Cô giáo người Mường lọt top 10 giáo viên toàn cầu

Cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên người Mường ở trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) - vừa lọt vào danh sách 10 giáo viên toàn cầu năm 2020.

Sáng 11/11, tổ chức Varkey Foundation công bố, cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên Tiếng Anh trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ) - là một trong 10 giáo viên toàn cầu năm nay.

Kết quả này như một đóa hoa đầy ý nghĩa ngay trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Hà Ánh Phượng luôn coi đó là những điều “không chỉ có ý nghĩa với bản thân mà còn có ý nghĩa với rất nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là những người thầy ở vùng khó...”.

Trước đó, hồi tháng 3, cô giáo trẻ người Mường đã vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để lọt vào top 50 giáo viên toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation công bố. Thời điểm đó, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cô giáo Hà Ánh Phượng.

Cô giáo người Mường cũng từng trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật: “Đối với tôi, việc được ghi danh vào top giáo viên toàn cầu không chỉ là niềm vinh dự mang ý nghĩa cá nhân, mà còn góp phần khẳng định vị trí của giáo dục Việt Nam và năng lực của giáo viên, công dân Việt Nam trên trường quốc tế”.

Cô Phượng giảng dạy tại một trường miền núi, nơi học sinh người dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 90%, ít có cơ hội thực hành Tiếng Anh.

Giáo dục - Cô giáo người Mường lọt top 10 giáo viên toàn cầu

Cô giáo Hà Ánh Phượng. (Ảnh NVCC).

Là người con dân tộc Mường, sinh ra từ vùng quê nghèo Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học Ngoại ngữ. Chính vì vậy, sau khi cầm trên tay tốt nghiệp loại ưu, cô từ chối cơ hội trở thành Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với một mức lương hấp dẫn để bước tiếp đến cánh cửa trở thành giáo viên Tiếng Anh và trở về quê hương “gieo chữ”.

Ở địa phương, cô giáo Hà Ánh Phượng luôn được nhắc đến là một giáo viên trẻ nhiều sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục. Để giúp học trò phát triển ngoại ngữ, tìm hiểu về văn hóa các nước khác, cô giáo người Mường thường xuyên tổ chức các lớp học xuyên biên giới. Ở đó, nhờ công nghệ, cô kết nối lớp học của mình với các trường học trên khắp thế giới. Mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế của cô đã đem học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu, từng bước chứng minh rằng “giáo dục là không giới hạn”.

Là “giáo viên đổi mới 4.0”, cô Phượng còn hợp tác với các giáo viên Tiếng Anh ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ để kết nối những học trò người dân tộc thiểu số với bạn bè quốc tế. Vì thế, Global Teacher Prize đánh giá cô Phượng là “giáo viên toàn cầu”.

Giáo dục - Cô giáo người Mường lọt top 10 giáo viên toàn cầu (Hình 2).

Cô Phượng cùng những sáng tạo trong dạy học. (Ảnh NVCC).

Trong thời kỳ giáo dục Việt Nam gặp thử thách vô cùng khó khăn là dịch Covid-19, là người có kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến, cô gáio người Mường cũng nhanh chóng giúp học sinh học tập trong thời gian không được đến trường. Cô Phượng vừa dạy học ở trường THPT Hương Cần vừa tham gia dạy học qua truyền hình, YouTube, hoạt động hội nhóm chuyên môn, viết sách hướng dẫn ôn thi, ra app học trực tuyến môn Tiếng Anh. Bên cạnh đó, cô cũng tích cực hỗ trợ giáo viên trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật dạy học trực tuyến và quản lý lớp. Mô hình lớp học xuyên biên giới vẫn được duy trì nhưng với cách thức khác trong tình trạng thế giới phải chống chọi với dịch bệnh.

Với những nỗ lực và thành tích đạt được trong sự nghiệp giáo dục, cô Hà Ánh Phượng được vinh danh là điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua ngành giáo dục toàn quốc vào tháng 9/2020.

 

Varkey Foundation là quỹ từ thiện toàn cầu, tập trung phát triển giáo dục cho trẻ em kém may mắn, được doanh nhân người Ấn Độ Sunny Varkey thành lập năm 2010.

Quỹ hỗ trợ nâng cao năng lực giáo viên toàn cầu thông qua đào tạo giáo viên, hiệu trưởng ở các nước đang phát triển, triển khai các chương trình, dự án giáo dục, tiến hành nghiên cứu để hỗ trợ phát triển chính sách giáo dục tại các nước trên thế giới.

Năm 2014, Varkey Foundation thành lập giải thưởng Giáo viên Toàn cầu nhằm vinh danh những nhà giáo đóng góp lớn, có sức ảnh hưởng trong ngành giáo dục. Giải thưởng cho người thắng cuộc là 1 triệu USD.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô giáo trẻ tiếp tục được vinh danh trong top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm nay. Ngoài cô Phượng, còn 9 giáo viên khác đến từ các nước như Mỹ, Anh, Ý, Brazil, Hàn Quốc,… cũng góp mặt trong danh sách này.

 

Cẩm Mịch