Công ty Hải Hà: Nợ thuế vẫn chi nghìn tỉ đồng cho vay

Bức tranh tài chính của Công ty Hải Hà có dấu hiệu mất cân đối khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn; doanh thu tăng trưởng song lợi nhuận lại liên tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu âm nặng; nợ thuế, nợ phải trả cao trong khi vẫn chi hàng nghìn tỉ đồng cho vay.

Bức tranh tài chính với nhiều điểm “bất thường”

 

Như Lao Động đã thông tin, Thanh Tra Chính Phủ sẽ tiến hành thanh tra Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà cùng 17 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước. Trước đó, Công ty Hải Hà cũng được Cục thuế tỉnh Thái Bình xác định là doanh nghiệp nợ thuế khủng với hơn 1.709 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đi sâu vào bức tranh kinh doanh của Công ty Hải Hà mới thấy, tình hình tài chính còn có nhiều điểm “bất thường”, đơn cử như doanh nghiệp có dấu hiệu mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn; vốn chủ sở hữu âm nặng; nợ thuế, nợ phải trả cao trong khi lại cho vay hàng nghìn tỉ đồng.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, dữ liệu tài chính cho thấy nợ phải trả của Công ty Hải Hà còn khoảng 15.048 tỉ đồng, tăng 49%, tương ứng gần 5.000 tỉ đồng chỉ sau 12 tháng. Trong đó, biến động đến từ chỉ mục phải trả người bán ngắn hạn tăng từ 2.608 tỉ đồng hồi đầu năm lên 7.936 tỉ đồng cuối năm; Nợ Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tăng từ 1.463 tỉ đồng lên 2.209 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, phải trả ngắn hạn khác và nợ vay ngắn hạn đều được thu hẹp. Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, tổng nợ vay tài chính Công ty Hải Hà vẫn neo ở mức 1.994 tỉ đồng.

Nhìn vào cơ cấu nợ phải trả của Công ty Hải Hà có thể thấy, nợ ngắn hạn đang chiếm đến 98% tổng nợ phải trả, đạt 14.692 tỉ đồng. Trong khi đó, tính đến ngày 31.12.2021, tài sản ngắn hạn Hải Hà đạt 11.173 tỉ đồng, chiếm 83% tổng tài sản (13.414 tỉ đồng).

Như vậy có thể thấy, nợ ngắn hạn Công ty Hải Hà đã vượt hơn 3.500 tỉ đồng so với tài sản ngắn hạn và nợ phải trả Hải Hà vượt gần 2.000 tỉ đồng tổng tài sản công ty.

Tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn, điều này dẫn đến, trong ngắn hạn, doanh nghiệp không có đủ tài sản để thanh toán cho các khoản nợ đến hạn, trong trường hợp các chủ nợ đồng loạt đòi nợ thì doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh toán, và có nguy cơ bị phá sản.

 

Nợ đầm đìa, vẫn chi 2.000 tỉ đồng cho vay

 

Đáng nói, dù tình hình nợ nần có nhiều điểm báo động, Công ty Hải Hà vẫn chi đến 2.074 tỉ đồng cho vay ngắn hạn, tăng đến 59% so với hồi đầu năm (1.303 tỉ đồng).

Ngoài ra, Hải Hà cũng dành tới 2.771 tỉ đồng để cho vay và mua lại các công cụ nợ của đơn vị khác – con số này tăng mạnh so với mức 863 tỉ đồng của năm 2020. Điều này dẫn tới lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp âm nặng 887 tỉ đồng.

ket-qua-kinh-doanh-cua-cong-ty-hai-ha-thoi-gian-gan-day-1665978829.jpg

Doanh thu tăng trưởng, Công ty Hải Hà vẫn lỗ cắm đầu. Đồ họa: Thanh Giang.

Trước đó, thông tin từ Cục Thuế tỉnh Thái Bình cho biết, Công ty Hải Hà là doanh nghiệp đứng đầu danh sách nợ thuế với hơn 1.709 tỉ đồng, chiếm 79% tổng số tiền các doanh nghiệp nợ thuế của tỉnh Thái Bình.

Đáng nói, Công ty Hải Hà nợ thuế nghìn tỉ đồng trong bối cảnh doanh thu tăng trưởng qua các năm, song doanh nghiệp lại liên tiếp báo lỗ dẫn đến không phát sinh khoản nộp vào ngân sách nhà nước về Thuế Thu nhập doqnh nghiệp (năm 2020), hoặc nộp tượng trưng với chỉ 150 triệu đồng trong khi doanh thu lên đến gần 19.000 tỉ đồng (năm 2021).

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của Công ty Hải Hà đang diễn biến trái chiều, khi bất chấp doanh thu tăng trưởng, doanh nghiệp vẫn liên tiếp báo lỗ “cắm đầu”.

Tính đến cuối năm 2021, Công ty Hải Hà đang lỗ lũy kế 2.008 tỉ đồng. Việc liên tiếp thua lỗ đã ăn mòn hết vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Thậm chí, tính tại ngày 31.12.2021 vốn chủ sở Hải Hà đã âm đến 1.634 tỉ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu là 374 tỉ đồng.