Cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng với ảnh hưởng từ đại dịch, khiến giá nhiên liệu tăng vọt. Giá dầu tăng vọt 50% trong nửa đầu năm 2022. Theo Bloomberg, cú sốc năng lượng đã thổi phồng lạm phát và đẩy các ngân hàng trung ương lớn vào thế khó.
Chỉ 2 năm trước, giá dầu Mỹ tương lai rơi xuống dưới ngưỡng 0 vì đại dịch nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu. Một năm sau đó, giá đã phục hồi về mức trước đại dịch và tiếp tục tăng cao khi cầu vượt xa cung.
Chi phí nhiên liệu tăng cao đóng góp lớn vào đà tăng lạm phát của các quốc gia trên thế giới. Ảnh: Reuters.
Ai chịu thiệt nhất?
Theo sau đó là hàng loạt sự kiện làm chao đảo thị trường dầu. Mỹ và các đồng minh tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhắm vào Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nguồn cung từ Nga chiếm tới 10% lượng dầu trên thế giới. Nước này cũng cung cấp các mặt hàng chủ lực khác như lúa mì, phân bón và nickel.
Hơn 50% lượng dầu xuất khẩu của Nga được đưa tới các nước Liên minh châu Âu (EU). Nhưng dầu được giao dịch trên toàn cầu. Do đó, sự thay đổi cung - cầu tác động đến mọi ngóc ngách trên thế giới.
Người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi rất khó cắt giảm chi tiêu cho năng lượng. Theo giới quan sát, tại Anh, giá khí đốt tự nhiên tăng cao có thể khiến các hộ gia đình phải chi trả thêm 42% cho nhiên liệu vào tháng 10, tức thời điểm mức giá trần được điều chỉnh cao hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức sống của cư dân.
Tại nhiều nơi trên thế giới, giá nhiên liệu bán lẻ thậm chí còn tăng nhanh hơn giá dầu thô. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã chạm ngưỡng 5 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,79 lít) vào tháng 6, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm lái xe.
Chi phí nhiên liệu tăng phi mã đã thúc đẩy lạm phát tăng nóng. Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.
Lạm phát ở Mỹ được thúc đẩy bởi giá xăng, hàng hóa và dịch vụ tăng vọt. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết giá năng lượng đã tăng 34,6% trong năm qua, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2005.
Có sớm hạ nhiệt?
Các nước trên toàn cầu chật vật tìm nguồn cung mới, nhưng đến nay vẫn chưa đạt nhiều kết quả. EU đã nhất trí về lệnh cấm cục bộ đối với dầu Nga vào cuối năm nay. Khối này mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên thị trường toàn cầu để giảm phụ thuộc vào những đường ống dẫn khí đốt từ Nga, vốn chiếm tới 40% nguồn cung.
Về phần mình, đến giữa tháng 6, Nga đã chặn dòng khí đốt tới 4 nước thành viên EU.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí yêu cầu ngành công nghiệp lọc dầu của Mỹ tái khởi động các nhà máy đã bị dừng hoạt động.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác trên toàn cầu có kế hoạch nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Điều đó sẽ không hạ nhiệt giá nhiên liệu ngay lập tức. Tuy nhiên, các động thái này có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế, từ đó kéo lạm phát đi xuống.
Đến đầu tháng 6, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm kết thúc, trong khi sản lượng dầu toàn cầu không thể tăng đáng kể một sớm một chiều.
Các nước thành viên OPEC đang gặp khó trong việc nâng sản lượng theo đúng kế hoạch. Ảnh: Reuters.
Mới đây, ông Suhail Al-Mazrouei - Bộ trưởng Năng lượng UAE - thừa nhận rằng các nước thành viên của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đang gặp khó trong việc khôi phục sản xuất theo đúng kế hoạch.
Trước đó, OPEC+ (bao gồm Nga) đã thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Mức nâng này cao hơn 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũ.
Mức tăng sản lượng của OPEC+ chỉ bằng 0,4% nhu cầu toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8. Thêm vào đó, vài tháng qua, nhóm này đã không thể đạt mục tiêu sản lượng của mình.
"Sản lượng của nhóm đang thấp hơn mục tiêu khoảng 2,6 triệu thùng/ngày. Đó là một con số lớn", ông Al-Mazrouei thừa nhận.
Trong khi đó, việc Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - mở cửa trở lại đe dọa sẽ tạo thêm áp lực về phía cầu. Mới đây, ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co - cho rằng giá dầu có khả năng chạm mức 150-175 USD/thùng. Ngân hàng đầu tư Phố Wall thừa nhận đang chuẩn bị cho một "cơn bão kinh tế".
Khác gì những cú sốc giá trong lịch sử?
Đà tăng phi mã của giá dầu hiện nay được so sánh với 2 cú sốc giá dầu lớn nhất lịch sử. Đó là cuộc chiến Arab - Israel vào năm 1973, khiến nhiều quốc gia sản xuất dầu thô từ chối bán dầu cho những nước ủng hộ Israel, và cuộc cách mạng ở Iran năm 1979, làm bốc hơi 7% nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Khác với những năm 1970, tăng trưởng kinh tế hiện không còn mối liên kết chặt chẽ với dầu. Ngành công nghiệp đá phiến đã đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, giúp Washington tiến gần hơn với mục tiêu độc lập năng lượng sau khi trải qua tình trạng thiếu xăng vào những năm 1970.
Nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại là một lời nhắc nhở rằng thế giới vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Xu hướng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi một số quốc gia tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo.