Có thể nói, đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, với vụ việc này còn thể hiện thái độ, hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng của chính bản thân, con em mình và người khác trong khi tham gia giao thông.
Ở đây không đơn giản là giao phương tiện giao thông cho người không có giấy phép lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà còn là hành vi coi thường pháp luật. Bởi, bé gái mới chỉ 4 - 5 tuổi quá nhỏ, chưa thể nói về điều kiện tham gia giao thông được mà chính xác phải là giao vôlăng cho người không có năng lực hành vi dân sự.
Do đó, hành động giao vô lăng xe ô tô - nguồn nguy hiểm cao độ cho em bé điều khiển - là hành vi tội ác, không thể chấp nhận được bởi tính chất đặc biệt nguy hiểm của nó. Hành động này, hoàn toàn khác với trường hợp giao cho người chưa đủ điều kiện, thường là người trưởng thành chưa có giấy phép lái xe hoặc chỉ thiếu một vài tuổi để được điều khiển xe, nếu là xe dưới 50cm3...
Theo quy định hiện hành, hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định chỉ bị xử lý theo quy định tại Điểm h, Khoản 8, Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 4 - 6 triệu đồng. Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy tố về "Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Khi đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trường hợp có khung hình phạt nặng nhất có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Trong trường hợp này chưa gây ra hậu quả nhưng hành vi lại rất nguy hiểm chỉ xử phạt mức phạt từ 4 - 6 triệu đồng thì quá nhẹ, không đủ sức răn đe, phòng ngừa. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng này. Ngoài xử phạt tiền, trong thời gian tới cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung quy định tước giấy phép lái xe trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí tước vĩnh viễn đối với các trường hợp tương tự như thế này nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Cùng đó, việc xử phạt nặng những hành vi tương tự còn mang tính tuyên truyền, giáo dục đối với toàn xã hội, nhất là các ông bố, bà mẹ và những người thân của trẻ em không nên quá nuông chiều, muốn tạo khoảnh khắc độc, lạ hoặc vì "câu like", "câu view" mà coi thường sức khỏe, tính mạng người khác.