Đà Nẵng hội tụ nhiều lợi thế phát triển ngành logistics

Với vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, thành phố Đà Nẵng đang có nhiều tiềm năng để phát triển ngành logistics.

Nói về tiềm năng phát triển ngành logistics tại Đà Nẵng, ông Phan Thái Bình, Phó phòng Kế hoạch đầu tư – Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho hay, địa bàn thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển ngành logistics. Đồng thời, Đà Nẵng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với đầy đủ các loại hình, đầu mối giao thông quan trọng.

Với vị trí này, Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với sự phát triển của hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam với Thái Lan, Myanma, Lào khiến dịch vụ du lịch và logistics ngày càng tăng.

Theo ông Bình để phát triển cơ sở hạ tầng đúng tiềm năng, thành phố đã không ngừng đầu tư, nâng cấp các cảng biển tại Đà Nẵng, để nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 13%/năm; năm 2019 sản lượng đã đạt 10,46 triệu tấn, có hơn 30 hãng tàu container lớn trên thế giới đang cập cảng với tần suất trung bình hơn 25 chuyến/tuần

Cụ thể, cảng Đà Nẵng đã đưa vào khai thác 2 cầu tàu mới nâng tổng số mét cầu bến của Cảng Đà Nẵng lên 1.700 mét; trang bị hệ thống 2 cần cẩu QCC; tăng năng lực tiếp đón được tàu container đến 50.000 DWT, tàu tổng hợp 70.000 DWT, tàu khách đến 150.000 GT. 

PANO00014_stitch

Cảng Tiên Sa thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Cảng Đà Nẵng).

Ngoài ra, Trung ương Đảng cũng đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW và Chương trình số 41-CTr/TU, để triển khai thực hiện chuyên đề “Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”, tạo các cơ chế cho Đà Nẵng phát triển các ngành mũi nhọn.

Ông Trần Phước Hồng, Giám đốc công ty Danalog Đà Nẵng cho hay, dù cơ sở hạ tầng và quy mô của cảng Đà Nẵng còn hạn chế so với các cảng của Hải Phòng và TP.HCM, nhưng danh tiếng của cảng này đã có từ nhiều năm trước. Do đó, Đà Nẵng đang thêm một lợi thế để phát triển.

Ngoài ra, các công ty nước ngoài thường sử dụng những cảng biển đã biết, để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hòa và tránh rủi ro trong quá trình vào cảng. Trừ trường hợp là mặc hàng đặc thù, những công ty nước ngoài đó mới cử chuyên gia đến khảo sát, nghiên cứu, đưa ra những phương án hợp lý.

“Khi doanh nghiệp Singapore muốn chuyển một lô hàng qua Lào, họ sẽ chọn những cảng của Việt Nam đã biết, thay vì cảng chưa có danh tiếng. Bởi họ lo việc lô hàng đó phải được chuyển đến địa điểm nhận hàng đúng thời hạn, để không phải phát sinh thêm nhiều chi phi” ông Trần Phước Hồng chia sẻ.

Liên quan đến việc phát triển ngành logistics tại Đà Nẵng, Sở Công thương cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nguồn vốn đầu tư khoảng 13.695 tỷ đồng.

Theo đó, đến năm 2045, thành phố sẽ xây dựng trung tâm logistics cấp tỉnh và các trung tâm logistics cấp vùng, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, với 1 đường sắt đơn khổ lồng kết nối trực tiếp với ga hàng hóa đường sắt Kim Liên mới với trung tâm cảng Liên Chiểu, đảm bảo kết nối giữ cảng biển với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển trong hệ thống vận tải quốc gia.

Đà Nẵng sẽ xây dựng mới một tuyến đường bộ kết nối cảng Liên Chiểu với Quốc lộ 1A phía Nam hầm Hải Vân. Đồng thời, địa phương cũng sẽ tiến hành xây dựng các đường kết nối các trung tâm logistics Hòa Nhơn, khu công nghệ cao, đường sắt với các trục giao thông đối ngoại.