COVID-19: Giới khoa học Nam Phi báo cáo biến thể mới đáng ngại, lây nhiễm mạnh

Biến thể C.1.2 mang 'các chùm đột biến đáng lo ngại', có thể giúp virus lây nhiễm mạnh hơn và né tránh hệ miễn dịch của con người tốt hơn.

Các nhà khoa học Nam Phi thông báo đã xác định được một biến thể virus SARS-CoV-2 mới đáng lo ngại với khả năng lây nhiễm mạnh hơn, hãng tin Bloomberg cho hay.

Biến thể mới được ký hiệu là C.1.2. Các nhà khoa học Nam Phi cho biết “các chùm đột biến đáng lo ngại” trên biến thể C.1.2 “liên quan tới khả năng lây nhiễm gia tăng” và giúp virus tránh né hệ miễn dịch của con người tốt hơn.

C.1.2 là thể đột biến trên nền biến thể C.1 - dòng virus chiếm đa số trong các ca nhiễm ở Nam Phi hồi giữa năm ngoái. Biến thể C.1.2 có khoảng 44-59 đột biến so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc được phát hiện ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi được coi là ổ dịch đầu tiên của thế giới.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại TP Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: BLOOMBERG

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng biến thể C.1.2 có các đột biến giống với loại xuất hiện trên bốn biến thể bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào danh sách đáng lo ngại trên toàn cầu. Các đột biến này được cho là liên quan tới khả năng kéo dài thời gian điều trị và tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng.

Biến thể C.1.2 được các nhà khoa học phát hiện lần đầu vào tháng 5, trên các ca nhiễm COVID-19 ở tỉnh Gauteng - nơi có hai thành phố quan trọng hàng đầu đất nước là Johannesburg và Pretoria - và tỉnh láng giềng Mpumalanga. Lúc đó, biến thể C.1.2 chiếm 0,2% số trình tự gen được giải mã ở Nam Phi. Nhưng tỉ lệ này đã lần lượt tăng lên mức 1,6% (tháng 6) và 2% (tháng 7).

Hiện nay, biến thể này đã lay lan tới 6/9 tỉnh của Nam Phi, cũng như xuất hiện tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Mauritius (châu Phi), Anh, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ (châu Âu), Trung Quốc và New Zealand, theo tờ The Hill.

Các nhà khoa học thuộc Viện quốc gia Nam Phi về Các bệnh truyền nhiễm và Krisp - một tổ chức nghiên cứu ở tỉnh KwaZulu-Natal - cho biết nhóm đang “đánh giá tác động của biến thể này đối với quá trình trung hòa kháng thể”, xem xét cả những người đã được tiêm vaccine và những người chưa chủng ngừa COVID-19.

Trong một cuộc họp báo hôm 30-8, Giám đốc Krisp, GS Tulio de Oliveira cho biết nhóm kỳ vọng sẽ có kết quả nghiên cứu trong vòng một tuần.

Năm ngoái, Nam Phi là nước đầu tiên phát hiện biến thể Beta, một trong những biến thể đáng lo ngại toàn cầu. Các nhà khoa học Nam Phi nhấn mạnh rằng việc nước này phát hiện nhiều biến thể mới là do sử dụng các công nghệ tiên tiến để giải trình tự gen chứ không có nghĩa là Nam Phi là nơi phát sinh các biến thể này.

Nam Phi là nước báo cáo số ca nhiễm COVID-19 cao nhất châu Phi. Theo Bộ Y tế Nam Phi, tính tới ngày 30-8, nước này đã có 2.770.575 ca nhiễm COVID-19, trong đó 81.830 trường hợp đã tử vong và tỉ lệ bệnh nhân được chữa khỏi lên tới 91,5%. Tỉnh Gauteng là địa phương có số ca nhiễm và số ca tử vong cao nhất cả nước.