Covid-19 thế giới 6/10: Vì sao số tử vong ở Nga tăng cao? WHO cảnh báo cuộc chiến chưa kết thúc; châu Âu đối mặt nguy cơ lớn

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 236,6 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,8 triệu ca tử vong và khoảng 213,7 triệu bệnh nhân bình phục.

Chính quyền Nga đang rất lo ngại trước tỷ lệ tử vong cao vì Covid-19 ở nước này và nguyên nhân chính là do mức độ tiêm chủng chưa đủ. (Nguồn: Reuters)

Tình hình dịch bệnh Covid-19

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 411.101 ca mắc mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 94.811 ca, tiếp theo là Anh 33.869 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 29.802 ca, Nga 25.110 ca,...

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Mỹ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 44,78 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 724.700 ca tử vong.

Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 33,87 triệu ca, trong đó có gần 450.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,50 triệu ca nhiễm và gần 599.000 ca tử vong.

Phát biểu trong buổi thảo luận trực tuyến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, cơ quan này ghi nhận 3,1 triệu ca mắc Covid-19 mới trên toàn cầu trong tuần qua, trong đó có 54.000 trường hợp thiệt mạng.

Cho rằng con số thực tế có thể cao hơn, quan chức WHO cảnh báo, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn khó lường do chưa thể kiểm soát hoàn toàn sự lây lan của SARS-CoV-2, vì vậy, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc.

Bà Kerkhove cũng bày tỏ quan ngại việc tại một số thành phố, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện vẫn chật kín người nhưng trên phố, người ta ứng xử như thể đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt".

Theo bà, do cách thức thế giới xử lý khủng hoảng, Covid-19 sẽ không bị loại trừ và vẫn sẽ tồn tại dai dẳng.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo về làn sóng mới về tử vong do Covid-19.

Theo ECDC, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp tại châu Âu sẽ chứng kiến “sự gia tăng đáng kể số ca mắc Covid-19, số ca nhập viện và tỷ lệ tử vong trong hai tháng tới... do sự lây lan virus SARS-Cov-2 rất cao”.

ECDC cho biết thêm, ngay cả những người đã được tiêm chủng phòng Covid-19 vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh và chuyển bệnh nặng.

Theo ECDC, chỉ 61% tổng dân số EU là đã được tiêm chủng và tỷ lệ này còn thấp ở khu vực Đông và Nam Âu.

Trong khi đó, tại Nga đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ở mức cao, với trung bình hơn 850 ca thiệt mạng mỗi ngày.

Theo Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov, nguyên nhân chính là do mức độ tiêm chủng chưa đủ. Ông nêu rõ: "Virus đang ngày càng ‘hung hãn’, trong khi tỷ lệ tiêm chủng lại chưa đủ. Theo quy luật, những người không được tiêm phòng sẽ bị ốm nặng hơn và thậm chí tử vong".

Ông Peskov cũng cho hay, Điện Kremlin đã tăng cường các biện pháp nâng cao hiểu biết cho người dân về sự cần thiết của tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Nước Nga đến nay đã ghi nhận hơn 7,6 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 6,7 triệu bệnh nhân được chữa khỏi và hơn 211,6 nghìn người tử vong.

Tại Romania, làn sóng Covid-19 thứ tư có nguy cơ biến nước này trở thành “Lombardy mới của châu Âu” (Lombardy là vùng ở Italy có số tử vong cao nhất trong thời kỳ đầu đại dịch Covid-19 tại châu Âu).

Ủy ban Quốc gia về Điều phối hoạt động tiêm chủng Covid-19 (CNCAV) cho biết, Romania có số người tử vong nhiều hơn 2,65 lần so với mức trung bình của châu Âu và nhiều hơn 6,34 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Trong khi đó, với số ca mắc Covid-19 kỷ lục hơn 11.000 ca mỗi ngày, Romania vượt xa mức trung bình của cả châu Âu và thế giới.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, làn sóng Covid-19 thứ 4 sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến Romania và có thể kéo dài ít nhất cho đến giữa tháng 11.

Vaccine và tiêm chủng

Ngày 5/10, hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường của J&J cho những người từ 18 tuổi trở lên, khẳng định mũi tiêm này giúp nâng cao khả năng bảo vệ lên 94%”.

Theo J&J, “mức độ kháng thể tăng gấp 9 lần 1 tuần sau khi tiêm mũi vaccine tăng cường và tiếp tục tăng lên gấp 12 lần trong 4 tuần sau mũi tiêm này” ở mọi lứa tuổi.

Vaccine một mũi duy nhất của J&J đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ từ ngày 27/2/2021 và đến nay đã được tiêm cho khoảng 14,8 triệu người Mỹ.

Cùng ngày, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo đã phê duyệt kế hoạch tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 Pfizer và Moderna thứ 3 cho những người từ 70 tuổi trở lên.

Đến nay, Tây Ban Nha đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ cho khoảng 78% dân số và cho phép sử dụng liều tăng cường cho những người 6 tháng trước đó từng được tiêm mũi vaccine thứ 2. Chiến dịch tiêm liều vaccine thứ 3 sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10.

Nước này cũng cho phép tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 cho các bệnh nhân ung thư, cư dân của các viện dưỡng lão và những nhóm dễ bị tổn thương khác.

Tại Nga, Công ty dược phẩm sinh học Nanolek đang phát triển vaccine kết hợp ngừa Covid-19 và cúm mùa, quá trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine kết hợp này sẽ được bắt đầu sau khoảng 1,5 năm. Nanolek tin rằng, vaccine kết hợp sẽ làm giảm đồng thời nguy cơ từ dịch cúm và Covid-19.

Cùng ngày 5/10, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đang cân nhắc khả năng triển khai quy trình đánh giá nhanh về loại thuốc điều trị Covid-19 có tên là molnupiravir, do Merck & Co - một công ty đa quốc gia của Mỹ - sản xuất.

Merck & Co khẳng định, molnupiravir có khả năng hạ thấp khoảng 50% tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện và tử vong trong số những trường hợp có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.

Nếu được thông qua, đây sẽ là loại thuốc kháng virus dạng viên uống đầu tiên được sử dụng trong hoạt động điều trị Covid-19.