Chứng khoán Mỹ giằng co vì hy vọng Fed sẽ mềm mỏng hơn, giá dầu tăng nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại

Chỉ số S&P 500 đã tăng 1,1% trong 5 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023, và đây là một chỉ báo kinh điển về triển vọng tốt của thị trường trong cả năm...

chung-khoan-my-1673314037.jpeg Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 5/1 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng khá mạnh rồi lại giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/10), khi nhà đầu tư khấp khởi hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ bớt cứng rắn hơn. Giá dầu thô tăng hơn 1% sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại, chấm dứt 3 năm đóng cửa để chống Covid.

Chỉ số Dow Jones có lúc tăng 304 điểm trong phiên giao dịch, nhưng cuối cùng chốt phiên với mức giảm 113 điểm, tương đương giảm 0,34%, còn 33.517,65 điểm.

Chỉ số S&P 500 cũng tăng vào đầu phiên, nhưng chốt phiên giảm 0,08%, còn 3.892,09 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng 0,63%, chốt ở mức 10,635,65 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp, nhờ lực hỗ trợ từ cổ phiếu Tesla và các cổ phiếu công nghệ khác.

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong tuần trước và khởi động phiên đầu tuần trong sắc xanh, khi nhà đầu tư tiếp tục nghiên về khả năng rằng Fed có thể khiến nền kinh tế giảm tốc và kéo lạm phát xuống mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Hy vọng này giúp tâm lý ham thích rủi ro tăng lên.

Phiên ngày thứ Hai cũng đánh dấu kết thúc 5 ngày giao dịch đầu tiên của năm 2023. Trong khoảng thời gian đó, S&P 500 đã tăng 1,1%. Theo một chỉ báo kinh điển của thị trường chứng khoán Mỹ, đó là một dạng sức mạnh ban đầu của thị trường, có thể báo hiệu tốt cho thời gian còn lại của cả năm.

Chuyên gia Tom Lee của Fundstrat gọi đây là một “điềm tốt” và nói thị trường có thể sẽ tăng 20% trong năm nay.

Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Lee nói Fed muốn các điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt. “Fed đang lo lắng và họ muốn đảm bảo chắc chắn là lạm phát được khống chế. Nhưng đã có một thay đổi, đặc biệt kể từ tháng 10, là lạm phát đã yếu đi”, ông Lee nói.

Nhà đầu tư đang đợi những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một sự kiện ở Thuỵ Điển vào ngày thứ Ba. Một số chiến lược gia cho rằng ông Powell có thể nói rằng cần có thêm thời gian để thấy chỉ số lạm phát được đưa về tầm kiểm soát.

Thị trường tiền tệ đang đặt cược khả năng 77% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào đầu tháng 2.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 dự kiến công bố vào ngày thứ Năm sẽ quyết định các kỳ vọng lãi suất - theo chiến lược gia trưởng toàn cầu Quincy Krosby của LPL Financial. “Báo cáo CPI sẽ giữ vai trò quyết định kỳ vọng lãi suất Fed trên thị trường lãi suất tương lai”, bà Krosby nói với hãng tin Reuters.

Nhà quản lý danh mục Paul Nolte của Kingsview Investment Managment cho biết một số nhà đầu tư đã bán bớt cổ phiếu sau những phiên tăng gần đây. “Họ đang chốt lời một chút trước khi báo cáo CPI được công bố trong tuần này”, ông Nolte phát biểu.

Còn theo ông Lee của Fundstrat, tuỳ thuộc vào dữ liệu CPI, thị trường trái phiếu có thể buộc Fed tăng lãi suất lần cuối cùng vào tháng 2 trước khi chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Cổ phiếu Tesla tăng 5,9% trong phiên đầu tuần sau khi hãng sản xuất xe điện này phát tín hiệu về thời gian chờ lâu hơn đối với một số phiên bản của mẫu xe Model Y tại thị trường Trung Quốc. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nỗ lực giảm giá xe gần đây của Tesla đã kích thích nhu cầu.

Trên thị trường năng lượng, những tia hy vọng vào việc Fed chuyển sang mềm mỏng trong năm nay cũng hỗ trợ giá dầu trong phiên đầu tuần. Ngoài ra, giá “vàng đen” còn được nâng đỡ bởi việc Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới trở lại vào cuối tuần vừa rồi, cũng như tâm lý ham thích rủi ro trên thị trường chứng khoán tăng lên, và sự suy yếu của đồng USD.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,37%, chốt ở 79,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,17%, chốt ở 74,63 USD/thùng.

“Việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tạo ra một lực hỗ trợ bổ sung rất to lớn đối với giá dầu”, chuyên gia Tamas Varga của PVM Oil nhận định.

Tuần trước, giá cả hai loại dầu giảm hơn 8%, đánh dấu tuần đầu năm tệ nhất kể từ 2016, do mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu.

Những thông tin từ Trung Quốc đang là động lực cho giới đầu cơ dầu giá lên, dù triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới trong năm nay tiếp tục hạn chế mức tăng giá của năng lượng này.

Chính phủ Trung Quốc dự báo sẽ có khoảng 2 tỷ chuyến đi trong dịp Tết Nguyên đán ở nước này, gần gấp đôi so với mức của năm ngoái và bằng 70% so với mức của năm 2019.

Liên quan đến dầu, Trung Quốc vừa có đợt cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu thô thứ hai của năm nay - theo nguồn thạo tin. Với đợt cấp hạn ngạch này, tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ đầu năm đến nay tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.