Mới đây, vào ngày 14/6, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) có gửi thông báo tới các thượng đế của mình về việc thu phí dịch vụ hệ thống áp dụng từ ngày 1/7 tới đây.
Theo đó, mức phí là 27.500 VND/ tháng (Đã bao gồm 10%VAT), phí dịch vụ hệ thống bao gồm: Phí sử dụng hệ thống của VPS và các tiện ích gắn liền với hệ thống…
Lý do mà VPS đưa ra là để phát triển hệ thống công nghệ hiện đại theo định hướng tích hợp đa kênh, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm mang đến cho Quý khách hàng những trải nghiệm đầu tư tối ưu.
Thế nhưng, không ít “thượng đế” đã lắc đầu, từ chối thiện ý “vượt trội và khác biệt” này từ VPS bởi họ nhận ra đằng sau miếng bánh ngon “miễn phí giao dịch tháng đầu tiên cho các nhà đầu tư mở mới tài khoản cùng nhiều chính sách thu hút khách hàng khác” thì chỉ toàn là cạm bẫy theo kiểu “nuôi để thịt”.
Phí chồng phí
Không ít “thượng đế” đã lắc đầu, từ chối thiện ý “vượt trội và khác biệt” từ VPS |
Cụ thể, về phí giao dịch của VPS sau tháng trăng mật miễn phí, trong khi TCBS hiện đang thu mức phí 0.1% tất cả các giao dịch, FPTS thu mức phí bậc thang từ 0.08% - 0.15% giá trị giao dịch thì riêng VPS thu phí 0.1- 0.15% dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ trên ba tháng.
Không chỉ thế, trên website, VPS còn nhấn mạnh rằng các loại phí trên đã bao gồm phí trả sở, cơ quan quản lý(ngoại trừ mức phí được miễn phí). Thực tế, các khoản phí mà VPS ghi trên website đều chưa bao gồm phí trả sở.
Sao kê tiền của một tài khoản của VPS |
Trong ảnh là sao kê tiền mặt của một tài khoản của VPS, tất cả các giao dịch mua bán này đều là tài khoản có đuôi 1(giao dịch thường). Tuy nhiên hiện mức phí VPS thu của tài khoản này là 0.13% tức là ngoài 0.1%, VPS còn thu thêm 0.03% phí trả sở, khác với những gì VPS lưu ý trên website.
Nếu như toàn bộ mức phí của VPS đưa ra đều chưa tính phí trả sở thì mức phí thực thu của khách hàng của VPS sẽ từ 0.13% tới 0.18% mỗi giao dịch, cao hơn nhiều so với các công ty chứng khoán khác.
Thực tế, các khoản phí mà VPS ghi trên website đều chưa bao gồm phí trả sở như họ lưu ý |
Thứ hai, về margin của VPS, VPS hiện đang cho khách hàng margin với tỉ lệ 9.8%/năm đối với khách hàng có dư nợ tính lãi hàng ngày 1 tỷ.
Mức phí này cũng cao hơn so với đa số công ty chứng khoán khác. Bên cạnh đó VPS cũng có dấu hiệu giống một vài công ty cho vay margin quá tỉ lệ cho vay 50/50 theo quy định của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Thông thường việc cho vay này sẽ dẫn tới nguy hiểm cho tài khoản khách hàng do rủi ro quá lớn.
Cuối cùng, về khoản thu thêm 27.500 VNĐ/ tháng phát sinh từ 1/7 tới. Theo ước tính, với 300.000 - 400.000 tài khoản, VPS sẽ đút túi khoảng 100 tới 130 tỷ đồng/năm nhờ khoản thu không giống ai này.
Nhìn lại báo cáo tài chính năm 2020 của VPS, khoản thu này tương đương với lợi nhuận trước thuế 2 tháng của VPS. Hơn nữa trong báo cáo tài chính của VPS khoản doanh thu lớn nhất đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán, các khoản doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn, đầu tư không chiếm tỉ trọng quá cao nên việc tăng này cũng giúp VPS giảm thiểu rủi ro khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn.
Việc VPS sử dụng một mức phí cố định như trên thay vì thu theo một mức biến đổi tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng có thể sẽ khiến nhiều khách hàng quay lưng với VPS nhất là khi chất lượng giao dịch không được như những gì mà công ty này vẽ ra.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại với việc “thả rông” cho các công ty chứng khoán tự chốt một số khoản thu, sau VPS sẽ có thêm nhiều bên ngồi mát ăn bát vàng trong khi “thượng đế” thì khốn khổ vì các loại phí.
Thả rông việc thu phí?
Trao đổi với PV, luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay hiện chưa có một chính sách hay chế tài nào quy định về các khoản phí mà một công ty dịch vụ có thể thu và thu tối đa bao nhiêu nên các doanh nghiệp vẫn có thể thoải mái đưa ra các khoản phí.
Trong khi đó, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không quản lý việc này.
“Giá dịch vụ theo thỏa thuận của công ty với khách hàng”, bà Bình nhấn mạnh.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại việc chưa có chế tài quản lý sẽ gây bùng nổ hàng loạt các khoản phí đổ lên đầu khách hàng trong thời gian tới và VPS liệu có phải đang “châm ngòi nổ” cho cuộc cạnh tranh về phí giữa các công ty chứng khoán trong thời gian tới?
Và dù thế nào thì các “thượng đế” vẫn là người chịu thiệt nhất về lâu dài nếu họ im lặng, chấp nhận “luật chơi” mà các công ty chứng khoán như VPS đưa ra.
Vào giữa năm 2020, có tin đồn VPS từng bị gậy ông đập lưng ông, ngậm ngùi nếm trái đắng vì chính những chính sách mà công ty này đưa ra liên quan đến phái sinh, gây thiệt hại nặng nề. Liệu lịch sử có lặp lại khi nhà đầu tư “tẩy chay” chính sách thu phí từ 1/7 của doanh nghiệp này?