Chủ thương hiệu Vodka Hà Nội (Halico) lỗ 21 quý liên tiếp

Năm 2022, Halico đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu lít cồn và 2,25 triệu lít rượu, bằng 97% năm ngoái, tương ứng kế hoạch doanh thu hơn 113 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến âm gần 25 tỷ đồng.

CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu 34,6 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn tăng chậm hơn với 15% giúp doanh nghiệp lãi gộp 9,4 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ 2,7 tỷ cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ đều tăng so với cùng kỳ khiến Halico lỗ ròng 2,3 tỷ đồng. Con số này khả quan hơn so với khoản lỗ 12,6 tỷ đồng cùng kỳ tuy nhiên doanh nghiệp sở hữu thương hiệu rượu Vodka Hà Nội đã ghi nhận 21 quý liên tiếp thua lỗ.

vodka-1658128665.jpg

Luỹ kế nửa đầu năm, Halico lỗ 6 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với khoản lỗ cùng kỳ trong khi doanh thu vẫn tăng hơn 11% đạt hơn 65 tỷ đồng. Trong năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu hơn 113 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm gần 25 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, Halico đã hoàn thành hơn 57% kế hoạch doanh thu.

Tính đến 31/6, tổng tài sản của Halico ở mức 370 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn chủ sở hữu giảm nhẹ so với đầu năm xuống mức 336,5 tỷ đồng. Thua lỗ triền miên đã đẩy lỗ luỹ kế của doanh nghiệp lên đến 476 tỷ đồng.

Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do người Pháp xây dựng từ năm 1898, với các thương hiệu nổi tiếng như Lúa mới, Nếp mới, Vodka Hà Nội,.... Doanh nghiệp này từng được Diageo (một trong những nhà sản xuất rượu lớn nhất thế giới) chi đến 1.800 tỷ đồng để sở hữu 45,57% cổ phần vào năm 2011.

Tuy nhiên, bước ngoặt của doanh nghiệp này xảy ra vào cuối năm 2012 từ một vụ buôn lậu rượu khiến hàng loạt lãnh đạo công ty bị khởi tố hình sự. Kể từ đó, tình hình của Halico liên tục lao dốc. Dù đã cố gắng vực dậy một thương hiệu có tiếng, song ban lãnh đạo hãng rượu này từng thừa nhận nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ là do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng rượu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh, bao bì.

Ngoài ra, Halico cho biết còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất rượu trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất rượu cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, làm giả của các cơ sở tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.

Trong năm nay, Halico đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu lít cồn và 2,25 triệu lít rượu, bằng 97% năm ngoái. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự kiến khôi phục và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, tập trung vào châu Á và châu Âu cũng như tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm cồn 70 độ, 90 độ và dung dịch sát khuẩn tay