Chủ đầu tư có đi ngược với chỉ đạo của Tỉnh ủy?

Bộ Xây dựng chưa đồng tình với đề xuất điều chỉnh quy hoạch Dự án (DA) thủy điện Châu Thôn, Nghệ An. Lý do, DA cần bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có liên quan… đảm bảo an sinh cho người dân hạ du. Trước đó, Tỉnh ủy Nghệ An từng ban hành thông báo không tăng công suất lắp máy, không tăng diện tích sử dụng đất đối với thủy điện Châu Thôn.
huyen-que-phong-tap-trung-toi-10-da-thuy-dien-1657788603.jpg
Huyện Quế Phong tập trung tới 10 DA thủy điện. Ảnh: N.A.O

Không tăng công suất lắp máy, không tăng diện tích sử dụng đất

Tháng 11/2007, tại xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, Nghệ An công trình thủy điện Châu Thôn do Công ty CP thủy điện Châu Thôn làm chủ đầu tư chính thức được khởi công xây dựng. Hệ thống thủy điện được xây dựng thành 3 tổ máy có công suất 18MW. Tổng vốn đầu tư trên 360 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

DA thuộc Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3095/QĐ-BCT ngày 10/4/2014.

Ngày 26/11/2020, tại một phiên họp, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Nghệ An đã có báo cáo tổng thể công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các DA thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Bước sang tháng 1/2021, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Thông báo số 85-TB/TU. Nội dung thông thể hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau: Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật… Không tổ chức nghiên cứu, khảo sát để bổ sung mới quy hoạch DA thủy điện trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả các DA đang được khảo sát: Nậm Pông 2, Bản Cốc B, Bản Bà, Ca Nan 3, Mỹ Lý - Xiềng Dược, Hạ Đồng Văn, Hủa Na A, Yên Thắng, Sông Hiếu, Tam Sơn, Hạnh Dịch).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu quản lý chặt chẽ các DA đang vận hành phát điện. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn, vận hành hồ chứa các thủy điện nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ lưu. Rà soát quy trình vận hành hồ chứa thủy điện để xem xét việc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy trình vận hành phù hợp trong mùa lũ và mùa cạn nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống nhân dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hài hòa lợi ích giữa các đối tượng sử dụng nước.

Đối với 3 DA thủy điện Châu Thôn, Bản Cánh và Sông Quang 1: Thống nhất chủ trương nghiên cứu cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để phục vụ việc hoàn thiện đảm bảo các quy định, nhưng không tăng công suất lắp máy, không tăng diện tích sử dụng đất.

Ngay sau khi Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Thông báo số 85-TB/TU, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 35/UBND-CN về việc thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương thực hiện các DA thủy điện trên địa bàn tỉnh gửi các Sở: Công thương, TN&MT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; UBND các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu, Anh Sơn.

UBND tỉnh giao các sở và UBND các huyện nêu trên nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Vẫn đề xuất tăng công suất

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, chủ đầu tư DA thủy điện Châu Thôn vẫn làm các thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch DA. Theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch của Bộ Công Thương tới Bộ Xây dựng thì DA thủy điện Châu Thôn được đề xuất tách làm 02 DA, bao gồm: DA thủy điện Châu Thôn và DA thủy điện Châu Thôn A. Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch do Cty TNHH Tư vấn kỹ thuật Việt Nam – Canada lập tháng 3/2022.

DA thủy điện Châu Thôn có công suất 29,8MW với 02 tổ máy, cao trình lắp máy 378,20m, mực nước dâng bình thường 785m. Còn DA thủy điện Châu Thôn A có công suất 4MW với 02 tổ máy, cao trình lắp máy 782,50m, mực nước dâng bình thường 845m.

Ngày 7/7/2022, Bộ Xây dựng có văn bản gửi tới Bộ Công thương thể hiện quan điểm: “DA thủy điện Châu Thôn và Châu Thôn A cần bổ sung cơ sở pháp lý điều chỉnh quy hoạch đáp ứng các quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng DA thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Về đề xuất nâng quy mô công suất từ 27MW lên quy mô công suất 33,8MW (DA thủy điện Châu Thôn: 29,8MW, DA thủy điện Châu Thôn A: 4MW) cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực DA, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện.

Bộ Công Thương đánh giá và chịu trách nhiệm về hồ sơ quy hoạch của DA nhằm đảm bảo tính pháp lý làm cơ sở xem xét hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định đồng thời đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt…”.

Bộ Xây dựng cho rằng: “Nội dung đầu tư xây dựng của DA liên quan đến các hạng mục công trình: Đập dâng, đập tràn, công tác xử lý nền đập thuộc cụm đầu mối; Hệ thống đường hầm và giếng đứng, đường ống bê tông cốt thép, nhà máy thủy điện và kênh xả, .. cần được nghiên cứu, thiết kế căn cứ trên số liệu và kết quả điều tra, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thủy văn nhằm đảm bảo cơ sở đề ra đầy đủ các giải pháp thiết kế an toàn công trình và an toàn công trình lân cận trong khu vực DA …”.

Toàn tỉnh Nghệ An có 32 DA thủy điện, riêng địa bàn huyện Quế Phong có tới 10 DA thủy điện (5 nhà máy thủy điện đã hoạt động, phát điện thương mại hòa vào lưới điện quốc gia), việc xây dựng các nhà máy thủy điện làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống người dân trên địa bàn.

Tháng 12/2020, Bộ Công thương có văn bản gửi các địa phương yêu cầu tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, loại ra khỏi quy hoạch các DA không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến cư dân và tác động xấu đến môi trường.

Với các DA đã vận hành, đang xây dựng, Bộ Công Thương đề xuất tăng cường kiểm tra, rà soát quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình, đáp ứng các yêu cầu về môi trường, quy định về đầu tư xây dựng, đặc biệt các DA nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Theo đó, các chủ đầu tư không tuân theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm, kể cả xem xét thu hồi giấy phép, dừng thi công để khắc phục.