Loạt cổ đông lớn liên tục bán ra cổ phiếu DIG
Thời gian qua, loạt cổ đông lớn liên tục bán ra cổ phiếu DIG của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp).
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân vừa bán ra 1,85 triệu cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 18,07% về còn 17,7% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 17/5.
Trước đó, Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam liên tục bán ra cổ phiếu DIG. Cụ thể, từ ngày 13/1 đến ngày 14/1, Him Lam bán ra 6.228.000 cổ phiếu DIG; Từ ngày 17/1 đến ngày 21/1, Him Lam bán thêm 5.953.900 cổ phiếu DIG;
Từ ngày 5/4 đến ngày 6/4, Him Lam bán thêm 5.313.200 cổ phiếu DIG; Từ ngày 7/4 đến ngày 8/4, Him Lam bán thêm 2.411.500 cổ phiếu DIG; Từ ngày 12/4 đến ngày 14/4, Him Lam bán thêm 7.432.600 cổ phiếu DIG; ngày 15/4, Him Lam bán thêm 3.999.900 cổ phiếu DIG; từ ngày 18/4 đến ngày 19/4, Him Lam bán 4.259.100 cổ phiếu DIG; và từ 20/4 đến 27/4, Him Lam bán thêm 4.346.300 cổ phiếu DIG để giảm sở hữu về 4,9% vốn điều lệ, chính thức không còn là cổ đông lớn.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Him Lam đã bán 39.941.500 cổ phiếu DIG, tương ứng 8,02% vốn điều lệ.
Theo Báo cáo thường niên năm 2021 (21/3/2022), cổ đông lớn của DIC Corp có 4 cổ đông, bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thiên Tân sở hữu 18,08% vốn điều lệ; Địa ốc Him Lam sở hữu 10,54% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT sở hữu 10,09% vốn điều lệ; ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 10,28% vốn điều lệ và còn lại 51,01% về nhóm cổ đông khác.
Như vậy, ngay sau khi cổ đông lớn thứ hai là Địa ốc Him Lam liên tục thoái và không còn là cổ đông lớn tới lượt cổ đông lớn nhất Thiên Tân bán ra cổ phiếu DIG.
Kế hoạch chào bán cổ phiếu để đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân liệu có đổ bể?
Trong năm 2022, DIC Corp dự kiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:0,164, tương đương dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá 30.000 đồng. Công ty dự kiến dùng toàn bộ 3.000 tỷ đồng huy động để đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân, thời gian triển khai trong quý III-IV/2022.
Bên cạnh phát hành cổ phiếu, công ty dự kiến phát hành trái phiếu tối đa 2.500 tỷ đồng hoặc tối đa 100 triệu USD, thời gian từ 2-7 năm với mục đích tài trợ vốn cho các dự án đầu tư, tăng quy mô vốn, cơ cấu lại nguồn vốn.
Đáng nói, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều “sóng gió” với những phiên giảm điểm kỷ lục, gây “sốc” cho nhà đầu tư và cổ phiếu DIG cũng không ngoại lệ.
Cụ thể, sau khi loạt cổ đông lớn liên tục bán ra khiến cổ phiếu DIG vừa phải trải qua 5 phiên sàn liên tiếp từ 15/6 đến 21/6. Thêm nữa, nếu tính từ ngày 11/1 đến ngày 21/6, cổ phiếu DIG đã "bốc hơi" 74% từ 119.800 đồng về 31.550 đồng/cổ phiếu và thuộc cổ phiếu giảm sâu nhất sàn HoSE. Trong khi đó, giá chào bán cổ phiếu là 30.000 đồng
Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục có chiều hướng đi xuống, cổ phiếu DIG tiếp tục lao dốc sẽ tạo thêm áp lực không nhỏ cho kế hoạch huy động vốn của doanh nghiệp, kết quả kém khả quan hơn, thậm chí là đổ bể vì thời điểm chào bán không thuận lợi.
Bên cạnh đó, việc thanh tra kiểm tra thị trường trái phiếu của cơ quan quản lý hiện nay sẽ tác động để người mua trái phiếu thận trọng hơn khi đánh giá năng lực trái chủ và hồ sơ phát hành chặt chẽ và lãi suất sẽ phải cạnh tranh hơn khi lãi suất đã nhích dần lên.
Thực tế cũng cho thấy, khả năng thành công ở các kế hoạch huy động vốn qua phát hành cổ phiếu hay trái phiếu không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh thị trường chung, mà phụ thuộc vào “câu chuyện” của mỗi doanh nghiệp có đủ hấp dẫn hay không. Trong quá khứ, Novaland đã nhiều lần phát hành thành công cho cổ đông chiến lược nước ngoài trong những giai đoạn thị trường chứng khoán trầm lắng.
Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị du lịch Long Tân (DIC Wisteria City Đồng Nai) là dự án trọng điểm của DIC Corp trong những năm tới. Dự án có vị trí huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quy mô 332 ha. Tại ngày 31/3/2022, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án này hơn 235 tỷ đồng, tăng 98% so với đầu năm.
Tổng doanh thu của toàn dự án có thể đạt khoảng 28.315 tỷ đồng, mang về lợi nhuận sau thuế khoảng 11.230 tỷ đồng. Thời gian để DIC Corp thu hồi vốn khoảng hơn ba năm.
Chủ tịch DIC Corp gửi thư trấn an cổ đông, khẳng định giữ nguyên mục tiêu lợi nhuận
Giữa bối cảnh giá cổ phiếu DIG liên tục lao dốc, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa có thư gửi cổ đông công ty.
Trong thư, Chủ tịch DIC Corp cho rằng tiềm lực của công ty chưa được phản ánh đúng vào giá cổ phiếu DIG trong thời gian gần đây do xu hướng tiêu cực chung của thị trường, sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11/2021, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, áp lực lạm phát tăng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất làm ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản cũng chịu tác động mạnh do các chính sách siết chặt hoạt động đầu tư, trong đó có chính sách siết chặt tín dụng bất động sản. Đây là những khó khăn của toàn thị trường chứ không chỉ riêng DIC Corp.
Ông Tuấn cũng cho biết DIC Corp đang tận dụng toàn bộ năng lực để có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.
Cụ thể, DIC Corp đang tích cực triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tại 5 dự án trọng điểm năm nay, gồm dự án Khu dân cư Vị Thanh - Hậu Giang, dự án Khu phức hợp CSJ (Vũng Tàu), dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), dự án Khu nhà ở Lam Hạ - Hà Nam và dự án Khu đô thị ATA Phú Mỹ - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện tại, dự án Vị Thanh đã cơ bản hoàn thành để mở bán đợt 1 trong tháng 7/2022. Giai đoạn 2 dự án CSJ đã được đẩy mạnh triển khai. Dự án Nam Vĩnh Yên và dự án Lam Hạ đang được công ty triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiếp tục mở bán trong quý III/2022.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý, hồ sơ chuyển nhượng M&A cho nhà đầu tư cấp 2 tại dự án Đại Phước; đôn đốc thu hồi công nợ đối với các dự án chuyển tiếp (gồm CSJ, Hiệp Phước, Đại Phước, Phoenix, Gateway) và bàn giao sản phẩm để hạch toán doanh thu.
Ông Tuấn cho biết thêm, công ty đã xây dựng các phương án dự phòng trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt tín dụng bất động sản và phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn không thuận lợi thì cho phép mở bán thêm một số sản phẩm dự phòng đã đủ điều kiện chuyển nhượng để tạo dòng tiền đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và kế hoạch thực hiện năm 2023.
Ngoài ra, trong 6 đầu năm 2022, DIC Corp cũng không phát sinh dư nợ vay tín dụng trung và dài hạn.
Ông Tuấn khẳng định, công ty vẫn giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 1.900 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý 1/2022, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 519 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 61,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,7% và 43% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, DIG đạt kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập khác 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,2% và 48,2% so với thực hiện trong năm 2021.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 87 tỷ đồng, công ty chỉ hoàn thành 4,6% kế hoạch lợi nhuận năm. Với con số đạt được trong quý đầu năm quá khiêm tốn, liệu rằng cả năm 2022 DIG Corp sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.
Khi xét về dòng tiền, trong quý 1/2022, dòng tiền kinh doanh tại DIC Corp âm gần 1.496 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 175 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương hơn 1.629 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương gần 442 tỷ đồng.
Được biết, 3 năm trở lại đây, dòng tiền kinh doanh của DIC Corp ngày càng lùi sâu về cực âm. Cụ thể, năm 2019 âm 245 tỷ đồng, năm 2020 âm 504 tỷ đồng và năm 2021 âm kỷ lục 1.966 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của DIC Corp giảm gần 3% so với đầu năm về 16.393 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 4.042 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.846 tỷ đồng, chiếm 23,5% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 3.796 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, các khoản phải thu tăng 12% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 412 tỷ đồng lên 3.846 tỷ đồng; tồn kho tăng thêm gần 198 tỷ đồng lên 4.042 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác giảm 45,2%, tương ứng giảm 645,7 tỷ đồng về 782,6 tỷ đồng. Đây chính là 3 khoản mục biến động mạnh dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính âm lên tới 1.496 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán cho rằng, trong các báo cáo tài chính mà công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Bởi lẽ, báo cáo này chỉ ra được tiền của doanh nghiệp đi đâu về đâu, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.
Không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động. Trong trường hợp doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất kinh doanh, phải nhập thêm hàng hóa, tăng các khoản phải thu, phải trả… sẽ dẫn tới tình trạng dòng tiền kinh doanh âm. Song, tại DIC Corp đã 3 năm liên tiếp âm dòng tiền kinh doanh, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ là điều báo động, bởi việc dòng tiền thiếu hụt sẽ khiến DIC Corp chìm vào gánh nặng nợ nần, kết quả kinh doanh đi xuống… Thậm chí nếu kéo dài, doanh nghiệp có thể sẽ mất khả năng thanh toán.