Dịch ở Bình Dương lây nhiễm “đậm đặc” không kém TP.HCM

Một số khu vực tại Bình Dương có mức độ lây nhiễm đậm đặc và sâu không kém TP.HCM, cần khẩn trương tăng cường lực lượng chi viện cho Bình Dương…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch, ngày 24/8. Ảnh - VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch, ngày 24/8. Ảnh - VGP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý nội dung này tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, ngày 24/8.

DỊCH ĐÃ NGẤM RẤT SÂU, SỐ F0 BÓC TÁCH RẤT LỚN

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xét nghiệm diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, tại nhiều khu trọ tập trung đông công nhân, dịch đã ngấm rất sâu, số lượng F0 bóc tách ra rất lớn. Tỉnh đã thành lập thêm nhiều khu tiếp nhận, phân loại F0 ban đầu nhưng đang rất thiếu nhân lực y tế theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, các hướng dẫn về thủ tục, giấy tờ liên quan đến nhập viện đối với bệnh nhân Covid-19 cũng đang có một số vướng mắc khiến nhiều F0 có triệu chứng chậm được nhập viện.

“Mong muốn lớn nhất của tỉnh lúc này là giải quyết được vấn đề quá tải ở các cơ sở điều trị. Về cơ sở vật chất, tỉnh xây được nhưng nhân lực cán bộ y tế đang rất thiếu. Chúng tôi đã lập 58 khu cách ly ở vùng xanh để tiếp nhận 17.000 ca F0 nhưng mới bố trí được 17 bác sĩ. Trong lúc chưa có thêm lực lượng chi viện, Bình Dương đang phải nỗ lực sắp xếp, điều phối nhân lực cho các khu cách ly, tiếp nhận F0 nhưng rất mong được chi viện sớm”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi tất cả y, bác sĩ đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch.

Về hỗ trợ lương thực cho người dân trong 11 phường có nhiều ca F0 tại TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã có quyết định trích ngân sách để cung cấp gói lương thực miễn phí cho người dân trong vòng 15 ngày.

Đối với người dân ở trọ khó khăn, ngoài chính sách hỗ trợ chung theo quy định của Chính phủ, Bình Dương còn hỗ trợ một phần tiền phòng trọ 300.000 đồng/người và lương thực thực phẩm 500.000 đồng/người.

Về việc lấy mẫu xét nghiệm, tỉnh Bình Dương đã điều tiết hàng chục nghìn F0 của TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên lên các cơ sở cách ly của các huyện, thị phía bắc của tỉnh để giảm tải cho “điểm nóng”; rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm RT-PCR (không quá 10 giờ kể từ khi lấy mẫu)…

TĂNG  CHI VIỆN CHO BÌNH DƯƠNG

Tại cuộc họp, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đề nghị lập thêm các đội y tế lưu động để hỗ trợ các vấn đề y tế cho người dân ở các “vùng đỏ”; bảo đảm đủ nguồn oxy lỏng cho các cơ sở điều trị.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phụ trách điều hành trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19 ở Bình Dương) cho rằng, để tiếp tục thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, Bộ Y tế cần điều phối lực lượng chi viện cho Bình Dương để vận hành các khu cách ly, tiếp nhận F0 ban đầu, cứ khoảng 50-100 ca F0 cần có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng.

Đối với những khu vực như nhà trọ công nhân, dịch đã ngấm rất sâu, cùng với việc thực hiện giãn mật độ, bóc tách F0, Bình Dương có thể xem xét ưu tiên xét nghiệm trước cho những đối tượng có nguy cơ như béo phì, có bệnh nền…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nêu rất rõ những công viẹc mà các địa phương phải làm. Trước hết phải thực hiện thật nghiêm ngặt Chỉ thị 16; không để bất kỳ ai đói, thiếu bữa và được hỗ trợ y tế kịp thời; tổ chức xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0; tiêm vaccine cho người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu mọi thông tin hỗ trợ của người dân phải được tiếp nhận, xử lý nhanh nhất. Ảnh - VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu mọi thông tin hỗ trợ của người dân phải được tiếp nhận, xử lý nhanh nhất. Ảnh - VGP.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Lực lượng vũ trang hay dân sự, Trung ương hay địa phương đều đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy chống dịch các cấp.

Lực lượng công an, quân đội chi viện để hỗ trợ công tác phòng chống dịch của địa phương, tất cả vì nhân dân phục vụ. Cùng với đó Bình Dương phải tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân cố gắng thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để có thể sớm vượt qua đại dịch.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta cảnh giác với virus SARS-CoV-2, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, giãn cách nhưng cũng cần thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, đầy đủ về virus.

Trong tình huống cần điều trị F0 tại nhà thì địa phương vận động cộng đồng, bà con chia sẻ, đùm bọc nhau, chăm sóc những người này đầy đủ cả về chế độ dinh dưỡng, động viên tinh thần… để giảm tối đa tình trạng chuyển nặng.

Cùng với việc khẩn trương tăng cường lực lượng chi viện cho Bình Dương, vì một số khu vực có mức độ lây nhiễm đậm đặc và sâu không kém TP.HCM, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bám sát thực tiễn, lắng nghe phản ánh từ các địa phương để có những điều chỉnh hướng dẫn phù hợp.

Những vấn đề chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, đều do ngành y tế quy định, vì vậy, phải bám sát thực tiễn, tính đến đặc thù của những địa bàn rất đông công nhân như TP.HCM, một phần Bình Dương, Đồng Nai, Long An.