Công ty Anh Đặng có phải 'con trời' và chính quyền không xử nổi?

Dù cơ quan chức năng đã “tuýt còi”, đề nghị Công ty TNHH TM&DV Anh Đặng dừng thi công xây dựng các hạng mục dự án Kami Cun Hill. Nhưng, doanh nghiệp không chấp hành!
Nhiều hạng mục của đại dự án Kami Cun Hill đã được Công ty Anh Đặng thi công trên đất rừng khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều hạng mục của đại dự án Kami Cun Hill đã được Công ty Anh Đặng thi công trên đất rừng khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Ảnh: Minh Phúc.

Một đại dự án thiếu be bét thủ tục pháp lý, mọc trên đất rừng

Ngày 22/1/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 188 thông báo về việc từ chối hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu trang trại nông, lâm kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill tại xã Thống nhất và phường Chăm Mát, TP Hòa Bình (do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng làm chủ đầu tư).

Lý do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình từ chối là bởi vị trí khu đất Công ty Anh Đặng đề xuất triển khai dự án đã được quy hoạch là đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ và chưa phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình đến năm 2035 của UBND tỉnh phê duyệt.

Cụ thể, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3112/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 thì vị trí khu đất nêu trên được quy định là đất rừng. Dự án Kami Cun Hill cũng chưa có tên trong danh mục các công trình thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của TP Hòa Bình.

Theo văn bản số 82 của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình ngày 14/1/2020 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc tham gia ý kiến hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án Kami Cun Hill: Qua rà soát đối chiếu, khu đất đề xuất thực hiện dự án theo điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP Hòa Bình gồm các loại đất là đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ.

Công ty dự kiến xây dựng các hạng mục gồm: nhà trung tâm đón khách, nhà du lịch cộng đồng: 300m2; xây dựng 20 nhà dạng bungalow rộng 35m2/nhà (tương đương 700m2); xây dựng 3 nhà dạng nhà sàn: 450m2; nhà hàng: 600m2; khu bếp, nhà kho: 200m2; khu nhà ở cho nhân viên: 200m2; nhà bảo vệ: 20m2; khu hạ tầng kỹ thuật điện, bể nước 300m2; khu vui chơi ngoài trời 2.000m2; đường giao thông nội bộ, sân bãi đỗ xe: 3.500m2; còn lại là khu vực trồng rau, củ quả chất lượng cao; khu vực trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ lâu năm tạo cảnh quan sinh thái.

Do đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình: “Cơ cấu sử dụng đất chưa phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng  đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất đầu năm 2016 TP Hòa Bình được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 726/QĐ-UBND tỉnh ngày 8/4/2019”.

Để có cơ sở triển khai dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty Anh Đặng làm việc với UBND TP Hòa Bình đăng ký dự án vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Thành phố trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc với Báo NNVN vào sáng 5/5/2021, đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường (UBND TP Hòa Bình) – ông Đỗ Xuân Hòa – khẳng định, Công ty Anh Đặng chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký dự án vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP. Hòa Bình.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình đã nghiên cứu hồ sơ về dự án này, đồng thời cho ý kiến với Sở Kế hoạch và Đầu tư như sau: “Dự án đề xuất sử dụng 6,33ha, trong đó rừng sản xuất là 4,25ha, rừng phòng hộ là 1,77ha, ngoài quy hoạch lâm nghiệp 0,31ha”.

 

Sở NN-PTNT Hòa Bình xác định khu đất rộng hơn 63.000m2 đất mà Công ty Anh Đặng đang thi công xây dựng dự án Kami Cun Hill có hơn 42.000m2 là đất rừng sản xuất và 17.700m2 đất rừng phòng hộ. Ảnh: Minh Phúc.

Sở NN-PTNT Hòa Bình xác định khu đất rộng hơn 63.000m2 đất mà Công ty Anh Đặng đang thi công xây dựng dự án Kami Cun Hill có hơn 42.000m2 là đất rừng sản xuất và 17.700m2 đất rừng phòng hộ. Ảnh: Minh Phúc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác theo quy định tại Điều 14 Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 28/6/2017 của Chính phủ, Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 30/8/2017 của Tỉnh ủy Hòa Bình.

Đồng thời, phải thực hiện chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo khoản 2, Điều 19 Luật Lâm nghiệp và thực hiện trồng rừng thay thế khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo khoản 4, Điều 19 Luật Lâm nghiệp…

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo NNVN, những thủ tục trên vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền và Công ty Anh Đặng thực hiện.

Công ty Anh Đặng có phải “ông trời con” và chính quyền không xử nổi?

Trong thông báo số 188 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình ngày 22/1/2020 về việc từ chối hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu trang trại nông, lâm kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill đã nêu rõ: “Theo ghi nhận, thì công ty (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng) đã xây dựng một số hạng mục và làm đường đất vào khu vực thực hiện dự án. Để đảm bảo công tác quản lý về đầu tư, đất đai và môi trường, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo đúng quy định của pháp luật, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nhà đầu tư dừng tổ chức thi công xây dựng các hạng mục ở khu vực đề xuất thực hiện dự án”.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Trường hợp nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện thi công không đảm bảo các điều kiện về pháp luật về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Thế nhưng, ghi nhận của PV NNVN vào tháng 4/2021 cho thấy, nhà đầu tư vẫn tổ chức cho công nhân xây dựng nhiều hạng mục công trình như xây dựng bể chứa nước rất lớn ngay sát sườn dốc Cun để dẫn nước vào dự án. Còn chính quyền địa phương cho rằng, nhà đầu tư đã thi công xây dựng công trình từ 3 năm nay. Những công trình bê tông hóa vẫn tiếp tục mọc lên.

Dù UBND xã Thống Nhất (nay là phường Thống Nhất) đã lập biên bản về hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đồng thời báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Nhưng cho đến nay, cơ quan chức năng của TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vẫn chưa có động thái xử lý hành vi sai phạm trắng trợn của Công ty Anh Đặng.

Dư luận đặt câu hỏi: Ai chống lưng cho hàng loạt hành vi vi phạm của Công ty Anh Đặng? Tại sao bộ máy quản lý nhà nước tỉnh Hòa Bình đã biết vi phạm của doanh nghiệp này mà không xử lý, thậm chí có dấu hiệu hướng dẫn cho Công ty Anh Đặng hợp thức hóa các thủ tục pháp lý đối với dự án đầy rẫy vi phạm này?

Mở đường, xây dựng nhiều hạng mục công trình trái phép vào dự án

Đặc biệt, tại văn bản số 2906 ngày 31/12/2019 của Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình nêu rõ: Vị trí Công ty Anh Đặng dự kiến đầu tư dự án du lịch sinh thái Kami Cun Hill đề xuất mở điểm kết nối vào Quốc lộ 6 tại Km82+290(T) không nằm trong quy hoạch điểm đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ 6 theo quy định. Bởi vậy, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình yêu cầu Công ty Anh Đặng báo cáo, đề nghị UBND tỉnh có công văn thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung quy hoạch điểm đấu nối đường dẫn từ khu dự án vào Quốc lộ 6 tại Km82+290(T).

Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình cũng nhấn mạnh: “Việc triển khai thực hiện các bước đầu tư dự án chỉ được thực hiện sau khi có văn bản đồng ý bổ sung quy hoạch điểm đấu nối đường dẫn từ khi dự án vào Quốc lộ 6 tại Km82+190(T) của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của Phóng viên NNVN, bất chấp các quy định của pháp luật, dù chưa được Bộ Giao thông Vận tải cho phép, Công ty Anh Đặng vẫn cố tình mở rộng, bê tông hóa con đường dẫn từ điểm đấu nối đường dẫn từ khu dự án vào Quốc lộ 6 tại Km82+290. Vị trí này nằm giữa lưng chừng dốc Cun, một con dốc dài 7km với rất nhiều khúc cua hiểm trở. Đây là một trong những “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Được biết, đến nay khu đất thực hiện dự án Kami Cun Hill vẫn chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500. Bởi vậy, việc Công ty Anh Đặng tổ chức thi công xây dựng đại công trình như “pháo đài” trên diện tích đất rừng ở đỉnh Cun là không đúng quy định của pháp luật.