Covid-19 'hạ nhiệt' trên toàn cầu

Bất chấp biến chủng mới và số ca mắc Covid-19 gia tăng cục bộ ở một số khu vực, số ca mắc mới và tử vong toàn cầu tiếp tục giảm

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa được cung cấp cho các cơ quan truyền thông ngày 21-4. Trong đó, WHO cho hay trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 17-4, cả thế giới ghi nhận 5,59 triệu ca mắc Covid-19 mới, giảm 24% so với tuần trước. Số ca tử vong là 18.215 người, giảm 21% so với tuần trước.

Theo báo cáo chi tiết từ WHO, số ca mắc Covid-19 mới giảm rõ rệt ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Đông Địa Trung Hải, châu Âu và Đông Nam Á.

Ở Tây Thái Bình Dương, Đông Địa Trung Hải và châu Âu, ngay cả các nước có số ca mắc cao nhất thì vẫn thấp hơn tuần trước. Ở Đông Nam Á, các nước có số ca mắc mới tăng nhiều gồm Thái Lan, Bhutan, Indonesia nhưng nhìn chung vẫn giảm 2%-44% so với tuần trước. Trong khi đó, châu Phi giảm nhẹ 7%.

Đi ngược xu hướng giảm toàn cầu là Mỹ, với số ca mắc mới là 245.595, tăng 24%. Sự gia tăng này được cho là do biến chủng phụ mới BA.2.12.1 của Omicron, với bằng chứng chưa đầy đủ cho thấy có thể lây nhanh hơn khoảng 27% so với BA.2 dù không gây bệnh nặng hơn. BA.2.12.1 đã chiếm tới 19% số ca mắc Covid-19 ở nước Mỹ chỉ sau 1 tuần được xác định.

Người dân đeo khẩu trang xếp hàng mua vé tại một rạp chiếu phim vừa được mở cửa trở lại ở Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 21-4 Ảnh: REUTERS

Tin mừng là ở hầu hết quốc gia, dù tỉ lệ mắc tăng hay giảm thì tỉ lệ tử vong do Covid-19 vẫn giảm. Trong số các nước có số ca mắc mới cao nhất, chỉ Thái Lan ghi nhận số ca tử vong tăng 20%. Theo Bangkok Post, các quan chức y tế Thái Lan đã lường trước điều này khi lễ hội Songkran diễn ra những ngày qua, trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi chưa cao.

WHO xác định 99,5% số ca Covid-19 trên toàn thế giới hiện nay là do biến chủng Omicron gây ra, chỉ 0,1% là do Delta và 0,4% là do các dòng chưa được định danh. WHO cho rằng vẫn cần thận trọng vì số ca mắc giảm xuống có thể do một số quốc gia - đi theo hướng "sống chung với Covid-19" - không còn xét nghiệm quá thường xuyên.

Thu hút sự chú ý hơn cả vào lúc này là tình hình ở Trung Quốc. Nước này đã có những tín hiệu khởi sắc những ngày gần đây, ngay cả tại Thượng Hải, vì đã qua đỉnh dịch. Tuy nhiên, ngành y tế Trung Quốc lại đối diện thách thức mới: Khủng hoảng sức khỏe tâm thần.

Tờ The Guardian trích dẫn thống kê từ WHO cho biết có tới 54 triệu người Trung Quốc bị trầm cảm và 41 triệu người bị rối loạn lo âu.

Hai vấn đề tâm thần này từ lâu đã gắn liền với Covid-19 và các chính sách giãn cách xã hội trên toàn thế giới, song có phần nặng nề hơn ở các nơi giãn cách bị kéo dài, điển hình là nước vẫn theo đuổi chính sách "Zero Covid-19" như Trung Quốc. Công cụ tìm kiếm Baidu của nước này ghi nhận từ khóa "tư vấn tâm lý" tăng đột biến từ tháng 3 năm nay.

Theo đài CNN, chính sách phòng Covid-19 nghiêm ngặt cũng có nguy cơ phá hỏng vị thế trung tâm hàng không của Hồng Kông (Trung Quốc). Các chuyến bay liên tục bị cấm, nối lại, rồi lại bị cấm. Từ ngày 20-4, 11 đường bay của 10 hãng hàng không tạm thời bị cắt, bao gồm những đường bay quan trọng từ London (Anh), Amsterdam (Hà Lan).

Sự gián đoạn này được cho là liên quan tới quy định gây tranh cãi: Nếu có 3 hành khách trở lên trên một chuyến bay dương tính với Covid-19 hoặc không có đủ giấy tờ chứng minh sức khỏe, đường bay đó bị đình chỉ trong 7 ngày.