Cởi trần quảng cáo trên tàu điện: Doanh nghiệp cố tình vi phạm vì lợi nhuận?

Cùng với chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế luật sư Võ Đan Mạch cho rằng, nguyên nhân chính là xuất phát từ ý thức của mỗi doanh nghiệp, nhiều trường hợp họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt khi sử dụng các 'chiêu trò' quảng cáo phản cảm như vụ cởi trần trên tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông.

Quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu làm sao để thu hút chú ý của người tiêu dùng là mục đích mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng hướng đến. Để đạt được điều đó, không ít nhà kinh doanh đã phớt lờ những quy định của pháp luật mà quảng cáo phản cảm, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, cốt làm sao thu hút sự chú ý của dư luận, thậm chí càng sốc càng tốt.

Hình ảnh nhóm nam thanh niên cởi trần đứng trong khoang tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tạo dáng chụp ảnh quảng cáo nhãn hàng

Chiến dịch quảng cáo phản cảm, dung tục

Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhóm nam thanh niên cởi trần đứng trong khoang tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tạo dáng, chụp ảnh quảng cáo sản phẩm. Nhóm thanh niên này mang theo banner quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng, sử dụng riêng một khoang tàu, đứng chắn lối đi lại của các hành khách khác. Đặc biệt, nhóm thanh niên trên còn cosplay trang phục ông già Noel - hình ảnh vốn dĩ ấm áp, trong sáng - để gây sự chú ý. Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều người bày tỏ bức xúc cho rằng hành vi trên phản cảm, "quảng cáo bẩn", đặc biệt lại diễn ra tại nơi công cộng.

Vụ việc này không phải lần đầu xuất hiện, trước đây, người dân bắt gặp hình ảnh tại khu vực Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, một nhóm các cô gái PG của hệ thống Siêu thị Mẹ và Bé Kids Plaza mặc áo tím, váy trắng, đeo vật giả bụng bầu, trượt patin giữa ngã tư. Thậm chí có người còn bị trượt ngã và suýt va chạm với xe máy. Cũng liên quan đến quảng cáo phản cảm, tại một siêu thị Thế giới di động ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đặt một lồng kính gắn nhãn hiệu một dòng điện thoại, bên trong có một cô gái lên xe bán tải và đi dạo phố. Hay hình ảnh, nhóm nam thanh niên cởi trần quảng cáo cho sản phẩm nệm,...

Đây là một vài ví dụ điển hình trong số nhiều những chiến dịch quảng cáo phản cảm, trái thuần phong mỹ tục liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây. Điều đáng nói, theo các chuyên gia xã hội học, ở đây có việc thấy doanh nghiệp này làm được thì doanh nghiệp khác cũng muốn tạo sự khác biệt làm theo. Nếu chúng ta không ngăn chặn và không kiểm soát được những quảng cáo phản cảm đấy sẽ dẫn đến một trào lưu xã hội và không phải chỉ dừng lại ở mức độ thấp mà ở mức độ cao hơn.

Phân tích vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Võ Đan Mạch, công ty luật TNHH MTV Ta Pha, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp sử dụng chiêu trò quảng cáo như trên đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, cụ thể ở đây là quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam – là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Theo đó, khoản 1 Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 quy định: Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực pháp luật, hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ bị xử phạt vi pham hành chính, mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Luật sư Võ Đan Mạch, Công ty luật TNHH MTV Ta Pha, đoàn luật sư TP.HCM

Ngoài ra, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bị thiệt hại do hành vi quảng cáo bị vi phạm gây ra đều có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tổ chức vi phạm bồi thường thiệt hại.

Mặt khác, xét về mặt thủ tục, theo luật sư Đan Mạch, quy định tại Điều 36 Luật Quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo nêu trên là thuộc trường hợp “đoàn người quảng cáo”, phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương như: nội dung, hình thức sản phẩm quảng cáo, số lượng người tham gia đoàn người thực hiện quảng cáo, thời gian và lộ trình thực hiện chậm nhất là 15 ngày trước ngày thực hiện quảng cáo.

Như vậy, trong trường hợp này, cần phải xem xét về việc đơn vị tổ chức hoạt động quảng cáo nêu trên đã thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định hay chưa? Trường hợp đơn vị tổ chức quảng cáo không thực hiện thông báo hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo chấp thuận sau khi thông báo nội dung quảng cáo nhưng vẫn cố tình thực hiện thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 46 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Sẵn sàng chấp nhận xử phạt khi sử dụng các chiêu trò

Theo luật sư Võ Đan Mạch này, tình trạng các doanh nghiệp thuê người chụp ảnh quảng cáo, sử dụng các hình ảnh, video phản cảm, “giật gân” để quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp diễn ra khá phổ biến, và mặc dù rất nhiều trường hợp đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt, nhưng các trường hợp tương tự vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Để xảy ra tình trạng này, luật sư Mạch phân tích, nguyên nhân chủ yếu do Luật Quảng cáo và đặc biệt là các văn bản hướng dẫn quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo còn khá chung chung, chưa dự liệu một cách bao quát đến nhiều hành vi vi phạm có thể phát sinh trong thực tiễn, chưa có chế tài đối với các chủ thể là những cá nhân được thuê để chụp ảnh, quay clip phản cảm (vụ việc “quảng cáo nệm” trên là một minh chứng điển hình). Do vậy trong trường hợp có hành vi rõ ràng là không phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng cũng không có cơ sở để xử lý.

Bên cạnh đó, mặc dù mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, thay thế cho Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề tồn tại. Bởi lẽ, xét về tổng thể, quy định về việc xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo của Nghị định 38/2021/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở kế thừa kế thừa Nghị định số 158; về mức xử phạt vi phạm hành chính cũng có những sự điều chỉnh, tuy nhiên không có sự thay đổi quá lớn.

"Như nội dung đã phân tích, mức xử phạt đối với hành vi trên được áp dụng với chủ thể là doanh nghiệp, mức phạt dao động trong khung từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (trước đây là 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Bên cạnh đó, biện pháp xử phạt bổ sung cho hành vi này cũng chỉ dừng lại ở biện pháp là buộc xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm. Từ các quy định này, chúng ta cũng không có cơ sở đánh giá mức phạt như vậy là quá nhẹ hay là đã đủ sức răn đe hay chưa, tuy nhiên, so với việc bỏ ra số tiền chịu phạt 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng thì có lẽ, lợi ích mà doanh nghiệp nhận được là lớn hơn"- luật sư Mạch phân tích.

Cùng với chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế, luật sư Mạch cho rằng, nguyên nhân chính là xuất phát từ ý thức của mỗi doanh nghiệp, nhiều trường hợp họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt khi sử dụng các “chiêu trò”. Họ chấp nhận chịu phạt để được “đánh bóng tên tuổi”, “quảng bá” sản phẩm, thương hiệu công ty, dù bị dư luận nhìn nhận ở góc độ tích cực hay tiêu cực thì ít nhiều “hình ảnh” của doanh nghiệp cũng được biết đến rộng khắp.

Liên quan vụ Nhóm thanh niên cởi trần trên tàu điện để quảng cáo sản phẩm, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội, đơn vị đã nắm được vụ việc trên và sẽ thanh tra, xử lý theo quy định, sau đó sẽ thông tin rộng rãi cho dư luận nắm bắt. Nhóm thanh niên trên ngoài chụp ảnh trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông còn đi "diễu hành" tại nhiều địa điểm công cộng ở Hà Nội.

Được biết, thời gian gần đây kể từ khi tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông được đưa vào hoạt động thì từ ga chờ đến khoang tàu đều trở thành nơi “check in” lý tưởng của nhiều khách, nhất là giới trẻ. Một số ca sĩ cùng êkip cũng biến khoang tàu trở thành nơi tạo dáng chụp ảnh, quay MV với nhiều đạo cụ cồng kềnh, gây phiền toái cho hành khách đi cùng. Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người bày tỏ ý kiến nên có quy định về việc chụp ảnh quảng cáo, quay clip, MV trên tàu điện, đặc biệt là quy định về khung giờ cụ thể để không làm ảnh hưởng đến không gian chung khi hành khách di chuyển trên tàu./.