Với chủ đề “Ngày khử carbon", Hội nghị COP27 kêu gọi hành động khẩn cấp để giảm lượng khí phát thải, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất thép, dầu mỏ, khí đốt và phân bón.
Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), gần 50% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2030, ngay cả khi Trái đất nóng lên không quá 1,5 độ C.
Hội nghị khí hậu toàn cầu năm 2022 được kỳ vọng sẽ giải quyết sẽ những vấn đề then chốt, bao gồm cả việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước nghèo và nâng tham vọng hành động khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.
COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang cùng lúc chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng từ đói nghèo, giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt. Thực trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan. Do đó, với thông điệp xuyên suốt “Cùng nhau hành động” – COP27 nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể.
Mới đây, trong ngày 11/11, phiên họp với chủ đề “Ngày khử carbon” thuộc Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giảm lượng khí phát thải, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất thép, dầu mỏ, khí đốt và phân bón.
Phát biểu tại phiên họp, Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry cho rằng: “Cuộc khủng hoảng khí hậu đang hiện hữu và chúng ta cần xem xét từng khía cạnh của giải pháp, bao gồm cả quá trình khử carbon trong các lĩnh vực công nghiệp vốn là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu".
Ông Shoukry nhấn mạnh: "Phiên họp hôm nay tạo cơ hội để các bên thảo luận về các kế hoạch và chính sách quan trọng cần thiết để giảm phát thải khí carbon, đặc biệt trong các lĩnh vực khó giảm thiếu". Ngoài ra, Chủ tịch COP27 cũng hy vọng các cuộc thảo luận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Tại phiên họp với sự tham gia của đông đảo các lãnh đạo ngành, các nhà khoa học, giới chuyên gia về đổi mới sáng tạo, các nhà hoạch định chính sách, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El Molla và Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Ai Cập Ahmed Samir đã trình bài các bài phát biểu về những thách thức liên quan vấn đề khử carbon.
Một số sáng kiến như Lộ trình giảm khí methane Sharm El Sheikh và Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải cũng đã được đưa ra tại phiên họp nằm thúc đẩy cam kết metan toàn cầu, như một hướng dẫn toàn diện cho các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải.
Tại sự kiện này, Mỹ đã thông báo khởi động sáng kiến mới nhằm hỗ trợ Ai Cập triển khai 10 GW điện Gió và điện Mặt Trời mới trong khi từ bỏ 5GW điện từ các nhà máy điện vận hành bằng khí đốt tự nhiên không hiệu quả. Sáng kiến “Đẩy nhanh quá trình khử carbon ngành thép” đã được thỏa luận nhằm khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ các công nghệ mới.
Về khía cạnh này, phiên họp cũng đã nêu bật những câu chuyện chuyển đổi thành công của Ai Cập và Thụy Điển. Riêng Ai Cập đã triển khai 126 dự án sử dụng năng lượng hiệu quả với tổng vấn đầu tư 2,4 tỷ USD, với mục tiêu cắt giảm 7 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Về quá trình khử carbon trong lĩnh vực phân bán, phiên họp đã đề cập những cách thức phát triển các loại phân bón xanh cần thiết nhằm phát triển nền nông nghiệp carbon thấp, giá cả phải chăng và an toàn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy quá trình khử carbon trong lĩnh vực sản xuất dầu khí và ximăng cũng đòi hỏi các giải pháp cần thiết dựa trên các công nghệ mới như lưu trữ carbon, nhiên liệu thay thế và xi măng xanh.
Có thể thấy, lần đầu tiên, vấn đề "bồi thường khí hậu" được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị COP27. "Bồi thường khí hậu" chỉ việc các quốc gia giàu có, phát thải nhiều có trách nhiệm bồi thường cho các quốc gia đang phát triển, phát thải ít, nhưng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu do vị trí địa lý. Cho đến nay, cam kết của các nước giàu về hỗ trợ tài chính cho vấn đề khí hậu vẫn chưa được đáp ứng và đây vẫn là một vấn đề nan giải.
Trước đó, một số quốc gia đã tuyên bố những cam kết mới về thích ứng, những cam kết cụ thể có thể giúp các nước tiến về phía trước. Trong đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tuyên bố rằng quốc gia này sẽ tăng gấp 3 lần tài chính thích ứng vào năm 2025, vượt xa mức cam kết vào năm ngoái ở Glasgow.
Trong khi đó, Đức tuyên bố dành 170 triệu USD và Bỉ dành 2,5 triệu Euro để khắc phục hậu quả cho những tổn thất và thiệt hại, đặc biệt dành cho Mozambique, nước bị thiệt hại lớn do mưa lớn vào năm ngoái. Áo cũng công bố tài trợ 50 triệu USD cho tổn thất và thiệt hại, và Scotland, trước đó cam kết 2 triệu bảng Anh, đã thông báo sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu bảng.