Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh, giá dầu tăng bùng nổ hơn 5%

Báo cáo việc làm tháng 10 do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu khiến nhà đầu tư tranh cãi...

chung-khoan-my-1667612682.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng hoàn tất một tuần giảm điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư tranh luận về ảnh hưởng của thống kê việc làm mới nhất đến các đợt tăng lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô tăng bùng nổ vì nỗi lo thiếu cung, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 401,97 điểm, tương đương tăng 1,26%, còn 32.403,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,36%, đạt 3.770,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,28%, đạt 10.475,25 điểm.

Cả ba chỉ số cùng giảm điểm trong tuần này, với Dow Jones giảm 1,4%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 3,35% và 5,65%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp.

Báo cáo việc làm tháng 10 do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu khiến nhà đầu tư tranh cãi. Một số lo ngại rằng con số 261.000 việc làm mới, nhiều hơn dự báo, sẽ là cơ sở để Fed duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn để chống lạm phát. Số khác lại cho rằng thị trường lao động đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, dù với tốc độ còn chậm chạp, vì tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,7%.

“Đã có hai câu chuyện khác nhau về cùng một chủ đề được nói đến trên thị trường ngày hôm nay. Tôi không cho là nhà đầu tư đã kết luận được chính xác số liệu việc làm này có ý nghĩa như thế nào sau những tín hiệu mà Fed phát đi sau cuộc họp vào tuần này”, chiến lược gia trưởng Anthony Saglimbene của Ameriprise Financial nhận định với hãng tin CNBC.

Những ngày gần đây, giới đầu tư ở Phố Wall cố gắng giải mã những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra vào hôm thứ Tư, nhằm xác định xem đến khi nào thì Fed có thể dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn, chẳng hạn giảm bớt mức tăng của mỗi lần tăng, dừng tăng lãi suất, hoặc thậm chí là hạ lãi suất.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10. Nếu lạm phát giảm, đó được xem là dấu hiệu cho thấy rằng những đợt nâng lãi suất tính đến thời điểm này đã bắt đầu phát huy tác dụng và có thể sắp đến lúc Fed dịch chuyển. Ngoài ra, sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần tới cũng sẽ hướng đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào ngày 8/11.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,96 USD/thùng, tương đương tăng 5%, chốt ở 92,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 3,99 USD/thùng, tương đương tăng 98,57 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu WTI tăng 4,7% và giá dầu Brent tăng 2,9%.

Tín hiệu mới từ Trung Quốc đã giúp giá dầu khởi sắc. Dù nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vẫn đang trung thành với các biện pháp chống Covid nghiêm ngặt, một cựu quan chức về phòng chống dịch bệnh nước này nói rằng chính sách chống Covid của Trung Quốc sắp có sự thay đổi quan trọng.

Dù vậy, lãi suất tăng cao ở Mỹ vẫn đang là một nguồn áp lực giảm đối với giá dầu. Phát biểu ngày thứ Sáu, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin nói rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng lên mức cao hơn và cần đạt tới một mức đỉnh cao hơn so với dự báo trước đây.

“Những đồn đoán về Trung Quốc sắp mở cửa trở lại đã đưa dầu thô tăng giá trong phiên ngày hôm nay, nhưng nhiều quan chức Fed đã nói rõ rằng họ còn một chặng đường dài phải đi trong việc tăng lãi suất, và thị trường dầu vẫn còn nhạy cảm với điều đó”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.

Cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu đang khiến cho rủi ro suy thoái kinh tế tăng cao hơn bao giờ hết. Nếu kinh tế suy thoái, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể sẽ suy giảm. Nhưng mặt khác, thị trường cũng đang lo về sự thắt chặt nguồn cung vì lượng tồn kho dầu thô của Mỹ gần đây giảm mạnh và lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 12.