Vật liệu xây dựng là sản phẩm có tác động lớn đến chất lượng công trình xây dựng, đồng thời là mặt hàng rất dễ bị tấn công bởi vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Để đảm bảo chất lượng công trình, góp phần xử lý hàng giả, bảo vệ quyền lợi cho chính mình, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng cần áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cho mặt hàng vật liệu xây dựng mà mình đang sản xuất.
Trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, ngoại trừ việc phải tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Không những vậy, đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2 phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật. Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cho người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Trong đó, đối với doanh nghiệp, khi sản phẩm được công bố tiêu chuẩn áp dụng rõ ràng có nghĩa sản phẩm đó có các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh an toàn đảm bảo phù hợp quy định trong tiêu chuẩn. Điều này tạo lòng tin cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Vì thế, giúp người sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu dễ dàng mở rộng thị trường và thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm.
Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng khẳng định và thể hiện sự tuyên bố với cộng đồng về trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh đối với sản phẩm, hàng hóa. Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng nghĩa là tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực mà đơn vị tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Website của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Bách Chiến.
Doang nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng cũng giúp sản phẩm có ưu thế cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại nhưng chưa được công bố tiêu chuẩn áp dụng. Chính vì vậy mà việc công bố tiêu chuẩn áp dụng trở thành công cụ tiếp thị hữu hiệu cho người sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu. Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng tạo điều kiện cạnh tranh một cách công khai, minh bạch giữa nhà sản xuất, kinh doanh về chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng.
Đây còn là cách thức làm chủ và kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh, trên cơ sở đó giúp nhà sản xuất duy trì ổn định chất lượng; cải tiến năng suất; giảm sự lãng phí và giảm tỉ lệ sản phẩm phế phẩm thông qua quá trình duy trì sản xuất, nhập khẩu đảm bảo chất lượng đã công bố.
Người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu và yên tâm sử dụng vì sản phẩm, hàng hóa được sản xuất hoặc kinh doanh trong điều kiện đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, người tiêu dùng còn dễ tiếp cận và làm quen với sản phẩm do nhận được thông tin công khai về chất lượng sản phẩm và những nội dung hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thông tin cảnh báo khi sử dụng… và nhận biết sản phẩm đạt chất lượng nhanh chóng do có gắn dấu hợp chuẩn.
Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp luôn nỗ lực phấn đấu để cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cho ra thị trường nhiều sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp còn mạnh dạn thay đổi quá trình sản xuất, từng bước áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến với mục tiêu đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt. Kết quả là nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp còn thờ ơ cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nên chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm kém hoặc chất lượng hạn chế. Thậm chí, có doanh nghiệp “thổi phồng” chất lượng sản phẩm để lừa dối đối tác, khách hàng, người tiêu dùng về sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp. Một trong những hành vi hết sức nguy hiểm, đáng lên án là việc giả mạo giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Hình ảnh ông Phạm Duy Biên với lời chia sẻ khẳng định: “Keo dán gạch và đá Global của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Bách Chiến đạt các tiêu chuẩn khắt khe như: Tiêu chuẩn Low VOCs - an toàn cho sức khỏe người dùng; Hệ thống tiêu chuẩn châu Âu - European Norm (EN) và Hệ thống tiêu chuẩn Quốc Gia TCVN 7899-1:2008”.
Thời gian qua, toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được thông tin về việc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Bách Chiến có dấu hiệu sử dụng giấy chứng nhận hợp chuẩn TCVN 7899-1:2008 giả mạo để quảng cáo.
Cụ thể, trên nền tảng internet xuất hiện hình ảnh ông Phạm Duy Biên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Bách Chiến (đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất và Thương mại Global) với lời chia sẻ khẳng định: “Keo dán gạch và đá Global của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Bách Chiến đạt các tiêu chuẩn khắt khe như: Tiêu chuẩn Low VOCs - an toàn cho sức khỏe người dùng; Hệ thống tiêu chuẩn châu Âu - European Norm (EN) và Hệ thống tiêu chuẩn Quốc Gia TCVN 7899-1:2008”.
Kèm theo đó là hình ảnh giấy chứng nhận cho sản phẩm vữa, keo dán gạch của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất và Thương mại Global (địa chỉ tại LK12, 29 Dọc Bún, Tổ 5, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội) đạt TCVN 7899-1:2008. Giấy chứng nhận này ghi rõ được cấp bởi Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận Chất lượng TQC với số chứng chỉ TQC.11.425.2.
Tuy nhiên, khi tra cứu mã số chứng chỉ TQC.11.425.2 trên website Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận Chất lượng TQC thì kết quả cho thấy, giấy chứng nhận với mã số TQC.11.425.2 không phải cấp cho Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất và Thương mại Global mà là của Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Minh Châu (tính tới thời điểm này đã hết hiệu lực).
Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc về việc ông Phạm Duy Biên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Bách Chiến (đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất và Thương mại Global) lấy đâu ra giấy chứng nhận sản phẩm keo dán gạch Global đạt TCVN 7899-1:2008 để quảng cáo cho sản phẩm của mình? Vì sao khi tra cứu mã số thì giấy chứng nhận này lại là của một công ty khác?
Liệu có phải Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Bách Chiến, Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất và Thương mại Global đã làm giả giấy chứng nhận này hay không? Nếu sản phẩm keo dán gạch của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Bách Chiến, Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất và Thương mại Global có chất lượng không như quảng cáo, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Giấy chứng nhận hợp chuẩn TCVN 7899-1:2008 bị làm giả và xuất hiện kèm theo hình ảnh của ông Phạm Duy Biên, Tổng Giám đốc Công ty (hiện hình ảnh Giấy chứng nhận trên đã được gỡ bỏ - PV).
Liên quan tới vấn đề trên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 quy định rõ hành vi bị cấm bao gồm: Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 6 Điều 8); Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 7 Điều 8); Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa (Khoản 9 Điều 8).
Khoản 1 Điều 24 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.
Khoản 1 Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Đối với sự việc nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xác minh, xử lý.