CTCP Chứng khoán DSC lỗ kỷ lục trong quý II, bị phạt vì liên tục cho thành viên HĐQT vay tiền trái quy định

Trong năm 2020 và 2021, CTCP Chứng khoán DSC đã liên tục cho thành viên HĐQT trái quy định trong năm 2020 và 2021.

Trong ngày 4/10/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 734/QĐXPHC đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (Mã DSC) có địa chỉ đặt tại: Tầng 2, Thành Công Building, 80 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

dsc-1665377502.jpg Chứng khoán DSC bị phạt vì cho Thành viên HĐQT vay trái quy định tới 5 lần trong năm 2020 - 2021 (Ảnh TL)

 

Cụ thể, DSC bị phạt 175 triệu theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP). Công ty đã vi phạm quy định về hạn chế cho vay.

Trong đó, công ty cổ phần chứng khoán DSC đã cho vay đối với Thành viên Hội đồng quản trị trái với quy định trong 5 lần tại các thời điểm ngày 17/8/2020, 20/8/2020, 28/10/2020, 30/10/2020, 1/2/2021. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký.

Kinh doanh 2 năm liền bết bát, chỉ vừa hồi phục trong năm 2021

Công ty Cổ phần chứng khoán DSC là công ty chứng khoán đầu tiên tại miền Trung, được thành lập từ năm 2006 với lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ, bảo lãnh phát hành chứng khoán, lưu ký chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Công ty đã bắt đầu lên sàn UPCOM từ tháng 1 năm 2018.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, Chứng khoán DSC ghi nhận 2 năm kinh doanh bết bát. Cụ thể thì năm 2018, doanh thu thuần từ kinh doanh chứng khoán của DSC đạt 41,1 tỷ đồng, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 24,5 tỷ đồng. Trong hai năm liên tiếp từ 2019 đến 2020, doanh thu thuần của Chứng khoán DSC liên tục sụt giảm, xuống lần lượt 7,2 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận trong 2 năm này cũng ghi nhận cho có với gần 500 triệu đồng trong năm 2020 và thậm chí còn lỗ hơn 100 triệu đồng trong năm 2019. Bước sang năm 2021, chứng khoán DSC mới tiếp tục tăng trưởng trở lại với doanh thu đạt 55,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 24,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đà hồi phục này không kéo dài bởi trong nửa đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của DSC tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, thậm chí còn ghi nhận lỗ nặng trong báo cáo quý II gần nhất.

Nửa đầu năm 2022 kinh doanh tiếp tục đi lùi, quý II ghi nhận lỗ kỷ lục

Tình hình kinh doanh trong năm 2021 vừa hồi phục thì bước sang năm 2022, chứng khoán DSC lại tiếp tục gặp khó khăn. Doanh thu quý I giảm xuống chỉ còn 32,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng theo đó giảm xuống mức 13,8 tỷ đồng so với quý trước đó. Sang đến quý II/2022, ghi nhận doanh thu của DSC đạt 24,8 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ghi nhận doanh thu tăng trưởng gấp 10 lần so với cùng kỳ thì chi phí hoạt động của DSC trong quý II cũng tăng tới gần 10,8 lần, lên mức 16 tỷ đồng. Các chi phí bao gồm chi phí tài chính trong kỳ cũng tăng lên 7,1 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 2,5 tỷ đồng cùng kỳ lên 6,6 tỷ đồng, tương ứng mức gia tăng tới 165%. Việc gia tăng các chi phí đã bào mòn lợi nhuận khiến DSC ghi nhận lỗ sau thuế tới 4,1 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục mà DSC chưa từng ghi nhận trong vài năm trở lại đây. Theo giải trình từ DSC thì nguyên nhân gây lỗ là bởi chi phí từ đánh giá chênh lệch tài sản chính FVTPL tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Việc ghi nhận quý II thua lỗ kỷ lục đã kéo lùi kết quả đạt được trong quý I. Kết thúc quý II năm 2022, Chứng khoán DSC ghi nhận doanh thu luỹ kế đạt 58 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9,7 tỷ đồng.

Tổng tài sản trong kỳ ghi nhận đạt 2.077,5 tỷ đồng (tại ngày 30/6/2022), tăng 14,8% so với thời điểm đầu năm. Phần tăng chủ yếu đến từ vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn. Cụ thể thì trong nửa đầu năm 2022, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của DSC đã tăng từ 773,9 tỷ đồng lên mức 1.033,3 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 33,5%. Các khoản nợ của Chứng khoán DSC chủ yếu là vay nợ từ ngân hàng với 3 đơn vị chính là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Hà Nội với 399 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Chương Dương với 242,4 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Hồ với 379,4 tỷ đồng. Tổng cộng khoản nợ vay ngắn hạn với 3 ngân hàng ghi nhận tới 1.020,8 tỷ đồng.