Châu Âu: Nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm do tác động của nắng nóng

Các đợt nắng nóng liên tục ở nhiều nước châu Âu không chỉ đe dọa sức khỏe của người dân và môi trường mà còn kéo theo những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế.

Do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu, trong những ngày qua nhiệt độ ở nhiều nơi tại châu Âu đã tăng lên đến mức kỷ lục 44-45°C. Khu vực vốn được coi là có khí hậu ôn hòa, mát mẻ này đã phải trải qua 2 đợt nắng nóng liên tiếp trong chưa đầy một tháng.

Hiện tượng bất thường này không chỉ đe dọa sức khỏe người dân và môi trường, gây thiệt hại lớn về con người, mà còn kéo theo những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế.

Ở châu Âu, những đợt nắng nóng cao điểm được coi là hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhất, là nguyên nhân của 91% trong số 142.000 trường hợp tử vong do thiên tai từ năm 1980 đến năm 2020.

Trong khi thiệt hại do bão lũ, hỏa hoạn được công bố rõ ràng trên truyền hình và các công ty bảo hiểm có thể nhanh chóng định lượng chính xác, thì thiệt hại của các đợt nắng nóng lại chỉ có thể được thống kê đầy đủ thông qua những con số mất mát về người.

Thiệt hại về kinh tế do các hiện tượng cực đoan này gây ra là rất lớn, nhưng lại khó đong đếm và thường thông qua các chỉ số gián tiếp như sản lượng, năng suất, hoặc những chi phí vô hình như ảnh hưởng về sức khỏe, thể chất.

Tại Pháp, theo một nghiên cứu do Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia (SPF) công bố vào năm 2021, các đợt nắng nóng từ năm 2015 đến năm 2020 đã khiến nước này thiệt hại từ 22 đến 37 tỷ euro. SPF đã định lượng tác động bằng tiền đối với tỉ lệ tử vong quá mức, chi phí chăm sóc y tế bổ sung và sự mất mát về thể chất cũng như tinh thần của người dân để đưa ra con số trên.

Nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất lao động

SPF cũng cho biết ảnh hưởng về thể trạng sức khỏe con người còn dẫn đến tình trạng giảm năng suất lao động. Nhiệt độ tăng cao khiến chính phủ phải khuyến nghị hạn chế một số hoạt động đi lại và sự kiện ngoài trời.

Bên cạnh đó, các đợt nắng nóng có thể gây ra các triệu chứng mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, từ đó dẫn đến giảm năng suất lao động.

Theo một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện, nhiệt độ từ 24-25°C đã là quá nóng để làm việc với nhịp độ bình thường. Chỉ số của hàn thử biểu tăng càng cao thì năng suất lao động càng giảm, đặc biệt là đối với các công việc liên quan đến thể chất và làm việc ngoài trời.

Nếu nhiệt độ lên đến khoảng 30°C thì năng suất trong lĩnh vực xây dựng hay nông nghiệp sẽ giảm từ 30 đến 40%. Ở 33-34° C, một công nhân trung bình “mất 50% khả năng lao động”, ILO giải thích.

Có một điều không thể phủ nhận đó là khi nhiệt độ của hàn thử biểu càng tăng, thì năng suất lao động càng giảm, kéo theo chỉ số kinh tế sa sút.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 10/2021 cho biết các đợt nắng nóng năm 2003, 2010, 2015 và 2018 ở châu Âu đã khiến năng suất lao động giảm, tước đi của nền kinh tế châu Âu ước tính từ 0,3-0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương từ 43 đến 72 tỷ euro.

Nghiên cứu trên cũng cho biết, tại một số quốc gia Nam Âu, tác động tích lũy của những đợt nắng nóng này thậm chí có thể làm giảm khoảng 2% GDP quốc gia.

Một nghiên cứu khác được Cơ quan Môi trường châu Âu thực hiện vào tháng 2/2022 ước tính những sự kiện khí hậu khắc nghiệt này đã gây thiệt hại từ 27-70 tỷ euro ở 32 quốc gia châu Âu.

Nông nghiệp, công nghiệp đều chịu tác động tiêu cực

Vốn nhạy cảm với khí hậu, ngành nông nghiệp bị đe dọa bởi những đợt nắng nóng hiện nay.

Nhiệt độ cao trong thời gian ngắn không đe dọa đến cây trồng nhưng tình trạng nắng nóng cũng vẫn làm cho đất khô cằn, hạn hán, tác động đến sản lượng nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực.

Tại Pháp, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này, đợt nắng nóng năm 2019 đã khiến sản lượng ngô giảm 9% và sản lượng lúa mỳ giảm 10%. Các đợt nắng nóng cũng làm giảm sản lượng bò sữa và nguồn cung cấp sữa.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) cũng đã ghi nhận tác động của sóng nhiệt đối với tỉ lệ tử vong và năng suất của vật nuôi nói chung. Theo cảnh báo của GIEC, các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên hơn, đến sớm hơn và kéo dài hơn. Do đó, tác động sẽ càng lớn hơn đối với nền kinh tế. ILO ước tính rằng đến năm 2030, nắng nóng có thể làm giảm 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới - tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian.

Cái giá phải trả cho hiện tượng này sẽ là khả năng “bốc hơi” của 2.400 tỷ USD trên toàn cầu. Đây thực sự là một mức tăng đáng kể so với con số 208 tỷ USD thiệt hại do nắng nóng được đánh giá vào năm 1995.

Trong khi đó, theo nhà kinh tế hàng đầu tại ngân hàng Hà Lan ING, ông Carsten Brzeski, mùa hè khô hanh và nắng nóng gay gắt, do tình trạng biến đổi khí hậu đang trở nên trầm trọng hơn, khiến các doanh nghiệp trên khắp châu Âu vô cùng “đau đầu” bởi điều này tác động tiêu cực đến sản lượng kinh tế của khu vực.

Mực nước dọc theo sông Rhine của Đức - con sống quan trọng đối với hoạt động vận chuyển hóa chất, than và ngũ cốc - đang thấp đến mức việc vận chuyển bị gián đoạn và có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng.

Lưu lượng nước tại máy đo Kaub, nằm ở phía Tây của Frankfurt, chỉ tương đương 45% mức trung bình thường ghi nhận vào thời điểm này trong năm, theo dữ liệu từ Viện Thủy văn Liên bang Đức. Cơ quan này cho rằng tình trạng này gây cản trở thường xuyên cho các con tàu, và họ không kỳ vọng vào sự phục hồi của mực nước ít nhất cho đến cuối tháng 8.

Ông Eric Heymann, một nhà phân tích tại bộ phận nghiên cứu thuộc ngân hàng Deutsche Bank (Đức), thì chỉ ra rằng các tàu thuyền có thể không hoạt động hết công suất. “Đó là một sự xáo trộn khác đối với chuỗi cung ứng và là một yếu tố rủi ro đối với vấn đề cung cấp điện", ông Heymann nói.

Những lo ngại về sông Rhine có thể đè nặng lên lĩnh vực sản xuất cực kỳ quan trọng của Đức, như khi dòng sông quá khô cạn vào năm 2018. Các nhà nghiên cứu tại Viện Kiel về Kinh tế Thế giới phát hiện ra rằng trong một tháng có 30 ngày mực nước thấp, sản lượng công nghiệp của nước này giảm khoảng 1%.

Nhiệt độ nước ấm hơn cũng gây ra khó khăn cho hoạt động của các nhà máy điện trong đất liền vì chúng dựa vào các con sông để làm mát lò phản ứng. Tại Pháp, tập đoàn điện lực EDF ngày 22/7 cho biết, ba lò phản ứng đang phải hoạt động với công suất thấp hơn do nhiệt độ của các con sông gần đó đã tăng lên. Cũng vì lý do này, sản lượng thủy điện ở châu Âu dự kiến cũng sẽ bị ảnh hưởng do nắng nóng.

Và ở miền Bắc Italy, người nông dân đang phải vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, ảnh hưởng đến sản xuất các loại cây trồng.

Những vấn đề liên quan đến khí hậu này có thể đẩy lạm phát lên cao hơn khi châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt. Lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro (Eurozone) đã đạt mức cao kỷ lục là 8,6% trong tháng 6/2022, điều này buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ đưa ra một biện pháp can thiệp mạnh mẽ vào đầu tuần này.

Tuy nhiên, các hành động của ECB có thể bị hạn chế nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí rơi vào suy thoái. Hoạt động kinh tế tại Eurozone đã thu hẹp trong tháng 7/2022 khi mảng sản xuất ghi nhận sự sụt giảm lớn trong bối cảnh giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nữa, theo kết quả khảo sát mà tập đoàn dịch vụ tài chính S&P Global Market Intelligence công bố hôm 22/7.

Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng về doanh nghiệp tại S&P Global Market Intelligence, cho biết GDP của Eurozone có thể sẽ giảm trong quý III/2022, với tình hình mùa Thu và mùa Đông có thể còn khó khăn hơn.