Covid-19: Châu Âu thận trọng nới lỏng

Đan Mạch ghi nhận sự gia tăng đáng kể số ca mắc mới, trường hợp nhập viện và tử vong vì dịch bệnh sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát cuối cùng vào đầu tháng 2

Ngày càng có nhiều nước ở châu Âu hướng đến trạng thái bình thường mới khi có động thái dỡ bỏ gần hết các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Theo trang Bloomberg, Đức trở thành quốc gia mới nhất ở châu lục này có bước đi như thế. "Các quy định về Covid-19 đã có hiệu quả mong muốn. Chúng ta giờ đây có thể từng bước rút lại các hạn chế nhưng vẫn nên tiếp tục thận trọng" - Thủ tướng Đức Olaf Scholz viết trên trang Twitter hôm 16-2.

Phần lớn các biện pháp hạn chế sẽ được bãi bỏ từ nay đến ngày 20-3 thông qua 3 giai đoạn. Bước đầu tiên là chấm dứt lập tức việc kiểm soát tiêm chủng tại các cửa hàng không thiết yếu.

Nước láng giềng Thụy Sĩ thậm chí còn ra tay sớm hơn khi bãi bỏ hầu hết biện pháp hạn chế liên quan đến dịch bệnh từ ngày 17-2, trong đó có khuyến nghị làm việc tại nhà và yêu cầu cung cấp giấy tờ liên quan đến Covid-19 để được nhập cảnh. Ngoài ra, người dân không cần xuất trình "thẻ xanh Covid-19" tại các địa điểm trong nhà như nhà hàng và rạp chiếu phim.

Hà Lan cũng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đối với người dân và doanh nghiệp từ ngày 18-2. Trước đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết nước này sẽ hủy bỏ gần như mọi biện pháp hạn chế từ ngày 5-3, như các sự kiện công cộng sẽ không còn bị hạn chế về số người tham gia.

Biển báo bên ngoài một cửa hàng ở thủ đô Berlin - Đức hôm 9-2, theo đó quy định chỉ cho người đã tiêm chủng hoặc khỏi bệnh được vào bên trongẢnh: Reuters

Từng là tâm điểm của đại dịch trên toàn cầu, châu Âu đang tìm cách trở lại với cuộc sống bình thường, một phần nhờ tỉ lệ tiêm chủng tương đối cao và biến thể Omicron gây triệu chứng nhẹ. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 16-2 đề cập khả năng bãi bỏ các quy định về đeo khẩu trang và bằng chứng tiêm chủng từ giữa tháng 3.

"Nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, làn sóng lây nhiễm có thể chấm dứt trong khoảng 2 tuần nữa. Chúng ta có thể trở lại tình trạng gần như bình thường" - ông Veran nhận định.

Tại Đức, dịch bệnh đã bắt đầu thuyên giảm trong những ngày gần đây, dẫn đến lời kêu gọi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp bước các nước như Anh, Ireland và Đan Mạch trong việc nới lỏng hạn chế. Dù vậy, giới chức Đức vẫn tỏ ra thận trọng, thể hiện qua việc Thủ tướng Scholz nhấn mạnh vẫn cần bắt buộc tiêm vắc-xin để ứng phó với các đợt bùng phát dịch sau này.

Tại Thụy Sĩ, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đến các cơ sở chăm sóc y tế vẫn phải đeo khẩu trang. Tương tự, người dân Áo vẫn phải đeo khẩu trang tại một số địa điểm bởi như nhắc nhở của ông Nehammer, "virus (SARS-CoV-2) vẫn hiện diện trong cuộc sống chúng ta".

Những gì đang diễn ra tại Đan Mạch có thể là bài học tham khảo cho các nước đang nới lỏng. Vào đầu tháng 2, quốc gia châu Âu này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cuối cùng sau khi không còn xem Covid-19 là bệnh nguy hiểm trong xã hội.

Dù vậy, theo trang Yahoo! News, Đan Mạch kể từ đó ghi nhận sự gia tăng đáng kể số ca mắc mới, trường hợp nhập viện và tử vong vì dịch bệnh. Một số chuyên gia cảnh báo rằng bằng cách chấm dứt các biện pháp phòng chống dịch quá sớm, Đan Mạch đã khiến những con số nói trên tăng trở lại và bất kỳ quốc gia nào tiếp bước đều có nguy cơ lâm vào cảnh tương tự.

Đáp lại, nhà khoa học Michael Bang Petersen, cố vấn của chính phủ Đan Mạch, chỉ ra rằng dữ liệu trên không cho thấy đủ bức tranh dịch bệnh ở nước này. Giới chức y tế Đan Mạch cũng nhấn mạnh gánh nặng từ các ca bệnh nghiêm trọng đã giảm bớt trong lúc tỉ lệ tử vong thấp.

Mỹ: Covid-19 không còn là cuộc khủng hoảng

Mỹ đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đại dịch Covid-19 khi số ca mắc biến thể Omicron giảm, trong đó có việc cập nhật hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh về khẩu trang và nâng cao năng lực xét nghiệm.

Cố vấn y tế hàng đầu Nhà Trắng Anthony Fauci hôm 16-2 cho rằng đã đến lúc Mỹ dần trở lại trạng thái bình thường, bất chấp rủi ro vẫn còn đó. Bất chấp một vài xu hướng tích cực, số ca mắc Covid-19 hiện vẫn ở mức cao và khoảng 2.200 người Mỹ tử vong mỗi ngày, hầu hết là người chưa tiêm phòng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Fauci cho rằng các bang nước Mỹ đang đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa việc bảo vệ người dân trước sự lây lan của Covid-19 và sự mệt mỏi gia tăng khi đại dịch bước sang năm thứ 3. Ông thừa nhận hiện chưa có giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này. Trước mắt, lựa chọn của một số bang là sẽ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại trường học và những nơi công cộng khác trong vài tuần tới.

Cùng ngày, Điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients nhận định Mỹ đã đạt được tiến bộ to lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và đang chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của đại dịch. Quan chức này cho biết thêm Mỹ hiện có các công cụ cần thiết để phòng chống dịch, như khẩu trang và các phương pháp điều trị khác nhau. Ngoài ra, 3/4 người trưởng thành tại nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Nhờ vậy, theo ông Zients, Mỹ đang tiến tới thời kỳ mà Covid-19 không còn là cuộc khủng hoảng.