Cuộc gặp với bà chủ chuỗi Fresh Garden diễn ra vào một sáng mùa thu tại trụ sở công ty trên phố An Dương, sau khi chị Nguyễn Thu Hà chuẩn bị bữa sáng và đưa con út đi học.
Vận áo sơ mi trắng, quần âu trắng, không trang điểm, chị cười: "Rất nhiều người tò mò bà chủ của Fresh Garden là ai".
* Chị biết không, nếu không có buổi gặp hôm nay, tôi đã nghĩ chủ Fresh Garden hẳn là một công ty nước ngoài…
Nhiều người, trong đó có các đối thủ của Fresh Garden cũng nghĩ như vậy. Họ vẫn nghĩ chủ của Fresh Garden không phải người Việt Nam (cười).
Thú thực, tôi không muốn khoe khoang, và ngày ấy cũng chưa sẵn sàng.
Giờ về sản xuất chúng tôi có một xưởng 7.000 m2, về "bộ mặt" công ty thì có khu văn phòng mới, tôi nghĩ đây là lúc phù hợp để giải tỏa những dư luận cho rằng Fresh Garden là của nước ngoài. Sao cứ phải có công ty nước ngoài đứng sau, hay phải bán cổ phần cho nước ngoài thì mới có đủ tiềm lực mở chuỗi?
Chọn thời điểm này xuất hiện, vì giờ tôi thấy tự tin, nhưng không phải tự tin theo kiểu tôi nghĩ là tôi giỏi. Ngoài kia còn nhiều người giỏi hơn tôi, tôi chỉ là người tâm huyết với việc làm bánh, và chăm chút từng chi tiết nhỏ để làm ra sản phẩm.
* Xuất phát điểm của các chủ doanh nghiệp mảng Bakery hoặc là dân kinh doanh, hoặc là người làm thợ, có nghề, rồi tách ra kinh doanh riêng. Chủ của chuỗi Fresh Garden thì sao?
Tôi không đi lên từ thợ bánh, cũng không phải dân kinh doanh. Trước tôi làm việc tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Do con cả đi học ở nước ngoài từ nhỏ, nên mỗi khi con về nước, gia đình tôi thường đưa các con đi du lịch, điểm đến yêu thích của bọn trẻ là Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong. Mà trẻ con thì mê ăn bánh, tôi cứ thế đi theo bọn nhỏ, và lần nào vào tiệm bánh của họ cũng mê, mê từ mùi hương khi bước vào cửa tiệm, đến sản phẩm đa dạng với cách bài trí tinh tế.
Cứ 3 - 4 năm như vậy. Tôi khi ấy đơn giản chỉ là thích thôi, chứ trong đầu không bao giờ nghĩ chuyện sẽ làm bánh hay mở cửa hàng bánh, mà vẫn cho rằng mình sẽ gắn bó với Nhà nước. Một ngày, anh bạn Đài Loan nói chuyện rằng: "Sao giờ tôi cứ thích mở cửa hàng bánh ở New York". Tôi hỏi lại: "Sao không mở ở Việt Nam?"
Trong giấy tờ đăng ký kinh doanh, chị Nguyễn Thu Hà cũng không lộ mặt. Chuỗi Fresh Garden trực thuộc Công ty TNHH PHD, do anh Nguyễn Anh Tuấn - chồng chị - làm đại diện pháp luật, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên. PHD có 3 cổ đông chính, trong đó hai vợ chồng chị Hà góp vốn 21 tỷ đồng, chiếm 70% cổ phần.
Công ty sở hữu Fresh Garden đã tăng vốn lên 50 tỷ đồng vào tháng 5/2019, số vốn góp của hai vợ chồng chị tăng lên 37,5 tỷ đồng, chiếm 75% cổ phần công ty.
* Chỉ với ý tưởng đó, chị quyết định rời vị trí lãnh đạo cấp trung của một cơ quan Nhà nước để khởi nghiệp?
Không. Khi mở cửa hàng đầu tiên ở Nguyễn Chí Thanh vào đầu năm 2010, tôi vẫn chưa nghỉ việc Nhà nước.
Tuy nhiên, kinh doanh trong mảng Bakery không đơn giản, trong khi tôi xuất phát điểm không biết gì về bánh. Bên cạnh đó, thợ bánh người Đài Loan không biết nói tiếng Việt, tôi là người trao đổi với thợ bằng tiếng Anh và truyền đạt lại cho nhân viên.
Bánh của chúng tôi được thị trường rất đón nhận. Cơ sở sản xuất đặt ngay trên tầng 2 của cửa hàng Nguyễn Chí Thanh ngày đó, vậy mà bánh ra không kịp tốc độ bán, khách hàng còn phải đợi.
Thuở ấy, các tiệm bánh ở Hà Nội chủ yếu sản xuất bánh mì Âu, không có nhiều bánh mì Á. Chúng tôi mở Fresh Garden với ý tưởng mang đến một thứ gì đó mới mẻ, thay đổi khẩu vị, thay đổi thói quen ăn sáng, chúng tôi đã thành công.
10 tháng sau khi mở cửa hàng đầu tiên, tôi quyết định xin nghỉ việc ở cơ quan Nhà nước, tập trung vào niềm đam mê sản xuất và kinh doanh bánh. Cùng năm ấy, tôi mở cửa hàng thứ 2 ở Láng Hạ.
* Đắt khách như vậy, chắc hẳn lợi nhuận của chuỗi cũng khá?
Ba năm đầu, Fresh Garden lỗ liên tục do doanh thu chưa đủ bù đắp các chi phí. Tháng nào tôi cũng bỏ tiền riêng ra để chi trả lương nhân viên. Đến năm thứ 4, mọi thứ đã dần được kiểm soát và chúng tôi bắt đầu có lãi.
Sau một thời gian tích lũy, tôi đã xây dựng được một xưởng sản xuất 7.000 m2 ở ngoại ô Hà Nội.
Giờ hỏi có tiền không, thì tôi không có. Nhưng độ nhận diện thương hiệu và giá trị tài sản của công ty tăng lên nhiều. Tôi thấy bõ công sức.
Nói thật, số tiền đấy nếu không làm Fresh Garden, tôi gửi tiết kiệm và đi làm Nhà nước cũng rất ung dung.
* Trong 10 năm kinh doanh, đâu là bước ngoặt lớn nhất của Fresh Garden?
Nhận thấy sản phẩm của mình đa dạng phù hợp với nhiều lứa tuổi, lượng khách đến cửa hàng ngày một đông nên chúng tôi quyết định tăng tốc. Trong giai đoạn giữa năm 2017 đến hết năm 2018, chúng tôi mở 20 cửa hàng. Thời điểm đó, tất cả các thành viên trong công ty làm việc hết công suất và có thể nói ai cũng tràn đầy năng lượng và cố gắng hết mình.
Đúng ra muốn tiếp cận khách hàng, giới thiệu sản phẩm nhất là doanh nghiệp còn non trẻ như chúng tôi thì việc chi trả cho marketing, quảng cáo là rất cần thiết. Tuy nhiên, vì sản phẩm được đón nhận, mở cửa hàng có doanh thu ngay nên chúng tôi quyết định mở cửa hàng thay vì đầu tư cho quảng cáo. Tôi cho đây là bước ngoặt lớn của Fresh Garden và chúng tôi may mắn khi nhận định đúng thị trường.
* Chị từng nhắc đến sốt nhập khẩu mà chỉ riêng Fresh Garden có, có vẻ nguyên liệu là thế mạnh mà chị rất tự hào?
Có 2 điểm tôi tự hào nhất ở Fresh Garden: Sử dụng những gì tốt nhất cho khách hàng và tất cả những người đang vận hành, sản xuất ra sản phẩm luôn giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.
Tư duy thông thường của người kinh doanh nói chung luôn làm sao để được lợi nhuận cao. Với việc lựa chọn và sử dụng nguyên liệu của Fresh Garden như hiện nay, chắc chắn không đem lại lợi nhuận cao nhưng cái lời nhất của tôi chính là niềm tin của khách hàng vào chất lượng của từng chiếc bánh.
Trong sản xuất chúng tôi tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, các chất phụ gia trong danh mục cấm sử dụng. Nguyên liệu chủ yếu chúng tôi đang sử dụng đều đến từ những nhãn hiệu có uy tín như Anchor, Vivo, Meiji, Komplet… Một số dòng sốt của Ý như sốt pizza, sốt mayonaise là chúng tôi nhập trực tiếp từ Ý cho riêng mình. Chúng tôi đã thay thế việc quết trứng lên bề mặt bánh trước khi nướng bằng một loại nước tổng hợp mà chủ yếu được làm từ đậu nành được nhập khẩu từ Đức, đây cũng là điểm khác biệt của chúng tôi.
Bao đời nhân viên học rồi ra mở riêng, tôi nghĩ họ cũng sẽ có nhìn nhận đúng về cái tâm trong sản xuất kinh doanh của tôi và chính họ cũng sẽ là một kênh quảng cáo cho mình.
* Vừa làm sản xuất, vừa làm bán lẻ, điều hành tới 60 cửa hàng, có thật là không có ông lớn nước ngoài nào đứng sau Fresh Garden? Chí ít chắc chị cũng mời đơn vị nước ngoài vào tư vấn…
Tất cả chỉ có hai vợ chồng tôi, mỗi người phụ trách mảng riêng và tôi chưa mời bất kì một đơn vị tư vấn hay nhận vốn từ bên ngoài vào.
Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy nếu muốn phát triển hệ thống bền vững cần phải có quy trình thứ tự và chuẩn mực cho tất cả các bộ phận trong công ty. Chúng tôi đã sử dụng 02 cách là tự xây dựng quy trình và mời đơn vị tư vấn giúp chuẩn hóa quy trình. Hệ thống được vận hành bởi con người, mà muốn đạo tạo, vận hành đều phải dựa trên quy trình do vậy luôn luôn duy trì mối liên kết này thì mới phát triển được.
Vừa sản xuất, vừa vận hành chuỗi bán lẻ không khỏi có những khó khăn, nếu kể ra thì còn dài lắm. Tôi chỉ muốn nói khó khăn gì cũng vượt qua được, quan trọng nhất mình có đội ngũ nhân sự gắn bó từ những ngày đầu và cùng có đam mê tâm huyết như mình.
* Kinh doanh trong ngành thực phẩm khó tránh được những scandal. Lúc ấy, chị xử lý thế nào?
Nguyên tắc đầu tiên là luôn lắng nghe khách hàng. Đổi hoặc trả lại sản phẩm, tiền khi khách hàng có thắc mắc.
Nguyên tắc thứ hai luôn mong muốn gặp trực tiếp khách hàng để tìm hiểu và giải thích, đồng thời đưa ra lời xin lỗi từ phía công ty kèm theo phiếu mua hàng tặng khách hàng. Hai nguyên tắc này tôi vẫn thực hiện trong suốt quá trình hoạt động.
* Hai vợ chồng chị cùng vận hành doanh nghiệp, có khi nào có sự chồng chéo hay mâu thuẫn…
Để không xảy ra mẫu thuẫn trong quá trình làm việc, hai vợ chông tôi tuân thủ nguyên tắc "Không can thiệp vào việc của nhau". Trong công ty chỉ có sự đoàn kết, tôn trọng nhau, đồng nghiệp không thể nhìn vào mà nói vợ chồng tôi mỗi người một ý.
Ngay cả khi ông xã quyết định sai, tôi sẽ nghe theo cái sai đấy. Trong công ty không thể "ông nói một đằng, bà nói một nẻo". Ở phía ngược lại, anh Tuấn cũng sẽ nói "Nếu chị Hà quyết thế rồi, cứ thế làm". Hoặc tôi yêu cầu "Anh Tuấn quyết thế rồi, cứ thế làm". Như vậy, sẽ không bị chồng chéo kiểu "anh nhảy vào việc chị, chị nhảy vào việc anh".
Cái sai ấy sau đó mỗi người sẽ tự nhận biết và điều chỉnh.
Tôi cũng không tham dự các cuộc họp. Các cuộc họp chỉ có một người tham dự là anh Tuấn, tôi vẫn luôn trêu anh là "Mr Họp".
* Chị cân bằng thế nào giữa việc kinh doanh và chăm sóc gia đình?
Tôi có một nguyên tắc làm gì thì làm, đúng 7g tối phải có mặt ở nhà ăn cơm với gia đình. Kế hoạch hoạt động đã được xây dựng theo lộ trình, tôi kiểm soát và thúc đẩy công việc theo đúng kế hoạch đặt ra.
Tôi có 03 người con, cháu út mới học lớp 3 nên tôi dành nhiều thời gian chăm sóc và dạy con học. Tôi ít nói chuyện công việc lúc ở nhà mà dành thời gian đó để chia sẻ với các thành viên trong gia đình.
* Một ngày của chị diễn ra thế nào?
5h30 thức giấc và dành 45 phút đi bộ.
6h30-7h30: Chuẩn bị bữa sáng và chở con đi học
Sau đó tôi trở về nhà và chuẩn bị đi làm lúc 8g30.
Tôi thích hoa và cũng hay tự mua hoa về cắm sau khi kết thúc công việc.
* Các CEO thường dạy con cách tiêu tiền. Chị thì sao?
Khi con nhỏ tôi không dạy con cách tiêu tiền mà tôi chỉ dạy cách phân biệt đồng tiền. Cháu đầu và cháu thứ hai của tôi đã tiếp xúc với môi trường giáo dục nước ngoài từ nhỏ, họ đã dạy cho trẻ con cách lập kế hoạch chi tiêu và chi tiêu thế nào cho đúng.
Tôi và ông xã thường dạy con biết quý trọng và hiểu được giá trị những gì mà chúng đang có, hiểu và trân trọng những gì bố mẹ đã làm để nuôi các con ăn học. Tôi muốn con từ bé đã hình thành trong suy nghĩ phải lao động và hiểu được giá trị của lao động.
* Fresh Garden 10 năm nữa sẽ ra sao?
Trong ngắn hạn, tôi vẫn tiếp tục phát triển cửa hàng bán lẻ và cung cấp sản phẩm cho các trường học, chuỗi siêu thị tiện ích.
Trong dài hạn, tôi mong muốn phát triển sản phẩm đặc thù dành cho người ăn kiêng, bệnh tiểu đường, sản phẩm organic.
Hiện nay Fresh Garden bài bản từ hệ thống, về cơ sở vật chất, doanh thu tăng trưởng, nhân sự ổn định và minh bạch.
* Xin cảm ơn chị!
(Theo Trí thức trẻ)