Đầu tư và Công nghiệp Việt Hưng: 1 đồng vốn 4 đồng nợ, bị xử phạt vì ém thông tin phát hành TPDN

Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Việt Hưng - VCoating đang ngày càng sống dựa vào các khoản nợ, mức độ tự chủ tài chính thấp hơn qua các năm. Cuối năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận 938 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó hơn 430 tỷ đồng huy động từ kênh trái phiếu, tín dụng.

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 252/QĐ-XPHC ngày 7/9/2022 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Việt Hưng (viết tắt là Công ty Việt Hưng).

Theo đó, Công ty Việt Hưng bị phạt 60 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính: công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật, tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

cong-ty-viet-hung-1-dong-von-4-dong-no-bi-xu-phat-vi-em-thong-tin-phat-hanh-tpdn-1662786875.jpg
Công ty Việt Hưng: 1 đồng vốn 4 đồng nợ, bị xử phạt vì ém thông tin phát hành TPDN

 

Thanh tra UBCKNN cho biết, Công ty Việt Hưng đã công bố thông tin không đúng thời hạn đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX đối với thông tin trước đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ năm 2021, kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ năm 2021 và báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021.

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong tháng 8 vừa qua, Công ty Việt Hưng có một lô trái phiếu mã VH_BOND2021_002 đáo hạn, trị giá 350 tỷ đồng. Trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, phát hành vào ngày 8/2/2021, tức đáo hạn ngày 8/8/2022. Lãi suất trái phiếu 12%/năm, tương đối cao so với mặt bằng chung.

Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinBank Securities) là đơn vị tư vấn phát hành đầu tháng 2/2021. Mục đích huy động vốn là để Công ty Việt Hưng bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.

Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu là 100% cổ phần của Công ty Việt Hưng (tương ứng 250 tỷ đồng) và Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Long Thành và toàn bộ nhà xưởng, công trình trên đất và máy móc thiết bị của nhà máy cơ khí mạ Hoàng Hưng tại Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai. Giá trị định giá dự kiến là 325 tỷ đồng. Như vậy tổng giá trị tài sản đảm bảo dự kiến là 575 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư phản ánh Công ty Việt Hưng đã trễ hẹn thanh toán gốc và lãi trái phiếu, đồng thời tài sản bảo đảm cũng có vấn đề liên quan đến pháp lý.

Mất cân đối tài chính trong thời gian dài

Theo tìm hiểu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, Công ty Việt Hưng thành lập ngày 8/9/2015, địa chỉ đặt tại Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Vốn sáng lập đăng ký là 80 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đâu. Người đại diện theo pháp luật khi đó là ông Đặng Phú An (SN 1987), tổng giám đốc; chủ tịch hội đồng quản trị là ông Lê Hắc Hải (SN 1979).

Cuối tháng 9/2020, ông Lê Hắc Hải nhường ghế chủ tịch hội đồng quản trị cho ông Nguyễn Đình Linh (SN 1992). Trong cơ cấu thượng tầng doanh nghiệp, lúc này còn có ông Đoàn Thanh Hải (SN 1982) và ông Nguyễn Ngọc Tân - thành viên hội đồng quản trị; ông Đặng Phú An vẫn đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc.

Nhìn lại quá trình hoạt động, trong hai năm đầu thành lập (2015-2016), Công ty Việt Hưng kinh doanh khá trầm lắng, tài sản ở mức gần 26,7 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức vốn sáng lập trên đăng ký kinh doanh là 80 tỷ đồng.

Từ năm 2017 trở đi, doanh thu thuần của Công ty Việt Hưng liên tiếp xô đổ các kỷ lục mới nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, cụ thể là 379,6 tỷ đồng (2017), 850,8 tỷ đồng (2018), 1.564 tỷ đồng (2019) và 1.936 tỷ đồng (2020). Như vậy, doanh thu vẫn leo đỉnh vào năm đầu xuất hiện Covid 19.

Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp khá khiêm tốn, và có xu hướng suy giảm ngược chiều với doanh thu thuần. Công ty Việt Hưng báo lãi ròng 35 tỷ đồng (2017), giảm còn 34,3 tỷ đồng (2018), tiếp tục giảm xuống 20,1 tỷ đồng (2019), 13,5 tỷ đồng (2020) và thấp nhất là 8,7 tỷ đồng (2021).

ket-qua-kinh-doanh-giai-doan-2017-2021-cua-cong-ty-viet-hung-1662786900.png
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2021 của Công ty Việt Hưng

 

Năm 2021, lợi nhuận "dò đáy" trong bối cảnh doanh thu sa sút từ 1.936 tỷ đồng còn 1.301 tỷ đồng, tương đương giảm 32,8% so với cùng kỳ.

Biến động cùng chiều với việc mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, Công ty Việt Hưng ngày càng sống dựa vào các khoản nợ, mức độ tự chủ tài chính thấp hơn qua các năm.

Cụ thể, năm 2017, nợ phải trả ở mức 225,6 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu, nhưng đến cuối năm 2021 đã lên đến 938 tỷ đồng, gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu (237,9 tỷ đồng). Trong đó, tính riêng khoản vay ngân hàng, trái phiếu chiếm hơn 430 tỷ đồng, gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu. Việc mất cân đối tài chính suốt thời gian dài, đặc biệt khi lợi nhuận mỗi năm quá thấp là những rủi ro Công ty Việt Hưng đang phải đối mặt.

Thực tế, năm 2021, doanh nghiệp cần chi ra gần 25 tỷ đồng để trả lãi vay cho các "chủ nợ", là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm mạnh về mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về dòng tiền, khi lưu chuyển tiền từ kinh doanh đảo chiều âm 63,8 tỷ đồng vào cuối năm ngoái, và để bù đắp, cũng như đảm bảo lượng tiền phục vụ sản xuất kinh doanh, Công ty Việt Hưng phải tăng cường vay nợ, khiến dòng tiền từ hoạt động tài chính lên đến gần 82 tỷ đồng.

Năm 2021, ngoài khoản vay trái phiếu trị giá 350 tỷ đồng như đề cập ở trên, Công ty Việt Hưng đã đem thế chấp nhiều hợp đồng kinh tế với đối tác, tài sản hình thành trong tương lai tại Dự án Nhà máy sản xuất kết cấu thép số 2, thậm chí là các xe ô tô cho phía nhà băng như VPBank, MBBank và BIDV.

Trong tháng 8 vừa qua, một công ty khác liên quan mật thiết đến Công ty Việt Hưng cũng đến hạn thanh toán trái phiếu, đó là Công ty CP Việt Vương. Trước đó, ngày 3/8/2021, doanh nghiệp này đã chào bán khối lượng 150 tỷ đồng trái phiếu, với kỳ hạn 12 tháng, tức đáo hạn ngày 3/8/2022. Tổ chức thu xếp thương vụ cũng là VietinBank Securities.

Công ty Việt Vương thành lập ngày 27/7/2006, do ông Lê Hắc Hải, chủ tịch hội đồng quản trị cũ của Công ty Việt Hưng nắm giữ cổ phần chi phối, đồng thời đứng tên người đại diện pháp luật. Trong năm 2022, giữa hai doanh nghiệp này phát sinh hợp đồng kinh tế số 010322/VH-VV ngày 1/3/2022, cho thấy mối liên hệ vẫn chưa bị ngắt quãng, dù hiện đã không còn chung "chủ".

Công ty Việt Vương đặt trụ sở tại khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hoạt động trong cùng lĩnh vực với Công ty Việt Hưng, doanh nghiệp này có doanh thu thuần năm 2019 lên đến 2.243 tỷ đồng. Sang năm 2020, bất chấp dịch bệnh, doanh thu vẫn neo ở mức 1.906 tỷ đồng.

Tương tự Công ty Việt Hưng, Công ty Việt Vương báo lãi sau thuế rất khiêm tốn, với gần 17 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng trong năm 2019-2020, tức tỷ suất lợi nhuận 0,6%, tạo ra cả 1.000 đồng mới có lãi vài đồng. Bên cạnh đó, Công ty Việt Vương sử dụng đòn bảy tài chính ở mức cao, với nợ phải trả đạt 1.056 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đạt 512 tỷ đồng, thấp hơn một nửa.