Dàn lãnh đạo bị kỷ luật, TKV làm ăn thế nào?

Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính của TKV là 47.070 tỷ đồng, chiếm 39,4% tổng nguồn vốn.

Tại kỳ họp thứ 16 diễn ra từ ngày 20-22/6/2022, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và một số cá nhân ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, MCK: TKV).

tru-so-tap-doan-cong-nghiep-than-khoang-san-viet-nam-1656065305.PNG
Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

UBKT Trung ương nhận định, Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để HĐTV, một số cán bộ lãnh đạo tập đoàn và đơn vị cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư một số dự án, trong quản lý, khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất, kinh doanh, đến uy tín của tổ chức đảng và tập đoàn.

Vì vậy, UBKT Trung ương quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.

Cụ thể, UBKT Trung ương quyết định cảnh cáo ông Lê Minh Chuẩn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; ông Đặng Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng Giám đốc, nguyên Đảng ủy viên Tập đoàn.

Ông Phan Xuân Thủy- Đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn bị khiển trách.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo, xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các vi phạm nêu trên.

TKV là công ty TNHH MTV có vốn điều lệ là 35.000 tỷ đồng, trong đó, nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Những năm vừa qua, TKV là tâm điểm chú ý của dư luận khi kinh doanh đi xuống nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn liên tục tăng.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của TKV, doanh thu cả năm của tập đoàn này đạt 107.496 tỷ đồng, giảm hơn 7.711 tỷ đồng so với năm 2019. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn cũng giảm hơn 1.414 tỷ đồng so với năm trước đó.

Kinh doanh đi xuống song chi phí quản lý doanh nghiệp tiêu mất của TKV 5.608 tỷ đồng, cao hơn năm 2019 khoảng 158 tỷ đồng.

Sang đến năm 2021, đây được coi là năm thành công nhất trong 5 năm gần đây của TKV với kết quả hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2021, TKV báo doanh thu thuần ở mức gần 113.173 tỷ đồng, lãi gộp 17.347,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,3% và 6,5% so với năm 2020.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 5.219,4 tỷ đồng trong khi năm ngoái chỉ ở mwusc 3.463 tỷ đồng.

Trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của TKV chủ yếu đến từ hoạt động khai thác và kinh doanh than khi mang về cho TKV 73.507,7 tỷ đồng doanh thu và 9.224,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp, chiếm 65% cơ cấu doanh thu và 53% tổng lãi gộp.

Đáng chú ý, trong năm vừa qua, chi phí tài chính của TKV giảm 24,8% so với cùng kỳ, ở mức 3.217,6 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, TKV báo lãi sau thuế cả năm 2021 đạt 4.366,4 tỷ đồng, tăng tới 65,3% so với thực hiện năm 2020 và là mức lợi nhuận cao nhất của TKV kể từ năm 2012. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 3.722 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức 119.584,5 tỷ đồng, giảm 7.545,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả của TKV gần 74.788 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Tổng dư nợ vay và thuê tài chính ở mức gần 47.070 tỷ đồng, chiếm 39,4% tổng nguồn vốn.

Trong năm 2022, TKV đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 131.600 tỷ đồng, tăng 16% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 35,8% so với thực hiện năm 2021, ở mức 2.800 tỷ đồng.