Chuyên gia dự báo đường đi của giá vàng trong những ngày tới?

Giá vàng thế giới đang bị kẹt trong một biên độ giao dịch tương đối hẹp với mức hỗ trợ 1.800 USD và kháng cự 1.820 USD/ounce. Giới đầu tư cho rằng, báo cáo thị trường việc làm Mỹ công bố vào cuối ngày sẽ cho thấy rõ hơn đường đi của vàng những ngày tới.

Trong khi thị trường vàng được cho là đang tiếp tục phải vật lộn để thu hút động lực tăng giá khi giá dao động trên ngưỡng 1.800 USD. Thì kim loại quý vẫn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các nhà đầu tư tỷ phú. Tuần này, cả John Paulson, Chủ tịch kiêm Giám đốc danh mục đầu tư tại Paulson & Co và Mark Mobius, người sáng lập Mobius Capital Partners, đều tin tưởng vào sự tăng giá của vàng.

Trả lời cuộc phỏng vấn của Bloomberg, Paulson nói rằng, ông thích vàng hơn bitcoin, bởi kim loại quý này thật sự hấp dẫn trong môi trường lạm phát hiện nay. "Vàng hoạt động rất tốt trong thời kỳ lạm phát. Lần cuối cùng vàng đi theo đường parabol là vào những năm 70 khi chúng ta có hai năm lạm phát hai con số". Vị Chủ tịch của Paulson & Co nói thêm rằng, vàng có thể đi theo "đường parabol" vì nó tương đối nhỏ so với thị trường tài chính tổng thể hiện nay.

"Nếu bạn sở hữu trái phiếu kho bạc dài hạn có lợi suất 2% và lãi suất tăng lên 5%, thì những tờ trái phiếu đó rõ ràng đã giảm về giá trị. Bạn đang dần bị xói mòn giá trị đồng tiền của mình", John Paulson nói.

Có cùng quan điểm, Chuyên gia Mark Mobius cho rằng, các nhà đầu tư nên nắm giữ 10% danh mục đầu tư của họ bằng vàng. Bởi ông cũng nhận thấy giá trị của vàng khi sức mua của các loại tiền tệ khác đang tiếp tục bị xói mòn.

Theo dự báo của Nhà sáng lập Mobius Capital Partners, “Sự mất giá tiền tệ trên toàn cầu sẽ khá đáng kể trong năm tới với lượng cung tiền đáng kinh ngạc đã được in ra. "Sẽ rất, rất tốt, để sở hữu vàng vật chất ngay lập tức, mà lo giá trị tài sàn của mình bị thất thoát vì một lý do gì."

Trong khi đó, trên thực tế, bất chấp tâm lý tích cực trên thị trường vàng và các nhà quản lý quỹ có tầm ảnh hưởng, giá vàng đã bị kẹt trong một biên độ giao dịch tương đối hẹp với mức hỗ trợ 1.800 USD và kháng cự 1.820 USD / ounce.

Ảnh minh họa

Nhiều nhà phân tích hàng hóa đã lưu ý rằng, vàng đang vật lộn để thu hút sự chú ý. Các nhà đầu tư đang tập trung vào sự thay đổi tiềm năng trong chính sách tiền tệ của Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đánh tiếng đang "tìm cách giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng vào cuối năm nay."

Đối với nhiều nhà phân tích, báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 sắp được công bố sẽ là chất xúc tác cần thiết cho vàng. Bởi nó có thể giúp quyết định tốc độ và thời điểm của việc Fed thu hẹp chương trình mua 80 tỷ USD trái phiếu và 40 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Chính sách này từng hỗ trợ rất nhiều cho thị trường tài chính Mỹ trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch.

Một số nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng việc làm yếu trong tháng 8 có thể buộc Fed phải trì hoãn kế hoạch cắt giảm chính sách tiền tệ siêu nới lỏng hiện nay, điều này có thể khiến giá vàng quay trở lại mức 1.900 USD/ounce. Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định, nếu vàng có thể bứt phá lên trên mốc 1.833 USD/oune thì vàng sẽ trở lại kênh tăng giá.

Tuy nhiên, nếu một báo cáo việc làm mạnh hơn và một dữ liệu kinh tế mạnh mẽ, có thể củng cố kế hoạch của Fed, củng cố đồng USD, từ đó gây áp lực lên giá vàng và đẩy giá vàng trở lại mức thấp gần đây. Mặc dù hiện tại, quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ từ đại dịch đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi bối cảnh biến chủng Delta lây lan mạnh trở lại, khiến nhiều người băn khoăn về việc liệu có nên duy trì một chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,324% và giá USD giảm có lợi cho vàng. Thế nhưng, việc quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới - SPDR Gold Trust - trở lại xu hướng bán ròng lại khiến cho thị trường gặp ít nhiều khó khăn. Trong phiên cuối cùng chốt tháng 8, quỹ SPDR hạ lượng vàng nắm giữ 1,46 tấn xuống còn 1.000,26 tấn và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phần lớn mùa Hè vừa qua. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ số S&P 500 đã có hơn 50 phiên lập kỷ lục mới. Các nhà đầu tư đã đổ tiền vào thị trường chứng khoán Mỹ với tốc độ kỷ lục, chính vì vậy chứng khoán không ngừng lập những đỉnh cao mới. Các chuyên gia thuộc JP Morgan Chase ước tính rằng lượng tiền vào chứng khoán và các quỹ ETF Mỹ tăng lên ngưỡng 16 tỷ USD trong tháng 7 và 13 tỷ USD trong tháng 8.