Dịch vụ nào ở Hà Nội sẽ được ưu tiên mở lại?

Những dịch vụ thiết yếu sẽ được TP xem xét mở trước, từng bước nới thêm dịch vụ khác tùy thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh ở các thời điểm.

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương và giao Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng chống dịch sau ngày 15 và 21/9.

Đây là động thái giảm cường độ tiếp theo sau đợt chia vùng giãn cách từ ngày 6/9. Ở lần nới lỏng này, nhiều khả năng các quận nội thành không áp dụng Chỉ thị 16 toàn phần như hiện nay mà phân vùng ở quy mô nhỏ và chi tiết hơn.

Hàng quán có thể được bán mang về

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn, phương án, kịch bản chi tiết cho việc nới lỏng từng bước đang được các đơn vị xây dựng. Nhiệm vụ trước mắt là lấy mẫu diện rộng để có thêm dữ liệu đánh giá nguy cơ trên địa bàn.

"Thông qua số liệu xét nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá từng vùng, từng khu vực theo mức độ nguy cơ để tham mưu cho TP phương án nới lỏng. Thay vì chia vùng giãn cách rộng như hiện nay, CDC đang tham mưu giãn cách theo quy mô xã, phường hoặc thậm chí thấp hơn nữa sau ngày 21/9", ông Tuấn nói.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh đối với vùng nguy cơ rất cao nhiều khả năng tiếp tục nằm trong khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để bảo vệ thành quả, giữ gìn vùng xanh.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 1

Ba vùng giãn cách được phân theo màu của Hà Nội. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Về cụ thể những hoạt động nào được cho phép sau ngày 21/9, lãnh đạo TP chưa đưa ra kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, dựa vào thông lệ cũng như các biện pháp chống dịch trước đây, có thể thấy TP sẽ nới lỏng hoạt động thiết yếu trước.

Ví dụ, khi dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp đòi hỏi siết chặt, dịch vụ giải trí nguy cơ cao như quán bar, karaoke, massage, vũ trường sẽ phải đóng cửa đầu tiên. Tiếp theo đó là thể dục, thể thao, sân golf, phòng gym, quán game, Internet. Nếu nguy cơ tiếp tục lớn, quán ăn, đồ uống phải bán mang về, cửa hàng cắt tóc, gội đầu phải đóng cửa. Và cuối cùng, TP sẽ yêu cầu toàn bộ cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động.

Còn đối với lộ trình nới lỏng, thứ tự sẽ ngược lại. Tức là, dịch vụ ăn, uống bán mang về được ưu tiên mở trước, dịch vụ karaoke, massage, vũ trường sẽ trong nhóm được mở lại sau cùng.

Bên cạnh đó, việc thu hẹp khu vực giãn cách cũng giúp cơ quan, doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn có thể cho nhân viên quay lại làm việc tại trụ sở (vùng xanh, vàng), nhưng vẫn trên tinh thần khuyến khích làm việc ở nhà.

 

Số ca nhiễm trong khu cách ly vẫn tương đối cao

Từ ngày 6/9, biện pháp giãn cách theo 3 vùng giúp TP bảo vệ huyện vùng xanh, vàng. Tuy nhiên, theo số liệu của CDC Hà Nội, số ca nhiễm cộng đồng vẫn chưa về 0.

F0 mới chủ yếu tập trung khu vực có chuỗi lây nhiễm phức tạp từ trước như Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì. Ngoài ra, số ca nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa vẫn tương đối cao (200 người trong 7 ngày qua).

Dựa vào số liệu trên, vùng có thể tiếp tục phải giãn cách là phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai), Minh Khai (Hai Bà Trưng), Thổ Quan (Đống Đa), Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Khương Mai, Thượng Đình (Thanh Xuân), thị trấn Thường Tín (Thường Tín)...

Những khu vực này nhiều khả năng vẫn áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15+ của Thủ tướng, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Việc di chuyển sang vùng vàng và xanh từ khu vực này sẽ bị hạn chế, và phải có giấy đi đường được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 2

Khu vực ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi nhiều khả năng tiếp tục nằm trong vùng nguy cơ rất cao. Ảnh: Việt Linh.

Chia sẻ về lộ trình nới lỏng trước đó, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết TP đang tính đến nới lỏng ở vùng vàng, nơi tập trung các khu công nghiệp, khu kinh doanh, sản xuất lớn. Vùng vàng sẽ giúp doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn nhanh chóng quay lại hoạt động.

"Việc này sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân cũng như nguồn thu ngân sách cho TP. Còn lại các nơi khác có điều kiện nới lỏng giãn cách thì từng bước khôi phục lại sản xuất kinh doanh", ông Phong nói và cho biết TP sẽ phân quyền chủ động cho từng địa phương để ra quyết sách phù hợp.

Ở đợt dịch thứ 4, tính đến 7h ngày 14/9, CDC Hà Nội ghi nhận 3.820 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Diễn biến dịch 7 ngày trở lại đây ở Hà Nội có dấu hiệu ổn định, số ca mắc mới giảm, chủ yếu trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm thần tốc ở Hà Nội Cùng với việc gấp rút xét nghiệm sàng lọc, Hà Nội thực hiện kế hoạch tiêm mũi một vaccine Covid-19 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trong vòng 7 ngày.