'Đại dịch cô đơn' sau Covid-19

Tổng kết năm 2021, Hàn Quốc có 6,64 triệu hộ độc thân, tăng gấp 1,23 lần so với năm 2016 (5,39 triệu) và chiếm 31,7% tổng số hộ cả nước.
Tỷ lệ tự vẫn ở độ tuổi 20 tại Hàn Quốc đặc biệt cao, căn nguyên chủ yếu do vấn đề sức khỏe tinh thần.

Tỷ lệ tự vẫn ở độ tuổi 20 tại Hàn Quốc đặc biệt cao, căn nguyên chủ yếu do vấn đề sức khỏe tinh thần.

Mặc dù, tỷ lệ tự tử nói chung giảm xuống, lượng thanh, thiếu niên tự vẫn lại gia tăng. Đa phần là người sống một mình. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang chứng kiến hiện tượng “chết cô độc” tương tự như kodokushi ở Nhật Bản.

Cô đơn gia tăng

Thập kỷ 2010, giới trẻ Hàn Quốc gây chấn động châu Á với trào lưu lối sống mới: YOLO (You Only Live Once – Bạn chỉ sống một lần), đề cao “độc thân vui vẻ”, phá vỡ truyền thống “thành gia, lập nghiệp” gò bó. Với tư duy YOLO, thanh, thiếu niên hăm hở chuyển ra khỏi nhà cha mẹ, sống một mình. Những trung niên, lão niên muốn tự do cũng không ngại YOLO. Kết quả, lượng hộ độc thân tăng chóng mặt.

Theo thống kê, năm 2016, Hàn Quốc chỉ có 5,39 triệu hộ độc thân thì đến năm 2021, con số này tăng lên 6,64 triệu, tức là thêm hẳn 1,25 triệu. Ai nấy đều tưởng “độc thân là nhất”, không ngờ cái nhất thật sự lại chỉ là cảm giác cô đơn.

Tháng 12/2021, Viện Nghiên cứu Gallup Hàn Quốc kết hợp với tờ Seoul Shinmun, thực hiện cuộc khảo sát trên 1.008 người trưởng thành khắp cả nước. Họ đặt ra câu hỏi “Bạn có cảm thấy cô đơn hơn không?” và nhận được 45,9% câu trả lời là có.

Báo cáo khác từ Viện Thống kê Hàn Quốc thì cho thấy, cảm giác cô đơn ở nam giới đã tăng từ 19,6% (năm 2019) lên 21,2% (năm 2021). Cùng thì, cảm giác cô đơn ở nữ giới tăng từ 21,5% lên 23,4%.

Trước đó, vào năm 2018 – thời điểm đỉnh cao của YOLO, Viện Hankook đã thực hiện khảo sát cảm giác độc thân ở người sống một mình và có gia đình. Kết quả, 41% người độc thân thường xuyên cảm thấy cô đơn, còn người có gia đình thì chỉ 18%.

Sống độc thân không quá vui vẻ như giới trẻ cuồng YOLO ảo tưởng.

Sống độc thân không quá vui vẻ như giới trẻ cuồng YOLO ảo tưởng.

“Sát thủ” thầm lặng

Đầu tháng 8/2022, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ công bố báo cáo nghiên cứu đáng sợ về cô đơn. Đó là nó làm tăng nguy cơ tử vong do đau tim và đột quỵ. “Có bằng chứng đáng tin cậy chỉ ra, cô đơn liên kết chặt chẽ với sức khỏe tim mạch và trí não. Nó khiến nguy cơ tử vong do tim mạch tăng 29% và tử vong do đột quỵ tăng 32%”, Crystal Cenem, Chủ tịch hiệp hội này cho biết.

Năm 2020, báo cáo y khoa từ Vương quốc Anh cũng nhấn mạnh mối tương quan giữa cô đơn và sức khỏe. “Cô đơn và bị cô lập làm phát sinh cảm giác cô độc, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động lên sức khỏe thể chất, tâm lý, thậm chí cả tuổi thọ của con người”, các nhà nghiên cứu viết. “Nói tóm lại, cô đơn có thể giết chết chúng ta”, họ đưa ra kết luận.

Tháng 6/2022, Bộ Y tế Hàn Quốc báo cáo tình trạng tự tử. Họ cho biết, số lượng người tự tử năm 2020 là 13.195, giảm 604 so với năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ tự tử ở nữ giới lại gia tăng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi 20. Cũng trong năm 2020, trung bình mỗi ngày, Hàn Quốc có 2 thanh, thiếu niên tuổi từ 9 – 24 tự sát. Theo phân tích từ cơ quan cảnh sát, căn nguyên lớn nhất dẫn tới hành vi tự sát là vấn đề sức khỏe tâm thần.

Cần lập “Bộ cô đơn”

Hàn Quốc luôn đứng đầu nhóm OECD (hiện đang có 30 quốc gia) về tỷ lệ tử vong do tự tử. Năm 2020, họ tiếp tục đứng đầu với con số 25,4/100.000 người, bỏ xa Nhật Bản (14,6/100.000).

Trong nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), Anh xếp thứ 5 về tỷ lệ tử vong do tự vẫn, với 8,5/100.000 người. Từ năm 2018, Thủ tướng lúc bấy giờ là Theresa May (1956) đã lập văn phòng và đề bạt trưởng phòng cấp bộ trưởng để giải quyết vấn đề cô đơn trong nước. Hiện, văn phòng này nằm trong Bộ Văn hóa và Thể thao, do Bộ trưởng Bộ Thể thao Nigel Huddleston đảm nhiệm.

Nhật Bản xếp thứ 4, sau Hàn Quốc, Lithuania (20,3/100.000) và Slovenia (15,7/100.000) nhưng cũng đã lập “Bộ cô đơn” vào năm 2021, hiện do thành viên nội các Tetsushi Sakamoto phụ trách. Nhiệm vụ của bộ đặc thù này là giảm bớt tình trạng cô đơn và đối phó với vấn đề tử vong do tự tử ngày càng gia tăng.

Năm 2018, sau khi nghe Anh quốc lập “Bộ cô đơn”, Hàn Quốc cũng trưng cầu ý dân để mở bộ tương tự. Kết quả, 46% người tham gia trả lời thăm dò từ chối thẳng thừng, 14% không đưa ra lựa chọn và chỉ 40% đồng thuận. Nó cho thấy, người dân Hàn Quốc không muốn chính phủ can dự vào vấn đề xã hội này.

Ngày 28/6/2022 tại Gangseo-gu, Seoul, cư dân thủ đô phát hiện 1 đàn ông độc thân, 50 tuổi đã chết tại nhà riêng. Trong nhà của người chết một mình này là chiếc tủ lạnh trống rỗng, bồn rửa đầy bao bì mì gói và sàn vương vãi hóa đơn chưa thanh toán.

Trên toàn Hàn Quốc, trường hợp chết một mình như nói trên đang xuất hiện khắp nơi. “Đã đến lúc, Hàn Quốc phải đối mặt và giải quyết tình trạng cô đơn như một vấn đề xã hội”, Hạ sĩ Noh Woong-rae kêu gọi. “Cần có một cuộc thảo luận cấp nhà nước về cô đơn và biện pháp đối phó cũng như giải pháp khắc phục”, Woong-rae nói tiếp.