Đài Loan chặn lô mì Omachi nhập khẩu từ Việt Nam vì chứa chất cấm

Giới chức Đài Loan cho biết vừa phát hiện lô mì ăn liền Omachi nhập khẩu từ Việt Nam có chất cấm ethylene oxide và phải tiêu hủy.

omachi-la-mot-trong-hai-thuong-hieu-mi-chu-luc-cua-masan-consumer-1661331313.jpgOmachi là một trong hai thương hiệu mì chủ lực của Masan Consumer.

Cơ quan thông tấn chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) - CNA - vừa ra thông báo phát hiện lô mì ăn liền Omachi vị tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu ethylene oxide không phù hợp.

Theo đó, 1,44 tấn mì Omachi do Công ty TNHH Thiên Dụ (Qianyu Co., Ltd,) nhập khẩu từ Việt Nam được xác định có chứa chất ethylene oxide với hàm lượng 0,195 mg/kg trong gói bột nêm không đạt tiêu chuẩn. Toàn bộ lô hàng đã bị trả lại và tiêu hủy.

Ông Trần Khánh Du (Chen Qingyu), Trưởng phòng Quản lý Trung tâm Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quận Bắc, nói với CNA đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này vi phạm các quy định, nhưng đã có ba lô mì ăn liền được nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm quy định.

“Tới đây, tỷ lệ lấy mẫu đối với tất cả các loại sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác nhau nhập từ Việt Nam sẽ được tăng từ 20% lên 50%”, ông Trần Khánh Du nói.

Omachi là một trong hai thương hiệu mì chủ lực của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) – thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN), cùng với Kokomi. Năm 2021, doanh thu thuần của ngành hàng thực phẩm tiện lợi Masan Consumer đạt 8.629 tỉ đồng, tăng trưởng 25,4% so với năm 2020 (Omachi tăng 25,1% và Kokomi tăng 33,5%). Omachi và Kokomi cũng là 2/5 thương hiệu của MCH có doanh thu trên 2.000 tỉ đồng.

Masan nói gì?

Trao đổi với VietTimes, đại diện Masan cho biết tập đoàn đã nhận thông tin và đang tiến hành các bước xác minh cần thiết.

Bước đầu, Masan khẳng định Masan Consumer không bán hoặc xuất khẩu sản phẩm mì Omachi cho Nhà nhập khẩu Qianyu Co., Ltd, có trụ sở tại Đài Loan.

“Do luật pháp của mỗi nước khác nhau nên Masan Consumer sản xuất sản phẩm xuất khẩu riêng cho từng nước/khu vực và đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng của các nước sở tại”, đại diện Masan thông tin bước đầu.

Hãng cho biết sẽ xác minh và cung cấp thêm các thông tin cụ thể.

Lưu ý, ít tuần trước, nhà chức trách Đài Loan cũng đã bắt giữ và tiêu hủy một lô hàng mì ăn liền khác nhập khẩu từ Việt Nam, cũng với lý do tương tự.

Cụ thể, thông cáo của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) hôm 26/7 cho biết, lực lượng hải quan sở tại đã bắt giữ lô hàng do Công ty bán lẻ Simple Mart nhập khẩu từ Việt Nam, tổng trọng lượng 1.116 kg.

Theo FDA, dư lượng ethylene oxide được phát hiện trong một gói gia vị của một gói mỳ ăn liền thương hiệu JINRO RAMENJ INRO vào khoảng 63,729 phần triệu (ppm), vượt mức cho phép.

Hồi tháng 8/2021, mì Hảo Hảo, miến Good của Acecook Việt Nam và lô phở khô vị bò gà của CTCP Thực phẩm Thiên Hương xuất khẩu sang Châu Âu (EU) bị cũng Ireland cảnh báo và thu hồi do chứa ethylene oxide.

Trước thông tin này, Vụ Khoa học và Công nghệ đã cho rà soát lại các trường hợp bị cảnh báo. Theo đó, trong ba trường hợp bị cảnh báo chỉ có một trường hợp được xác định có hàm lượng ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU.

Trong khi đó, Bộ Công thương thành lập tổ kiểm tra dây chuyền sản xuất với ba nhóm sản phẩm mì ăn liền, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ yêu cầu kỹ thuật của từng thị trường trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa.

Ethylene oxide là một loại hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa ethylene oxide không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe nếu sử dụng trong một thời gian dài./.