Chia nhỏ 'đất vàng' quanh sân vận động Nha Trang để kinh doanh

Hiện có nhiều đơn vị đang thuê đất sân vận động Nha Trang để kinh doanh hồ bơi, cà phê và trạm xe buýt. Cơ quan quản lý cho biết đó là chủ trương của UBND tỉnh từ nhiều năm trước.

Nằm ở vị trí đắc địa nên đất xung quanh sân vận động 19 Tháng 8 - sân vận động Nha Trang có giá trị rất cao. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp được tỉnh Khánh Hòa cho thuê để kinh doanh. Sau đó, các đơn vị này lại cho thuê lại với giá cao.

Theo một số môi giới bất động sản tại Nha Trang, đất mặt tiền đường Yersin hiện có giá rất cao và không dễ mua. Tùy vị trí có nơi lên đến 400 triệu/m2, còn lại dao động 180-300 triệu/m2 căn cứ vào diện tích và đầu hay cuối đường.

Nhiều doanh nghiệp được thuê đất vàng

Nguồn tin của xác nhận có nhiều đơn vị thuê đất của sân vận động 19 Tháng 8 và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau từ kinh doanh hàng quán, bán cà phê, hồ bơi, sân tenis cho đến bến xe buýt.

san-van-dong-nha-trang-1666340859.png Toàn cảnh "đất vàng" sân vận động Nha Trang. Ảnh: Xuân Hoát.

 

Đơn vị thứ nhất là Công ty CP dịch vụ vận tải Đất Mới, thuê trọn mặt tiền đường Yersin của khu A và D sân vận động Nha Trang.

Sau khi được thuê đất, Công ty Đất Mới đã cho xây dựng trạm xe buýt, trung tâm điều hành ngay tại đây, còn khu vực mặt tiền đường Yersin doanh nghiệp này chia nhỏ thành nhiều ki-ốt để kinh doanh.

Đơn vị thứ 2 là Công ty Lạc Hồng, doanh nghiệp này thuê đất giáp với nhà thi đấu Phan Chu Trinh để xây dựng sân quần vợt - tenis, bóng bàn.

Tiếp giáp với khu vực của Công ty Lạc Hồng là khu đất rộng hơn 4.600 m2 được UBND tỉnh Khánh Hòa “cắt” cho Công ty CP Yết Kiêu thuê từ năm 2010 làm dự án trung tâm dịch vụ bơi lội thể thao Khánh Hòa theo hình thức xã hội hóa

Sau khi thuê đất, Công ty CP Yết Kiêu đã cho xây dựng hồ bơi để kinh doanh, đồng thời còn cho xây dựng thêm quán cà phê và 8 cửa hàng ở mặt tiền đường Yersin rồi cho các tổ chức, cá nhân thuê lại.

Đơn vị thứ 4 được giao cho thuê hàng nghìn m2 đất sân vận động Nha Trang để xây dựng quán cà phê Misa mặt tiền đường Phan Chu Trinh.

san-van-dong-nha-trang-2-1666340934.png Hàng nghìn m2 đất sân vận động được cắt cho thuê làm quán cà phê mặt tiền đường Phan Chu Trinh. Ảnh: Xuân Hoát.

 

Theo ông Lê Hùng Tâm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao (Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa), cho biết trong 4 đơn vị trên có 2 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với trung tâm là Công ty Đất Mới và cà phê Misa, còn Công ty Yết Kiêu, Lạc Hồng do UBND tỉnh Khánh Hòa ký.

“Các hợp đồng do trung tâm ký đều có chung thời điểm là từ tháng 4/2022 và thời hạn kéo dài 24 tháng. Công ty Lạc Hồng thuê đất 30 năm, riêng Công ty Yết Kiêu được UBND tỉnh gia hạn thêm 24 tháng kể từ tháng 8/2022”, ông Lâm thông tin.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên ở khu vực sân vận động Nha Trang, ngoài 4 đơn vị trên còn có 2 bãi giữ xe ngay trong khuôn viên. Bãi thứ nhất nằm giữa sân thi đấu bóng đá và nhà thi đấu Phan Chu Trinh, cái còn lại nằm khu vực khán đài D và B.

Trong đó, khu thứ nhất là của Công ty CP dịch vụ vận tải Yết Kiêu, khu còn lại do chính người của Trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao quản lý. Khu vực này hiện rất nhếch nhác.

Sẽ chỉnh trang lại khu vực

Nhiều người cho rằng đất sân vận động Nha Trang thuộc đất văn hóa, giáo dục được cho thuê để làm bến xe buýt là chưa đúng quy định.

Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết nơi này đã được Sở Giao thông Vận tải cấp phép để sử dụng làm điểm đầu, điểm cuối trạm xe buýt Nha Trang - sân bay Cam Ranh. Còn Sở Xây dựng cấp phép xây dựng nơi này.

“Đất thì của mình quản lý, nhưng để đáp ứng nhu cầu xe buýt sân bay nên Sở Giao thông và Xây dựng cấp phép xây dựng điểm đầu, điểm cuối và các hạng mục. Việc này đã được UBND tỉnh cho phép chủ trương thực hiện chứ không phải Sở Thể thao Văn hóa sử dụng sai mục đích”, ông Thiện nói.

san-van-dong-nha-trang-3-1666341003.png Một phần đất sân vận động được cho thuê làm bến xe buýt. Ảnh: Xuân Hoát.

 

Còn việc các đơn vị khác đang thuê đất ở sân vận động Nha Trang, theo ông Thiện đều thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh từ xưa đến nay, chứ không phải sở tự động đi cho thuê kể cả việc cho thuê sai mục đích sử dụng đất.

Theo quan sát, khu vực mặt tiền đường Yersin của khu đất sân vận động Nha Trang (dài khoảng 230 m) có hàng chục ki-ốt, hàng quán kinh doanh, nhiều nơi làm quán nhậu rất nhếch nhác.

Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiện cho biết sở đang chờ các đơn vị được cho thuê đất hết hợp đồng sẽ lấy lại để chỉnh trang cho sạch đẹp.

“Cái khó là một số hợp đồng còn nhiều thời hạn cho thuê, nên sở cũng chưa thể làm ngay việc chỉnh trang lúc này. Cái này có yếu tố lịch sử để lại từ các nhiệm kỳ trước, trong đó như Lạc Hồng có thời hạn 30 năm”, ông Thiện phân trần.

Tháng 6/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương di dời sân vận động 19 Tháng 8 - sân vận động Nha Trang về khu vực xã Phước Đồng.

Đến tháng 12/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban quản lý các công trình trọng điểm làm chủ đầu tư thực hiện dự án khu liên hợp thể thao tỉnh ở xã Phước Đồng, đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty CP An Việt.

Đến tháng 3/2013, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc đó là ông Nguyễn Chiến Thắng đồng ý về chủ trương để Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Khánh Hòa nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực sân vận động 19 Tháng 8 Nha Trang (sau này là Công ty CP Đất Mới) để đầu tư xây dựng khu công viên kết hợp bố trí nhà hầm ngầm đỗ xe.

Từ năm 2012, dự án liên quan sân vận động 19 Tháng 8 “treo” cho đến nay.

Hôm 6/10, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chấm dứt thực hiện cho phép chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu liên hợp thể thao tỉnh Khánh Hòa ở xã Phước Đồng.