Đại gia gạch Hưng Yên liên tiếp bị ngân hàng siết nợ

Ngân hàng Agribank vừa rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư Royal Việt Nam vay vốn tại Agribank Chi nhánh Hưng Yên II và một loạt doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp nợ xấu hàng trăm tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Royal Việt Nam do ông Nguyễn Đức Toan làm Chủ tịch HĐQT và đại diện theo pháp luật, địa chỉ tại Hưng Yên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, gốm sứ.

Năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Royal Việt Nam từng không ít lần bị phản ánh về việc sản xuất gạch gây ra khói bụi khiến hàng trăm hộ dân ở Hưng Yên xung quanh nhà máy chịu thiệt hại lớn về mùa màng nhưng không được công ty bồi thường.

Trong thông báo về khoản nợ mới nhất của công ty, Agribank đấu giá khoản nợ với giá trị ghi sổ tạm tính đến 20/7 là 15,424 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc 10,766 tỷ đồng, nợ lãi 4,657 tỷ đồng.

Mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là 15,424 tỷ đồng. Giá khởi điểm này chưa bao gồm thuế và các loại phí, lệ phí chuyển quyền sở hữu, sử dụng và các loại phí khác.

Người trúng đấu giá có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc Thuế thu nhập cá nhân, chi phí làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng và các loại lệ phí khác mà pháp luật quy định người mua và người bán có trách nhiệm phải nộp.

Được biết, khoản nợ này được hình thành từ 3 hợp đồng tín dụng do Công ty Cổ phần Đầu tư Royal Việt Nam ký với Agribank Chi nhánh Hưng Yên II vào năm 2016 và được thế chấp bởi 5 loại máy móc thiết bị với tổng giá trị tài sản đảm bảo được định giá hơn 19 tỷ đồng.

Trước đó, liên tục từ năm 2018 đến 2020 Agribank và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã rao bán khoản nợ xấu của công ty này.

Tại thời điểm năm 2018, có 7 tài sản đảm bảo của công ty này được Agribank rao bán bao gồm các hệ thống máy móc, công trình xây dựng trên đất, hàng tồn kho với giá khởi điểm hơn 133 tỷ đồng để xử lý thu hồi nợ.

Cũng trong năm 2018, VietinBank rao bán đấu giá khoản nợ 82,170 tỷ đồng (dư nợ gốc 74 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư Royal Việt Nam. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này gồm dây chuyền sản xuất gạch ốp lát và một số máy móc thiết bị đơn lẻ, như: Trạm than, máy xúc, đào, ủi, máy phát điện, máy nén khí, phòng thí nghiệm, máy ép, hệ thống quả nghiền, bể khuấy, hệ thống truyền men và in ấn, hệ thống lò nung đồng bộ…

Tuy nhiên, VietinBank đã không thể đẩy đi được món nợ này và phải tiếp tục rao bán khoản nợ trên vào năm 2020 sau khi số nợ đã phát sinh lên 98 tỷ đồng.

Loạt khoản nợ xấu của các doanh nghiệp khác cũng được ngân hàng này đang rao bán. Điển hình như khoản nợ hơn 141 tỷ đồng và 3,7 triệu USD của Công ty Cổ phần Năng lượng Someco 1 vay tại Agribbank – Chi nhánh Lạng Sơn.

Hai khoản vay này được Someco 1 vay từ năm 2009, trong đó đáng chú ý khoản vay 141 có dư nợ gốc đến 31/12/2020 là 113,70 tỷ đồng nhưng số nợ lãi đã lên đến 116,865 tỷ đồng. Trong khi khoản nợ 3,7 triệu USD có dư nợ gốc 666 nghìn USD và lãi 437 nghìn USD.

Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là công trình thủy điện Bắc Giang (bao gồm các hạng mục kiến trúc công trình, máy móc thiết bị, tư vấn giải phòng mặt bằng.... cấu thành nên dự án thủy điện Bắc Giang và các quyền khai thác, sử dụng công trình thủy điện và các quyền khai thác theo quy định của pháp luật đối với dự án thủy điện Bắc Giang) tại bản Đống Mác, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

Mới đây nhất, ngày 25/8, Agribank rao bán khoản nợ trị giá 76 tỷ đồng của CTCP Hoàng An (Thôn An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) với loạt tài sản thế chấp được định giá 70 tỷ đồng gồm quyền sử dụng đất và các loại thiết bị máy móc khác.