Đại chiến châu Âu - Nam Mỹ phân định ngai vàng World Cup

Hai cặp tứ kết đầu tiên của World Cup 2022 là cuộc đấu giữa những đại diện của bóng đá châu Âu, gồm Hà Lan và Croatia, đụng độ hai đội bóng Nam Mỹ Argentina và Brazil.

Khác biệt về phong cách

Mọi hy vọng của bóng đá Nam Mỹ và phần còn lại của thế giới vào lúc này đặt hết vào 2 đội Argentina và Brazil. Trong nhóm các đội còn hiện diện cho đến giai đoạn này của World Cup 2022, có thêm đại diện châu Phi - Morocco, nhưng kỳ vọng dành cho Morocco thật ra không lớn.

Các cặp đấu giữa Argentina - Hà Lan và Brazil - Croatia sẽ bước đầu phân định quyền lực của bóng đá thế giới, giữa 2 lục địa phát triển bóng đá nhất hành tinh, giữa châu Âu và Nam Mỹ.

Đại chiến châu Âu - Nam Mỹ phân định ngai vàng World Cup - 1

Lần gần nhất Argentina và Hà Lan chạm trán nhau là tại bán kết World Cup 2014 (Ảnh: Getty).

Đặc biệt, cặp đấu giữa Hà Lan và Argentina gợi lại rất nhiều kỷ niệm giữa 2 nền bóng đá nhiều duyên nợ này. 2 đội từng gặp nhau 5 lần tại World Cup, Argentina thắng 2 lần (1978, 2014), Hà Lan thắng 2 lần (1974, 1998), trận còn lại 2 đội hòa nhau (2006).

Trong đó, Argentina từng thắng Hà Lan ở trận đấu quan trọng nhất tại các kỳ giải vô địch bóng đá thế giới: Trận chung kết năm 1978.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự giao thoa giữa các nền văn hóa, giúp các đội bóng trên thế giới dễ dàng tiếp cận lối chơi của nhau. Ngày nay, khác biệt về lối chơi giữa các đội Nam Mỹ và các đội châu Âu không còn rõ rệt như trước.

Rất khó nói giữa cầu thủ Nam Mỹ và cầu thủ châu Âu vào lúc này, cầu thủ ở đâu nhỉnh hơn về mặt kỹ thuật, trừ trường hợp quá đặc biệt như Lionel Messi của Argentina (nhưng bản thân Messi cũng đã sang châu Âu từ nhỏ, được đào tạo tại châu Âu).

Đại chiến châu Âu - Nam Mỹ phân định ngai vàng World Cup - 2

Messi còn cách ngôi vô địch World Cup 3 trận đấu nữa (Ảnh: Sky Sport).

Cũng rất khó nói giữa các đội bóng Nam Mỹ và các đội bóng châu Âu, nơi đâu chơi chặt chẽ hơn. Vì khi cần, ngay cả Brazil hay Argentina cũng có thể chơi thiên hẳn về phòng ngự để bảo toàn cách biệt, không khác các đội bóng châu Âu.

Tuy nhiên, khác biệt trong phong cách vẫn còn. Ví dụ cầu thủ Nam Mỹ, cụ thể là cầu thủ đến từ Argentina, Brazil có chất "quái" rất lớn. Khó mà tìm thấy cầu thủ nào tại châu Âu ngã vờ giỏi, "đóng kịch" giỏi như Neymar của Brazil, hoặc khó mà tìm thấy trung vệ nào tại châu Âu vừa có thể vào bóng rất mạnh với đối phương, nhưng mặt vẫn tươi cười như Otamendi của Argentina.

Ngược lại, người Nam Mỹ có tập luyện cỡ nào đi chăng nữa vẫn không chơi bóng bổng thiện chiến như cầu thủ châu Âu. Nguyên nhân do cầu thủ Nam Mỹ vẫn thích nhồi bóng trên mặt sân hơn là tấn công đơn giản bằng cách đường chuyền bổng vào khu vực 16m50 của đối thủ.

Thời điểm tung đòn đóng vai trò quyết định

Cuộc chiến giữa châu Âu và Nam Mỹ, hay cụ thể là các cuộc đấu của Argentina - Hà Lan, Brazil - Croatia là cuộc đấu mà một bên sẽ cố gắng dùng điểm mạnh của mình, khoét vào điểm yếu nhất của đối phương. Kỳ thực, các điểm mạnh lẫn điểm yếu này đã lộ hẳn ra cho đến trước vòng tứ kết.

Đại chiến châu Âu - Nam Mỹ phân định ngai vàng World Cup - 3

Cầu thủ Brazil vừa hay vừa quái (Ảnh: Getty).

Argentina yếu nhất ở khâu chống bóng bổng sẽ đối đầu với một trong những đội bóng cao lớn nhất tại World Cup 2022, Hà Lan, với dàn cầu thủ chơi bóng bổng rất giỏi, gồm tiền đạo Cody Gakpo (1m93), Wout Weghorst (1m97), trung vệ Virgil van Dijk (1m95), Matthijs de Ligt (1m89), hậu vệ phải Denzel Dumfries (1m88).

Ngược lại, Argentina sẽ tấn công vào điểm yếu ít thay đổi với bộ khung và lối chơi gần như bất di bất dịch của Hà Lan, dưới thời HLV nổi tiếng bảo thủ Louis Van Gaal: 5-3-2 hoặc 3-5-2 khi tấn công. Argentina thừa hiểu trong lối chơi này, họ cần bịt chặt 2 cánh của Hà Lan, để làm giảm uy lực của "cơn lốc màu da cam".

Với cặp đấu Croatia - Brazil, đội bóng châu Âu chơi rất chặt chẽ, họ chưa hề thua từ đầu giải đến giờ, nhưng thực tế cũng chỉ mới thắng 1 trận duy nhất trong giờ thi đấu chính thức, đó là thắng đội bóng ít kinh nghiệm Canada (4-1) tại vòng bảng.

Đại chiến châu Âu - Nam Mỹ phân định ngai vàng World Cup - 4

Croatia chưa hề thua từ đầu vòng bảng, nhưng cũng chỉ mới thắng 1 trận trong giờ thi đấu chính thức (Ảnh: Getty).

Croatia không có trung phong giỏi, nhưng trận đấu với Brazil là trận đấu mà Luka Modric và các đồng đội không nhất thiết phải tấn công, vì khả năng cao Brazil sẽ làm điều này thay họ. Về lý thuyết, Brazil có thể làm được những gì mà đội bóng yếu hơn Nhật Bản đã làm được Croatia khiến hàng thủ Croatia rối loạn bằng các pha di chuyển linh hoạt rồi ghi bàn.

Ngược lại, Croatia cũng có thể thực hiện những gì mà Cameroon từng thành công trước Brazil: "Ru ngủ" đội bóng 5 lần vô địch thế giới, trước khi đánh gục Brazil bằng một đòn duy nhất.

Vấn đề là thời điểm tung đòn. Đấy cũng không phải là chuyện riêng của Croatia. Tất cả các đội bóng tham dự cuộc "đại chiến" châu Âu - Nam Mỹ đêm mai đều như thế cả. Điểm mạnh, điểm yếu của đối phương đều đã được các bên nghiên cứu kỹ, giờ quan trọng là tung đòn như thế nào và tung đòn vào lúc nào?

Chưa chắc tung đòn sớm đã có lợi, nếu khi đó đối phương vẫn còn phòng bị và vẫn còn cơ hội phản đòn. Điểm này sẽ phân biệt tài cầm quân của các HLV, đánh đối thủ ở thời điểm họ yếu nhất, sơ hở nhất, đánh phải trúng, đã đánh phải chắc thắng là cả một nghệ thuật!

Đại chiến châu Âu - Nam Mỹ phân định ngai vàng World Cup - 5