Chi phí tài chính 'ăn mòn' lợi nhuận của Becamex IDC

Dù giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, song chi phí tài chính tăng mạnh khiến lợi nhuận năm 2021 của Becamex IDC (HoSE: BCM) chỉ bằng 63% năm trước đó.

Quý IV/2021, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC, HoSE: BCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.111 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vốn hàng bán quý vừa qua chiếm hơn 52% doanh thu thuần (cao hơn cùng kỳ 5%) nên lợi nhuận gộp quý cuối năm ngoái của Becamex IDC chỉ đạt gần 1.480 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý gần nhất đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, nhưng chi phí tài chính cùng chi phí khác tăng mạnh (tăng lần lượt gấp 6 lần và 12 lần so với cùng kỳ) khiến lãi ròng của Becamex IDC bị bào mòn.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý cuối năm ngoái của Tổng công ty này chỉ bằng 38% cùng kỳ năm 2020, đạt gần 331,5 tỷ đồng.

Chi phí tài chính quý IV/2021 chiếm gần 55% chi phí tài chính năm ngoái của Becamex IDC.

Mức sụt giảm vừa nêu đã kéo lãi ròng cả năm 2021 của Becamex IDC bị ảnh hưởng nặng khi chỉ đạt 1.369 tỷ đồng, giảm 817 tỷ đồng so với kết quả năm liền kề trước đó.

Năm ngoái, Tổng công ty này ghi nhận chi phí tài chính vượt mức 1.000 tỷ đồng (hơn 78% là chi phí lãi vay), tăng 76% so với năm 2020.

Thêm vào đó, khoản chi phí khác trong năm cũng tăng vọt lên gần 530 tỷ đồng từ mức gần 57 tỷ đồng được ghi nhận trong năm 2020.

Đây là hai khoản chi tăng mạnh nhất và cũng là yếu tố khiến lãi ròng cả năm 2021 của Becamex IDC sụt giảm, chỉ bằng 63% năm 2020.

Năm vừa qua, doanh nghiệp này đã trả nợ vay hơn 7.000 tỷ đồng, đồng thời vay thêm gần 9.870 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Becamex IDC giảm nhẹ so với đầu năm, ở mức hơn 48.560 tỷ đồng; trong đó, gần 59% là tài sản.

Tổng công ty này đã tăng khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới ba tháng đến cuối kỳ lên 2.640 tỷ đồng (tăng xấp xỉ 85% so với hồi đầu năm) đồng thời có hơn 323 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Kết quả kinh doanh ba năm gần nhất của Becamex IDC (Đvt: tỷ đồng).

Nhờ giảm khoản nợ ngắn hạn nên tổng nợ phải trả đến cuối năm ngoái của Becamex IDC thấp hơn đầu năm khoảng 740 tỷ đồng, về mức xấp xỉ 31.800 tỷ đồng.

Song, nợ dài hạn của doanh nghiệp này đến cuối năm 2021 lại tăng thêm 2.901 tỷ đồng, lên hơn 12.740 tỷ đồng; trong đó, 97% là vay và nợ thuê tài chính (xấp xỉ 12.400 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ của Becamex IDC tăng lên 4.613 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp… Becamex IDC hiện có 9 công ty con và 13 công ty liên kết được phản ánh trong Báo cáo.

Năm ngoái, mảng kinh doanh bất động sản/ bất động sản đầu tư mang về hơn 2.610 tỷ đồng cho Becamex IDC, cao hơn năm 2020 gần 47%. Đây cũng là mảng đóng góp 84% trong tổng doanh thu của Tổng công ty này.

Ngoài ra, đến cuối kỳ, Becamex IDC ghi nhận khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn bật tăng mạnh, lên gần 600 tỷ đồng bao gồm khoản lãi nội bộ đất chuyển nhượng chờ hoàn lại hơn 637 tỷ đồng (hoàn nhập trong kỳ hơn 44 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, Tổng công ty kỳ vọng tổng doanh thu năm nay sẽ đạt 6.814 tỷ đồng và lãi ròng có thể đạt khoảng 1.381 tỷ đồng.

Dự kiến, cổ tức năm nay của Becamex IDC sẽ là 7% thay vì 6% như thực hiện năm vừa rồi.