Có nên mua bản quyền World Cup 2022 bằng mọi giá?!

Cách đây 4 năm, người hâm mộ Việt Nam từng đứng trước nguy cơ không được xem trực tiếp World Cup 2018 trên truyền hình vì giá bản quyền quá cao.

Đến nay, đã có 37 quốc gia trên thế giới mua được bản quyền phát sóng World Cup 2022, khi giải đấu này chỉ còn 4 tháng nữa sẽ diễn ra. Mới đây, Infront Sports & Media (đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở 26 quốc gia tại khu vực châu Á) đã có cuộc đàm phán với 5 đối tác Việt Nam về gói bản quyền truyền hình giải lần này.

Theo đó, mức giá mà đơn vị này đưa ra là 15 triệu USD đối với gói bản quyền truyền hình và radio, bao gồm độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV) và không độc quyền phát thanh trên lãnh thổ Việt Nam; quyền truyền phát trên di động và Internet (bao gồm OTT).

Có nên mua bản quyền World Cup 2022 bằng mọi giá?! - Ảnh 1.

Báo Đầu tư đã có trích dẫn phỏng vấn một đại diện trong nhóm đàm phán mua bản quyền World Cup 2022 tại Việt Nam, rằng: "Mức giá này đã tăng khoảng 3 triệu USD so với mức khoảng 12 triệu USD của World Cup 2018. Đây là mức giá quá cao bởi qua 2 năm Covid-19, các nhà đài bị thua lỗ, gần như kiệt quệ, không có đủ tài chính. Nếu mua với giá này, thì việc thu lại bằng khai thác kinh doanh tài trợ, quảng cáo là không thể".

 

Cách đây 4 năm, người hâm mộ Việt Nam từng đứng trước nguy cơ không được xem trực tiếp World Cup 2018 trên truyền hình vì giá bản quyền quá cao. Ở thời điểm đó, đại diện phân phối bản quyền World Cup cho FIFA tại châu Á, Infront Sports & Media đã yêu cầu mức giá lên đến 15 triệu USD.

 

Thời điểm World Cup 2018 được thương thảo, đại diện của VTV khi đó đã trả lời: "Chúng tôi luôn nỗ lực để mua được bản quyền. Nhưng sự nỗ lực này phải đến từ hai phía. Đối tác tỏ ra khá "rắn" và không chịu hạ giá. VTV không thể đủ tiền để mua với giá quá cao. Nếu họ không giảm thì VTV không có tiền mua nổi".

Có nên mua bản quyền World Cup 2022 bằng mọi giá?! - Ảnh 2.

Với vị thế là Đài Truyền hình Quốc gia, VTV luôn luôn mong muốn được phục vụ khán giả. Tuy nhiên, nếu giá bản quyền vượt quá khả năng tài chính sẽ phải từ bỏ việc có bản quyền các trận đấu và thay vào đó mua các gói bản quyền tin tức để cập nhật kết quả và các diễn biến trận đấu của World Cup 2022.

Cách đây 4 năm, Thái Lan bỏ ra 44 triệu USD phục vụ dân số 68,9 triệu người còn Singapore bỏ ra tới 25 triệu USD phục vụ dân số 5,6 triệu người. Trong khi đó, Đài Truyền hình Trung ương CCTV của Trung Quốc chi tổng cộng 156 triệu USD để mua trọn vẹn bản quyền World Cup 2018 và 2022.

Hiện Công ty Infront Sports & Media có trụ sở tại Thụy Sĩ đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Indonesia và 25 quốc gia khác tại khu vực châu Á.

Theo danh sách của FIFA, những quốc gia Đông Nam Á đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 gồm Indonesia, Brunei, Campuchia, Malaysia, Philippines và Đông Timor. Mức giá ở mỗi nước đều khác nhau và chưa được các bên công khai.

Các quốc gia khác gồm Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vẫn chưa sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022.