CMC: Lợi nhuận èo uột, dòng tiền âm nhưng vẫn 'miệt mài' phát hành trái phiếu

6 tháng đầu năm 2021, CTCP CMC (mã CK: CVT) kinh doanh sụt giảm, dòng tiền thuần bị âm. Đồng thời, vẫn huy động vốn qua phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Doanh thu trăm tỷ nhưng lợi nhuận tại CVT vỏn vẹn vài tỷ

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần CMC (mã CVT) có hai nhóm sản phẩm chính là gạch ceramic và gạch granite, gồm các loại gạch lát nền, gạch ốp tường, gạch chân tường, gạch viền trang trí. Cuối tháng 3/2021, Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) công bố đã trở thành cổ đông lớn của CVT khi nắm giữ gần 52% vốn. Dù vậy, kết quả kinh doanh tại CVT vẫn không mấy khả quan.

Trong năm 2020, CVT chỉ thu về 1.360 tỷ đồng doanh thu và 151 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt tương 15% và 27% so với cùng kỳ. Đây cũng là năm kinh doanh đạt lợi nhuận thấp nhất trong giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Lãnh đạo công ty đưa ra các nguyên nhân khách quan như ngành gạch ốp lại vẫn đang ở tình trạng cung vượt cầu do quy hoạch vật liệu không đồng bộ với thị trường tiêu thụ và yếu tố “thiên nga đen” là dịch Covid-19. Với kết quả kinh doanh trên, CMC trình phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức chi trả là 20%.

Bước sang năm 2021, cụ thể là 6 tháng qua, tình hình kinh doanh của CVT cũng không mấy khả quan.

Trong quý 2/2021, doanh thu thuần của CVT đạt 318,2 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 31 tỷ đồng, giảm 23,5%.

Lũy kế nửa đầu năm, CVT đạt gần 581 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16%; lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 41 tỷ đồng và 32 tỷ đồng, đều giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Giải trình về sự tụt lùi lợi nhuận này, phía doanh nghiệp cho biết, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hàng hóa tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, do Công ty cải tạo và nâng cấp dây chuyền mới nên phải dừng sản xuất 01 dây. Mặt khác, các chi phí quản lý, bán hàng đều tăng do Công ty thay đổi thương hiệu, đồng thời tăng cường công tác quảng bá thương hiệu nên lợi nhuận giảm.

Biến động lớn về dòng tiền

Ngoài lợi nhuận giảm, dòng tiền tại CVT cũng đang bị hao hụt một lượng không hề nhỏ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại CVT tuy không âm nhưng lại bị giảm 67% so với cùng kỳ, về mức gần 127 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động đầu tư đang âm hơn 266 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 21 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền hoạt động tài chính dương hơn 35 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần tại CVT cũng âm hơn 104 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 33 tỷ đồng.

Trong BCTC của doanh nghiệp, phần báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể được coi là quan trọng nhất, vì nó chỉ ra được tiền đi đâu về đâu.

Nếu dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (dòng tiền kinh doanh) có chiều hướng sụt giảm mạnh, thậm chí là âm sẽ khiến những nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Phản ánh rõ doanh nghiệp gặp khó trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc khó thu hồi tiền,...

Tính đến 30/06/2021, tổng tài sản 1.167 tỷ đồng giảm nhẹ 4% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 48% khoảng 564 tỷ đồng, trong đó hàng tồn khoa chiếm đến 85% - tăng mạnh so với cùng kỳ do nhu cầu thị trường sụt giảm khiến cho sản lượng tồn kho tăng mạnh ( đặc biệt là từ đầu năm ).

Tính đến 30/06/2021, tổng tài sản gần 1.394 tỷ đồng xấp xỉ so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 57% hơn 796 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm đến 67% - tăng mạnh so với cùng kỳ do nhu cầu thị trường sụt giảm khiến cho sản lượng tồn kho tăng mạnh.

Tính đến cuối tháng 6, tổng nợ phải trả của CVT hơn 630 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 94% tổng nợ. Các khoản vay nợ chiếm 56% nợ phải trả, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn tại CVT ở mức 1,34 lần, giảm nhẹ so với các quý. Đây là chỉ tiêu phản ánh tổng quát nhất khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán nợ ngắn hạn.

Ngoài ra, hệ số khả năng thanh toán nhanh tại CVT ở mức 0,47 lần. Điều này cho thấy, CVT có thể đang gặp khó khăn trong việc chi trả nợ. Bởi hệ số khả năng thanh toán nhanh là một thước đo độ thanh khoản chặt chẽ vì nó không bao gồm hàng tồn kho và những tài sản thanh khoản thấp khác.

Đáng chú ý, khả năng thanh toán lãi vay tại CVT đang có dấu hiệu cải thiện song vẫn còn thấp so với các quý trước.

CVT phát hành trái phiếu riêng lẻ vì "khát vốn"?

Vừa qua, CVT vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021.

Theo đó, doanh nghiệp dự kiến huy động tối đa 700 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu riêng lẻ, trái phiếu có tài sản đảm bảo là tài sản sở hữu của công ty và/hoặc bên thứ ba với kỳ hạn từ 1-5 năm, tùy thời điểm phát hành và lãi suất cố định dự kiến là 10,5%/năm.

Mục đích của đợt huy động này để tăng quy mô vốn hoạt động nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động, góp vốn để thực hiện đầu tư, triển khai xây dựng các dự án…. Thời gian triển khai trong quý III/2021.

Được biết, năm 2020 dù lợi nhuận đi lùi nhưng CMC vẫn đẩy mạnh đầu tư với tổng giá trị đầu tư lên tới 319 tỷ đồng, gấp đôi giá trị đầu tư bình quân trong 5 năm gần đây (155,67 tỷ đồng). Theo kế hoạch, doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục chi đầu tư 300-500 tỷ đồng trong năm 2021.

Năm ngoái, công ty đã mua lại khu đất hơn 6ha tại Cụm công nghiệp Bạch Hạc, thành phố Việt trì, Phú Thọ để xây dựng Nhà máy CMC số 3.