Ngày 19/7, Gói thầu Mua sắm thiết bị thuộc Dự án Xây dựng thêm 9 phòng học và các phòng hỗ trợ học tập - Trường Tiểu học Phan Bội Châu, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) qua mạng. Gói thầu do UBND TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư, giao Công ty TNHH Khoa Mai Nguyễn tổ chức lựa chọn nhà thầu. Với quy mô 900 triệu đồng, danh mục mua sắm gồm bàn, ghế; tủ hồ sơ; thiết bị âm thanh, song HSMT đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn đánh giá gây khó đối với đa số nhà thầu, đặc biệt là các yêu cầu nhân sự bị phản ánh không thực sự cần thiết so với quy mô, tính chất gói thầu.
Cụ thể, HSMT quy định tới 8 vị trí nhân sự chủ chốt, với tổng số 17 người, đều là lao động đang ký hợp đồng tại doanh nghiệp dự thầu. Trong đó, vị trí cán bộ phụ trách thanh quyết toán phải có chứng chỉ định giá hạng II trở lên; cán bộ giám sát, kiểm tra thẩm mỹ hàng hóa phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành trang trí nội thất; cán bộ giám sát, kiểm tra sản xuất đồ gỗ phải có trình độ đại học chuyên ngành chế biến lâm sản. Ngoài ra, cần tới 10 công nhân kỹ thuật (có chứng chỉ nghề bậc 3/7 trở lên; có chứng nhận huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động) để thực hiện việc lắp đặt. Các vị trí còn lại gồm cán bộ quản lý dự án; cán bộ giám sát kỹ thuật hàng hóa; cán bộ giám sát an toàn lao động; cán bộ giám sát phòng cháy cũng được cho là “dư thừa”, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, HSMT quy định nhà thầu phải cung cấp tài liệu chứng minh có kho lưu trữ hàng hóa diện tích khoảng 1000 m2 trở lên đã được kiểm tra hiện trạng về phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền từ năm 2021 trở về sau.
Trước đó, tại Gói thầu Mua sắm trang thiết bị làm việc cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau (dự toán 5,584 tỷ đồng; danh mục thiết bị gồm bàn ghế làm việc; giường ngủ cá nhân; tủ đựng công cụ, trang phục; máy vi tính; tivi), HSMT quy định, để được đánh giá đạt, nhà thầu phải sở hữu một hệ thống nhà xưởng sản xuất, dây chuyền sản xuất hàng hóa (đính kèm giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; bản vẽ thiết kế nhà xưởng). Theo các nhà thầu, yêu cầu này là không cần thiết, dễ dẫn đến hạn chế cạnh tranh.
Không chỉ tại lĩnh vực mua sắm hàng hóa, HSMT các gói thầu xây lắp do Công ty TNHH Khoa Mai Nguyễn tư vấn lập cũng thường xuyên đưa ra các yêu cầu không phù hợp. Đơn cử tháng 4/2022, Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Bê tông đường vào Nhà Văn hóa ấp 6, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An được phát hành HSMT. Gói thầu có giá dự toán 1,3 tỷ đồng, cấp IV, chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp siêu nhỏ, nhỏ, song HSMT yêu cầu tới 26 nhân sự chủ chốt đều phải có hợp đồng lao động; trình độ đại học trở lên (trừ công nhân kỹ thuật). Đồng thời, có chứng chỉ hành nghề hạng III trở lên tương ứng với vị trí đảm nhận. Ngoài ra, HSMT quy định nhà thầu phải có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp, kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hóa đơn/chứng từ chứng nhận vật tư hiện có của đơn vị cung cấp đó; giấy phép hoạt động khai thác nguồn đất; vị trí hầm đất được khai thác phải cách công trường xây dựng không quá 30 km...
Kết quả, những gói thầu kể trên thường chỉ thu hút từ 1 đến 2 nhà thầu tham dự; một vài gói thầu trong số đó bị hủy thầu do không có nhà thầu đáp ứng.
Theo tìm hiểu, không chỉ gây tranh cãi ở khâu lập HSMT, một số gói thầu mua sắm hàng hóa do Công ty TNHH Khoa Mai Nguyễn mời thầu trong năm 2020 cũng từng “dính” kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc các gói thầu quy mô nhỏ, tính chất đơn giản lại yêu cầu hàng loạt tiêu chuẩn đánh giá tùy tiện, không cần thiết, thực chất là “bắt bí” nhà thầu. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư/bên mời thầu. Bên cạnh đó, cần xem xét lại vai trò của tư vấn thẩm định HSMT.