Bắt đầu kinh doanh bất động sản từ năm 2007, sau hơn 10 năm đặt chân vào lĩnh vực đầu tư, xây dựng dự án, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được biết đến với những công trình có thiết kế theo lối kiến trúc của Pháp, tên gọi cũng mang văn phong Pháp và đặc biệt, giá bán 1m2 vượt xa những người anh em cùng phân khúc, trên thị trường bất động sản, qua các dự án: D’. Le Pont D’or – 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa; D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên; D’. Le Roi Soleil – Quảng An; D’. El Dorado – Phú Thượng, Phú Thanh; D’. Capitale – Trần Duy Hưng; D'. Saint Raffles, số 43 - 45 - 47 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé; D’. El Dorado II tọa lạc tại ngã tư đường Võ Chí Công và Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ…
Hành lang 1,47m tại dự án D'.Capitale – số 119 Trần Duy Hưng.
Mới đây, dự án Khu chức năng Đô thị Tân Hoàng Mai, cũng thuộc về Tân Hoàng Minh. Theo đó, Tân Hoàng Minh đầu tư kinh phí 989 tỷ đồng, để xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens dài 2,6km rộng 40m. Đổi lại, Nhà đầu tư được khai thác quỹ đất tại khu đất có ký hiệu C9- CN3, ở trung tâm quận Hoàng Mai tiếp giáp với trục đường chính đô thị mới Hoàng Mai (đường 2,5), đường Lĩnh Nam, Tam Chinh và nằm cạnh khu đô thị Gamuda Garden, để thu hồi vốn đầu tư cho công trình đường 2,6km. Được biết, khu đất trên có quy mô khoảng 20ha nằm sát cạnh khu đô thị Gamuda Garden của Gamuda Land.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế trong nhiều dự án, quyết toán sai khối lượng, nhằm tìm kiếm thêm lợi nhuận cho mình và đẩy rủi ro cho cư dân.
Cư dân tại D’.Capitale – số 119 Trần Duy Hưng căng băng zôn phải đối chủ đầu tư.
Một số dự án tiêu biểu
Dự án D’. Le Pont D’or – 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, chiều cao thiết kế của tầng 1 là 7,5m, sau khi xây thô đến tầng 19, chủ đầu tư đã cấy thêm sàn để tách tầng 1 thành 2 tầng. Hệ lụy là tăng tải trọng thiết kế, ảnh hưởng tới kết cấu chịu lực, quá trình khoan bê tông để cấy ghép sắt, sẽ làm giảm tuổi thọ công trình. Với giá bán từ 40 đến 45 triệu đồng 1m2, việc tăng thêm 1.759,7m2 khi tách tầng, chủ đầu tư có thể thu về gần 80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều gói thầu thi công liên quan tới chất lượng công trình, vi phạm nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Dự án D’. Le Roi Soleil – Quảng An, Tây Hồ, phải giảm tổng giá trị là gần 11,3 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng nghiệm thu tính sai là gần 3,3 tỷ đồng, giá trị do biện pháp thi công đề xuất kỹ thuật so với đề xuất tài chính chưa phù hợp, chênh lệch giảm hơn 8 tỷ đồng. Thi công hạng mục kết cấu thô tầng 9 đến mái và hoàn thiện, giảm tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Trong đó, giá khối lượng nghiệm thu tính sai là hơn 1,7 tỷ đồng, giá do biện pháp thi công trong đề xuất kỹ thuật so với đề xuất tài chính chưa phù hợp với chênh lệch giảm là hơn 1,2 tỷ đồng. Việc chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng sai lệch so với thực tế đã vi phạm Điều 33 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ.
Cư dân tại D’.Capitale – số 119 Trần Duy Hưng căng băng zôn phải đối chủ đầu tư.
Dự án D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên cũng xuất hiện hàng loạt sai phạm, theo Kết luận số 298/KL-TTr của Bộ Xây dựng thì một số gói thầu sử dụng căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực; thiếu một số kết quả thí nghiệm theo quy định hoặc phiếu kết quả thí nghiệm lập không đúng theo quy định; hồ sơ quản lý chất lượng không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công và biên bản kiểm tra phòng thí nghiệm; không có giấy kiểm định thiết bị phục vụ thi công; 8 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng.
Mới đây nhất là dự án D’.Capitale – số 119 Trần Duy Hưng, do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) làm chủ đầu tư, với quy mô dự án gồm 6 toà tháp và khoảng 3.000 căn hộ, hiện dự án đã đến thời hạn bàn giao nhà cho cư dân theo hợp đồng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đã nổi lên hàng loạt cuộc xuống đường của cư dân khu D’. Capitale với băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư trả đúng quyền lợi và giá trị mà cư dân đã mua như: “Hành lang 1m42, cư dân D’ .Capitale trả hết nhà cho Tân Hoàng Minh và Vinhome”; “phản đối căn hộ hạng sang, hành lang 1m4”; “yêu cầu giải thích chất lượng căn hộ hạng sang”; “vì sao Tân Hoàng Minh không cho cư dân lên kiểm tra thực tế tại công trình?”… Hàng loạt các đơn từ chối nhận nhà của cư dân cũng được gửi đến chủ đầu tư.
Nội dung quảng cáo về dự án D’.Capitale – số 119 Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Nguyên nhân được cho là chủ đầu tư quảng cáo qua căn hộ mẫu rồi ký hợp đồng bán nhà cho cư dân với giá nhà hạng sang, nhưng khi triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi nhiều hạng mục, so với thiết kế được phê duyệt và hoàn toàn không giống nội dung quảng cáo như: Hành lang chỉ rộng 1,47m; chiều cao của hành lang không như căn hộ mẫu; không có điều hòa âm trần như quảng cáo; lối thoát hiểm sai quy chuẩn PCCC; không có hệ thống nước nóng tổng như căn hộ mẫu.
Quá trình xây dựng, rất nhiều lần Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản và quyết định đình chỉ xây dựng để chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay đổi nội dung của giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, mọi việc vẫn triển khai bình thường, trước sự “ngơ ngác” của Chính quyền các cấp. Rất nhiều lần cư dân yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ liên quan để đối chiếu với căn hộ mẫu, nhưng yêu cầu đó hoàn toàn không được đáp ứng, kể cả khi luật sư và báo chí vào cuộc. Tính đến thời điểm hiện nay, sau khi cư dân phải “bất đắc dĩ” nhận bàn giao căn hộ vào cuối năm 2019, những căn hộ hạng sang của tòa nhà vẫn có hành lang 1,47m, không có điều hòa hành lang và điều hòa âm trần, không có hệ thống nước nóng tổng.
Dự án tại địa chỉ 22 – 24 Hàng Bài, Hà Nội.
Đối với dự án Khu chức năng Đô thị Tân Hoàng Mai, được đổi bằng việc xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens Yên Sở, dài 2,6km rộng 40m. Được biết, khu đất Tân Hoàng Minh được khai thác có quy mô rộng khoảng 20 ha, ở trung tâm quận Hoàng Mai tiếp giáp với trục đường chính đô thị mới Hoàng Mai (đường 2,5), đường Lĩnh Nam, Tam Chinh và nằm cạnh khu đô thị Gamuda Garden. Câu hỏi đặt ra là số tiền 380,4 tỷ đồng/1km, đã được UBND TP.Hà Nội cấp Giấy phép đầu tư vào tháng 6/2018, có phù hợp với chi phí thực tế phát sinh khi đầu tư làm con đường đó không? Số tiền 989 tỷ đồng đổi lại 20ha, tương đương với khoảng 4,9 triệu đồng/m2, có phù hợp với giá đất khu vực đó không?
Những dự án đang “phơi bụng” nằm chờ ông chủ
Với bất cứ “ông lớn” nào có thâm niên trong ngành xây dựng, cũng đều có thể vấp phải những dự án “nằm chờ” gây đọng vốn đầu tư, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của đơn vị. Một số dự án đang “nằm chờ” nhiều năm của Tân Hoàng Minh, với nhiều lý do khác nhau gồm:
Dự án 94 Lò Đúc: Ngày 25/2/2014, Công ty Thiên Bình ký hợp đồng thế chấp số 210/2014/HĐTCTL-BTB/SHB.BN với Ngân hàng SHB Chi nhánh Bắc Ninh. Theo đó, tài sản thế chấp là Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02/2014/HĐ/TB-TS ký giữa Công ty Thiên Bình và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thái Sơn, ngày 25/1/2014. Bao gồm toàn bộ Dự án tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại – Công trình CT1 tại 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tới tháng 12/2018, Công ty Thiên Bình tiếp tục thế chấp dự án 94 Lò Đúc tại SHB Chi nhánh Hoàn Kiếm. Ở lần thế chấp này, hạn mức cho vay lên tới hơn 237 tỷ đồng. Theo nội dung Hợp đồng số 239/2018/HĐTC-BTB/SHB.111200 ngày 29/12/2018, thì chủ đầu tư đã thế chấp: Quyền tài sản phát sinh từ Dự án “Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại” tại số 94 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ngày 9/5/2018, diễn ra Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc dự án “D’.El Dorado II và 94 Lò Ðúc giữa Tập Đoàn Tân Hoàng Minh và Tập Ðoàn Delta. Tuy nhiên theo thông tin trên website http://tanhoangminhhomes.vn/tan-hoang-minh-lo-duc.html, thì dự án này thuộc Chủ đầu tư Tân Hoàng Minh.
Dự án 22 – 24 Hàng Bài: Năm 2011, Tân Hoàng Minh được giao đất tại địa chỉ 22 – 24 Hàng Bài, với dự kiến xây dựng dự án phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang D’.San Raffles quy mô 9 tầng nổi và 5 tầng hầm. Sau nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch, hiện dự án có chức năng TTTM, văn phòng và nhà ở. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, những hình ảnh nguy nga tráng lệ của dự án đã đăng tải rày đặc trên mặt báo, vẫn xanh mướt màu cỏ.
Góc nhìn phóng viên
Hình ảnh của chủ đầu tư được hiện diện thông qua các dự án cho thấy, để làm một người tiêu dùng thông thái, nếu người mua nhà chỉ dựa vào trí thông minh của mình là không đủ, mà nó còn bị điều tiết bằng rất nhiều yếu tố “may rủi”. Những tác động đó, đến từ nhiều lý do khác nhau như sự “ngơ ngác” của cơ quan chức năng; những chiêu trò, thủ thuật của chủ đầu tư; những rủi ro ngoài ý muốn; sự lỏng lẻo của Luật pháp; đôi khi những tác động đó còn đến từ những cái “bắt tay dưới gầm bàn”, làm cư dân của cả một tòa nhà phải “long đong” trong thời gian dài, kèm theo nỗi vất vả về cơm áo gạo tiền, vây quanh trong cuộc sống hàng ngày, càng làm mâu thuẫn trong xã hội bị đẩy lên cao.
Thương hiệu của một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên các yếu tố như uy tín, lời hứa, chất lượng sản phẩm, lợi ích mang lại cho xã hội… Tuy nhiên, vì sao trong lĩnh vực xây dựng lại chất chứa nhiều rủi ro cho người mua nhà như vậy? Cơ quan thực thi pháp luật có biết những chuyển biến vượt ra khỏi giấy phép xây dựng, tại các công trình hay không? Những câu hỏi đặt ra không có câu trả lời, nhưng vấn đề nổi cộm là mâu thuẫn xã hội phát sinh từ đó là có thật.
Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo trong chuyên đề này.