Cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường tiền điện tử kéo dài tới khi nào?

Sau khi Luna, 3AC và FTX sụp đổ, những góc khuất đằng sau các 'đế chế' tỉ USD của ngành công nghiệp tiền điện tử mới được phát lộ, kích hoạt một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với thị trường crypto.
 Cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường tiền điện tử kéo dài tới khi nào?

Cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường tiền điện tử kéo dài tới khi nào?

'Mùa đông crypto' đang trải qua những ngày tháng khắc nghiệt chưa từng có. Một loạt các dự án và công ty khổng lồ trong ngành công nghiệp tiền điện tử (crypto) đã sụp đổ nhanh chóng, 'thổi bay' hàng trăm tỉ USD của các nhà đầu tư.

Đầu tháng 5/2022, cộng đồng đầu tư tiền điện tử đã chứng kiến sự sụp đổ của hệ sinh thái Luna với việc đồng stablecoin hàng đầu TerraUSD (UST) để mất mốc neo tỉ giá 1:1 so với USD.

'Cú sốc' Luna đã khiến Three Arrows Capital (3AC) – quỹ đầu cơ tiền số lớn nhất thế giới – tới bờ vực phá sản chỉ sau ít tháng. Và mới đây nhất, sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới FTX cũng đã bất ngờ sụp đổ. Dù chỉ ít tháng trước đó, nhà sáng lập FTX Sam Bankman – Fried từng được ca ngợi như vị cứu tinh của ngành công nghiệp tiền điện tử.

Sau sự sụp đổ của Luna, 3AC và FTX, câu hỏi đặt ra là tính minh bạch và đạo đức của những nhà điều hành của các 'đế chế' tỉ USD này ở đâu (?).

Chỉ khi các dự án trên đứng trên bờ vực phá sản thì các nhà đầu tư mới được biết những 'góc khuất' đằng sau. Sự đổ vỡ nhanh đến nỗi các nhà đầu tư gần như không có cơ hội để thoái lui khi mà không có một chút tín hiệu xấu nào trước đó.

Điều này đặt ra một câu hỏi rất lớn về tính minh bạch của các dự án trong thế giới crypto.

Sự sụp đổ của FTX làm chao đảo thị trường tiền điện tử (Ảnh: WSJ)

Sự sụp đổ của FTX làm chao đảo thị trường tiền điện tử (Ảnh: WSJ)

Các nhà sáng lập (founder) thường vẽ ra một bức tranh tươi sáng với sự tư do và minh bạch cho tất cả những người tham gia, nhưng thực tế lại đang hoàn toàn đi ngược lại.

Vấn đề có lẽ là do ngành công nghiệp tiền điện tử không tồn tại một cơ quan quản lý, giám sát nào để kiểm soát tính minh bạch và dòng tiền của các dự án. Chúng ta không biết những đồng tiền thực sự được dùng vào mục đích gì và còn bao nhiêu trong dự án. Nhà đầu tư chỉ biết đặt niềm tin vào uy tín của founder và đội ngũ điều hành. Đó là một cơ chế quá lỏng lẻo và thiếu bền vững.

Tiếp đến là vấn đề đạo đức của các nhà sáng lập.

Cả 3 dự án đều mang đến sự thất vọng cho nhà đầu tư khi mà các nhà sáng lập gần như không hề nỗ lực để giải cứu đứa con đẻ của chính mình mà chỉ tìm cách lo cho bản thân.

Bằng chứng là đều có những lệnh chuyển tiền khổng lồ bí ẩn cũng như sự tháo chạy nhanh chóng. Cả Do Kwon (nhà sáng lập của Luna) cũng như Su Zhu (nhà sáng lập của 3AC) đều đã nhanh chóng tìm nơi ẩn náu.

Điều này dấy lên nghi ngờ là liệu có phải là họ đã biết được kết cục này từ lâu và đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn hay không (?).

Nếu điều này là sự thực. Đồng nghĩa, những nhà sáng lập này đều biết chắc chắn sẽ đến một ngày sự sụp đổ xảy ra và như thế toàn bộ dự án chỉ là một vụ lừa đảo, không hơn không kém.

Một thị trường mà vận hành chủ yếu bởi niềm tin của nhà đầu tư vậy mà thực tế lại đang mang đến điều hoàn toàn ngược lại. Sự thiếu đạo đức của những con người này đang bào mòn niềm tin vào một thế giới phi tập trung, tự do, bình đẳng và minh bạch.

Ngành công nghiệp tiền điện tử có thể sẽ lại bước vào một 'mùa đông crypto' ảm đạm. Để rồi, không biết bao lâu nữa niềm tin mới quay trở lại (?!)./.