Đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022: Bộ GD&ĐT điều chỉnh một số khâu kỹ thuật

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay có điều chỉnh thêm một số khâu về mặt kỹ thuật để đảm bảo chặt chẽ, an toàn.

Trao đổi với PV, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết:

Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn, bổ sung một số điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và tăng tính an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi như việc hướng dẫn học sinh liên quan COVID-19 được dự thi để lấy điểm xét tuyển ĐH, CĐ; thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến… Đặc biệt, Bộ có những điều chỉnh kỹ thuật ở khâu in sao đề thi, điện thoại cố định trong khu vực này sẽ phải có chức năng ghi âm toàn bộ các cuộc gọi trao đổi ra bên ngoài.

“Lưu ý các địa phương tuyên truyền, khẳng định rõ đề thi là tài liệu bí mật Nhà nước độ tối mật. Trong đó, đề thi trắc nghiệm hết thời gian làm bài, đề thi môn tự luận hết 2/3 thời gian làm bài mới hết độ tối mật. Do đó, cán bộ coi thi, thí sinh phải hiểu rõ và lưu ý khi vào phòng thi quá trình làm bài thi không nên mang thiết bị hay có hành vi làm lộ, lọt đề thi. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ngày 7-8/7 tới sẽ diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 ở 63 tỉnh, thành phố

Thí sinh không ý thức được việc lộ, lọt đề

Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định, thí sinh được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác); các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Ông Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05 (Bộ Công an) cũng cho biết, hiện tại vẫn tiềm ẩn nguy cơ thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. “Tội phạm dùng thủ đoạn hết sức tinh vi, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sử dụng nhiều loại thiết bị ghi âm, ghi hình từ bên trong kết nối bên ngoài phòng thi. Ví dụ như, thí sinh giấu tai nghe nhỏ như hạt đậu trong tai, dán camera cúc áo và khi có đề, thiết bị sẽ chụp, thông qua điện thoại truyền tin trung gian ra ngoài. Các đối tượng sẽ giải đề và đọc cho thí sinh qua tai nghe”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, các đối tượng chủ mưu lên mạng chủ động tìm người giỏi để giải đề. Qua các năm cho thấy, có những người tham gia giải đề là sinh viên tài năng các trường ĐH chỉ được trả công 1 triệu đồng. Qua các vụ việc cho thấy, người vi phạm, trong đó có thí sinh chưa nhận thức được hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Từ thực tế, thiết bị gian lận thi ngày càng tinh vi, cơ quan công an đề xuất, đối với kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT không cho thí sinh mang thiết bị không cần thiết vào phòng thi. Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi năm tới, Bộ GD&ĐT nên sửa quy chế, không cho thí sinh đưa các loại máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi mà không phục vụ cho việc làm bài thi.