Từ 29/12/2021 – 29/3/2022, CTCP Tập đoàn Đầu tư và quản lý Giáo dục Văn Lang (Tập đoàn Giáo dục Văn Lang - VLG) đã phát hành thành công 22 triệu trái phiếu mã VLGCH2124001, kỳ hạn 36 tháng để thu về 2.200 tỷ đồng. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng và có quyền chuyển đổi với tỷ lệ 1:5 (1 trái phiếu đổi thành 5 cổ phiếu). Điều này đồng nghĩa mỗi cổ phiếu của Công ty Giáo dục Văn Lang có giá 20.000 đồng.
Tập đoàn Giáo dục Văn Lang được thành lập vào ngày 21/2/2017, có trụ sở chính đặt tại số 45 Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, TP.HCM, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 2 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập: Ông Nguyễn Cao Trí, ông Nguyễn Đắc Tâm, ông Lê Ngọc Sơn và ông Bùi Quang Độ. Mỗi cổ phần của công ty có mệnh giá 10.000 đồng.
Đến tháng 12/2020, ông Nguyễn Cao Trí mới chính thức lãnh đạo VLG, với việc đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Bùi Quang Độ. Khi ấy, VLG vừa hoàn thành xong việc tăng vốn điều lệ từ 404,7 tỷ đồng lên 445,07 tỷ đồng.
Tập đoàn Giáo dục Văn Lang hiện là chủ sở hữu Trường Đại học Văn Lang, một trong những trường đại học tư nhân đầu tiên tại TP.HCM. Ông Nguyễn Cao Trí đang đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội đồng trường.
Mới “gom” 2.200 tỷ đồng từ kênh trái phiếu được hơn 1 tháng, ông Nguyễn Cao Trí lập tức chuyển đổi số trái phiếu này thành cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa, 22 triệu trái phiếu mã VLGCH2124001 trở thành 110 triệu cổ phiếu mệnh giá 20.000 đồng.
Trong khi đó từ ngày 5 – 19/5/2022, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang có 2 đợt tăng vốn từ 445,07 tỷ đồng lên mức 1.699,2 tỷ đồng (tăng thêm 1.254,13 tỷ đồng). Sau đợt tăng vốn, doanh nghiệp của ông Nguyễn Cao Trí sở hữu 1.698.196.900.000 cổ phần phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Vậy nhà đầu tư trái phiếu Tập đoàn Giáo dục Văn Lang có bị thiệt hay không, khi mà họ phải mua cổ phiếu VLG với giá 20.000 đồng? Cần phải biết rằng, công ty của ông Nguyễn Cao Trí không phải là công ty niêm yết, các kế hoạch tài chính không được công khai nên nhà đầu tư không có nhiều thông tin để kiểm chứng.
Ngoài Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, ông Nguyễn Cao Trí là ông chủ của ‘hệ sinh thái’ Capella Holdings.
Theo giới thiệu của Capella Holdings, năm 2015, công ty đã sở hữu tới 9 thương hiệu nổi tiếng trong các lĩnh vực: giải trí (Air 360 Sky Bar, Chill Bar, La Vie En Rose Live Music & Bar), trung tâm hội nghị tiệc cưới (Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Center), hệ thống nhà hàng Hoa, Nhật, Việt Nam (San Fu Lou, Sorae, Dì Mai). Trong đó, Chill Sky Bar (tòa nhà AB, Quận 1, Tp. HCM) và Air 360 Sky Lounge (Bến Thành Tower, Quận 1, TP. HCM) đều là những địa điểm ăn chơi có tiếng.
Vị thế trong lĩnh vực F&B và giải trí của Capella Holdings càng được khẳng định khi pháp nhân này đứng đằng sau thương vụ Công ty TNHH Chloe Hospitality nhận chuyển nhượng quyền quản lý “tòa lâu đài” Tajmasago và nhà hàng Cham Charm từ doanh nhân Hoàng Khải (Khải “Silk”) vào cuối năm 2018.
Giá trị chuyển nhượng không được công bố. Hai công trình trên từng được Tập đoàn Khaisilk đầu tư hơn 30 triệu USD. Sau khi tiếp quản 2 bất động sản này, Chloe Hospitality đã dần cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như ẩm thực cho những sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông… đến trình diễn sản phẩm.
Dù sở hữu hệ sinh thái đa dạng, song kết quả kinh doanh vài năm trở lại của nhóm doanh nghiệp của ông Nguyễn Cao Trí không mấy khả quan.
Giai đoạn 2017-2019, doanh thu thuần của Capella Holdings (công ty mẹ) có xu hướng giảm mạnh, từ 385 tỷ đồng năm 2017 về còn 84 tỷ đồng năm 2019. Lợi nhuận thuần theo đó cũng chỉ còn 442 triệu đồng trong năm ngoái. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty ở mức 1.166 tỷ đồng.
Còn với Chloe Hospitality, trong hai năm 2018 và 2019, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ, lỗ thuần 6,8 tỷ đồng và 27 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng tăng gấp 2,3 lần lên 136 tỷ đồng.