ở đó, ngày 22/9/2021, Công ty DCT Partners Việt Nam đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm.

Trái chủ của lô trái phiếu là CTCP Chứng khoán Bảo Minh (BMS) và Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).