'Cuộc chiến' khí đốt với Nga khiến EU 'co ro', châu Âu thu được gì từ một mùa Đông đắt đỏ?

Việc tách khỏi khí đốt Nga có thể khiến châu Âu 'co ro' trong mùa Đông tới và nhiều nhà kinh tế tin rằng, khu vực này sẽ bị suy thoái, chủ yếu do chi phí năng lượng cao. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói, cách duy nhất là thoát khỏi bất kỳ sự phụ thuộc nào!
'Cuộc chiến' khí đốt Nga-châu Âu: EU nỗ lực tìm lối thoát. (Nguồn: Reuters)

'Cuộc chiến' khí đốt Nga-châu Âu: EU nỗ lực tìm lối thoát. (Nguồn: Reuters)

Nỗ lực "thoát ly" khí đốt Nga

Trong năm qua, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp 8 lần, đứng ở mức 340 Euro (tương đương 345 USD)/megawatt giờ vào tháng 8. Trong khi đó, giá điện đã tăng gấp 3 lần trong năm nay, chủ yếu do giá hydrocacbon tăng.

EU đã cấm nhập khẩu than của Nga vào tháng 4/2021 để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Tiếp đó là lệnh cấm đối với dầu Nga. Tuy nhiên, khối này không cấm khí đốt - thứ khiến châu Âu gặp khó trong thời gian qua.

Biết được điểm yếu này, Moscow đã đe dọa sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, trừ khi EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt và ngừng giao vũ khí cho Ukraine.

Ngày 28/8, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp khí đốt với khối lượng đã được ký hợp đồng ngay bây giờ. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ phụ thuộc vào lập trường của các nước châu Âu.

Nếu các khoản thanh toán bị cấm, việc giao các tuabin đã sửa chữa gặp khó, quy trình hoạt động của Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) bị gián đoạn thì nguồn cung khí đốt có thể sẽ không đạt khối lượng như các nước phương Tây mong đợi".

Trước đó, ngày 22/2, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân vào miền Đông Ukraine, Đức đã tạm dừng quá trình cấp giấy chứng nhận cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 mới được xây dựng. Đường ống này dự kiến cung cấp 55 tỷ m³ khí đốt cho Berlin mỗi năm.

Bên cạnh đó, phía Moscow cho rằng, các lệnh trừng phạt đã ngăn cản tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đức - Siemens cung cấp cho Nga các tuabin máy nén khí của Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sau khi bảo trì.

Điện Kremlin đã giảm một nửa khối lượng khí đốt chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1 hai lần, vào ngày 15/6 và ngày 27/7, trước khi thông báo sẽ đóng cửa hoàn toàn vô thời hạn vào ngày 3/9. Sau mỗi lần Nga 'ra đòn', giá khí đốt ở châu Âu tại tăng một nấc mới.

Các nhà lãnh đạo châu lục bác bỏ lời giải thích của Nga rằng, những khó khăn về mặt kỹ thuật đã dẫn đến việc Dòng chảy phương Bắc 1 ngừng hoạt động.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói hồi tháng 7: "Cuộc chiến khí đốt của ông Putin chống lại châu Âu là sự tiếp nối trực tiếp với chiến dịch quân sự tại Ukraine. Cách duy nhất là đánh trả mạnh mẽ và thoát khỏi bất kỳ sự phụ thuộc nào".

Mùa Đông lạnh giá sắp đến

Việc tách khỏi khí đốt Nga có thể khiến châu Âu "co ro" trong mùa Đông tới và nhiều nhà kinh tế tin rằng, khu vực này sẽ bị suy thoái, chủ yếu do chi phí năng lượng cao.

Jonathan Stern, người đứng đầu Viện Năng lượng Oxford nhận định: “Châu Âu không có đủ khí đốt, dù các kho dự trữ đã được lấp đầy 85%.

Vấn đề là liệu EU có thể lấy khí đốt từ nơi dự trữ đến nơi cần thiết hay không. Ví dụ, Pháp không thể cung cấp khí đốt cho Đức vì không đủ công suất giữa các cảng".

Hiện tại, dù Dòng chảy phương Bắc 1 đóng cửa, khí đốt Nga vẫn chảy qua đường ống Yamal qua Ukraine và đường ống TurkStream chạy dưới Biển Đen đến châu Âu.

Michalis Mathioulakis, Trưởng nhóm nghiên cứu của Diễn đàn Năng lượng Hy Lạp cho hay, nếu mất hoàn toàn hai dòng chảy khí đốt kể trên, vấn đề trở nên tồi tệ hơn rất nhiều đối với châu lục này.

Ông Mathioulakis nói: “Khoảng 10 tỷ m³ khí đốt/năm vẫn đang chảy qua đường ống TurkStream. Dòng chảy khí đốt qua Ukraine cũng đang hoạt động với công suất khoảng 50-60%.

Qua đó, chúng tôi nhận được khoảng 25 tỷ m³ khí đốt/năm. Nếu hai dòng chảy này ngừng hoạt động, chúng tôi sẽ không thể tìm được giải pháp thay thế".

Để thay thế khí đốt Nga, EU tích cực mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mỹ hứa sẽ tăng cường xuất khẩu LNG sang châu Âu. Tuy nhiên, nguồn cung LNG trên toàn cầu đã quá tải bởi nhu cầu tăng vọt sau đại dịch và một số nước EU không có cơ sở nhập khẩu LNG.

Mất khí đốt Nga, châu Âu tìm thấy sự đồng lòng?

“Nga không còn là một đối tác năng lượng đáng tin cậy nữa”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 4/9.

Ba ngày sau, ông nói với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) rằng: “Sự phụ thuộc vào năng lượng của một nhà cung cấp như vậy không được tồn tại nữa. Chúng ta phải đủ năng lực để có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác bất cứ lúc nào".

Vào tháng 5, Nga đã cắt giảm dòng khí đốt đến Phần Lan và Bulgaria, với lý do hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng Ruble.

Minna Ålander, một chuyên gia về Bắc Âu tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức ở Berlin dẫn lời người phát ngôn Quốc hội Phần Lan cho hay: "Một khi nguồn cung khí đốt cắt, Phần Lan sẽ không có hứng thú để mở lại. Đó là sự mất mát của Nga".

Dù biết phải đối mặt với muôn trùng khó khăn nhưng đến gần cuối tháng 6, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí rằng, thời của năng lượng giá rẻ đã không còn nữa và tăng cường chuẩn bị cho việc Moscow cắt giảm thêm nguồn cung.

Sau đó, các nước liên tục đưa ra những biện pháp "chưa từng có tiền lệ" để nỗ lực thoát khí đốt Nga.

Khu vực cũng đã đạt được một thỏa thuận chính trị về việc tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt tự nhiên so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021, trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023.

Các biện pháp được áp dụng như giảm tiêu thụ khí đốt trong ngành điện, khuyến khích chuyển đổi nhiên liệu trong công nghiệp, các chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia, các nghĩa vụ giảm nhiệt có mục tiêu...

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua một sự “kết hợp chưa từng có” giữa trợ cấp năng lượng và các biện pháp tài chính nhằm giúp châu lục này ít phụ thuộc hơn vào than, dầu và khí đốt của Nga.

Tuần trước, những người đứng đầu chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu về vấn đề trợ cấp điện và khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong mùa Đông này trong bối cảnh giá cả tăng vọt.

EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu đề xuất giới hạn giá trên mức trợ cấp. Các chính phủ sẽ phải "trả giá" bằng cách thu lại lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất điện và nhập khẩu khí đốt.

Một số thành viên EU bắt đầu đưa ra các dự luật trợ cấp. Đơn cử như Hy Lạp cam kết chi 6,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để trợ cấp tiền điện cho người dân. Còn Đức dự báo sẽ chi khoảng 2,6% GDP cho vấn đề này.

Mùa Đông tới có thể sẽ rất tốn kém đối với châu Âu, nhưng có lẽ điều khu vực này tìm được là sự đồng lòng.