Dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước tại vịnh Hạ Long, Cát Bà hoạt động 'chui'?

Gần 30 doanh nghiệp, hộ đã kinh doanh hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và khu vực đảo Cát Bà (Hải Phòng) đang hoạt động "chui" do vi phạm Nghị định 48

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương này vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước tại vịnh Hạ Long hoạt động không tuân thủ Nghị định 48 của Chính phủ.

Dịch vụ cho thuê thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long

Dịch vụ cho thuê thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long

Loại hình dịch vụ dò chèo tay, thuyền kayak trên mặt nước vịnh Hạ Long đang được khách du lịch yêu thích. Hoạt động trên vùng nước vịnh Hạ Long hiện có khoảng 15 doanh nghiệp (DN), hộ đã kinh doanh với 2.135 kayak, 240 đò chèo tay. Tuy nhiên, tất cả đều đang hoạt động "chui", do vi phạm Nghị định 48/2019/NĐ-CP (Nghị định 48) về quản lý hoạt động các phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước.

Theo Nghị định 48, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải công bố vùng nước và DN tham gia phải được cơ quan chức năng giao vùng nước hoạt động. Mỗi vùng nước chỉ được cấp phép cho 1 đơn vị kinh doanh hoạt động. Nghị định 48 có hiệu lực từ ngày 15-8-2019, nhưng đến nay UBND tỉnh Quảng Ninh chưa công bố việc đóng, mở vùng nước. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào được giao vùng nước để hoạt động.

Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, chỉ riêng khu vực Hang Luồn trên vịnh Hạ Long hiện có 3 DN đang hoạt động kinh doanh loại hình dịch vụ đò chèo tay, thuyền kayak, dù chưa được công bố vùng nước.

Đáng chú ý, trong khi tất cả các trường hợp cũ (đăng ký trước thời điểm 5-6-2019) vẫn hoạt động thì DN mới xin đăng ký hoạt động lại phải thực hiện theo nghị định này.

Điển hình, Công ty cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long được UBND TP Hạ Long chấp thuận cho bổ sung 15 xuồng cao tốc, 30 đò chèo tay và 50 kayak để phục vụ du khách tại khu vực hang Luồn trên vịnh Hạ Long từ ngày 29-6-2020.

Khi đó, do dịch COVID-19 bùng phát nên đến đầu năm 2022, đơn vị này mới mua các phương tiện và đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực Hang Luồn, với số vốn hàng tỉ đồng trong bối cảnh khó khăn về tài chính do ngừng hoạt động một thời gian dài bởi dịch.

Tuy nhiên, khi làm các thủ tục tiếp theo để đi vào hoạt động thì các cơ quan liên quan yêu cầu phải thực hiện theo Nghị định 48.

Đương nhiên, doanh nghiệp không thể được cấp phép khi chính quyền chưa công bố vùng nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho hay việc xin đăng ký hoạt động kinh doanh mới dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long phải tuân thủ Nghị định 48.

Trước đó, ngày 18-10, UBND TP Hạ Long cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh nhằm tháo gỡ vướng mắc này.

Theo UBND TP Hạ Long, cuối năm 2021, một số DN, cá nhân kinh doanh dịch vụ xuồng cao tốc, đò chèo tay, kayak đã lập hồ sơ công bố mở vùng nước hoạt động gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Ninh thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, hiện chưa có DN, đơn vị nào được giao vùng nước để hoạt động.

Để kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí dưới nước hoạt động trên vịnh Hạ Long, UBND TP Hạ Long đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở GTVT ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của Nghị định 48.

Đầu tháng 11-2022, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT-DL làm việc cụ thể với Ban quản lý vịnh Hạ Long; UBND TP Hạ Long, các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về việc hoạt động không tuân thủ Nghị định 48.

Theo lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long, không chỉ khu vực hang Luồn mà hiện nay nhiều địa điểm khác trên vịnh Hạ Long đang không thực hiện theo Nghị định 48. Nếu chiếu theo quy định, 15 doanh nghiệp với hơn 2.000 kayak, 240 đò chèo tay phải dừng hoạt động vì không đủ thủ tục pháp lý. "15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh loại hình này hiện vẫn đang hoạt động bình thường. Do lịch sử để lại, họ đang hoạt động rồi thì chúng tôi sẽ họp bàn đề xuất xin ý kiến tỉnh Quảng Ninh để giải quyết dứt điểm" - Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.

Tương tự, dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước tại Cát Bà cũng đang hoạt động không tuân thủ Nghị định 48.

Hoạt động chèo thuyền kayak có nguy cơ diễn ra mất an toàn về giao thông đường thủy

Hoạt động chèo thuyền kayak có nguy cơ diễn ra mất an toàn về giao thông đường thủy

Ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin-Thể thao và du lịch huyện Cát Hải, cho hay: "Hiện tại Cát Bà có 11 đơn vị kinh doanh thuyền kayak với khoảng 600 thuyền đang hoạt động. Trong đó, chỉ có duy nhất khu vực hang Tối, hang Sáng là được UBND TP Hải Phòng công nhận là điểm được hoạt động chèo thuyền kayak, còn lại khu vực hang Cạp Quan, Vạn Bội, Cửa Tùng Gấu, Tùng Tràng, Tùng Thịch, Áng Khê, Trà Báu… đều chưa được cấp có thẩm quyền công nhận nhưng vẫn diễn ra các hoạt động chèo thuyền kayak. Đây là nguy cơ diễn ra mất an toàn về giao thông đường thủy cho du khách".

Cũng theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp du khách chèo thuyền kayak cắt ngang đường thủy nội địa khiến các chủ tàu phải "thót tim" khi hoạt động qua các khu vực này. Không chỉ vậy, chính bản thân các du khách cũng sẽ gặp nguy hiểm khi di chuyển cắt ngang đường thủy nội địa.

Thực tế, việc chèo thuyền kayak sẽ mang đến trải nghiệm đầy thú vị cho du khách khi đến với Cát Bà. Tuy nhiên, một số du khách đến trải nghiệm chèo thuyền nhưng không biết chèo, hoặc chỉ biết chút ít, loay hoay quay vòng trên vịnh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ va chạm giữa thuyền kayak với tàu du lịch.

Đại diện một số chủ tàu du lịch chia sẻ có trường hợp tàu du lịch phải bẻ lái đột ngột vì thuyền kayak cắt mặt hoặc không biết xoay trở để tránh tàu. Thậm chí người cứu hộ trên tàu du lịch phải nhảy xuống biển, đẩy thuyền kayak để tránh va chạm với tàu thủy.

Được biết, để khắc phục tạm thời việc du khách chèo thuyền cắt ngang đường thủy nội địa, UBND huyện Cát Hải đã yêu cầu các đơn vị tổ chức tour, các đơn vị cho thuê kayak tập trung nhắc nhở, theo dõi, hướng dẫn du khách chỉ chèo thuyền trong khu vực an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát trên tuyến đường thủy nội địa, không để du khách chèo cắt ngang.

"Hiện, UBND huyện Cát Hải đang khẩn trương phối hợp với Sở VH-TT, Sở GTVT, Vườn quốc gia Cát Bà xác định và thống nhất cụ thể về vùng nước, phạm vi hoạt động của điểm chèo thuyền kayak trên các vịnh của quần đảo Cát Bà, đảm bảo đáp ứng các quy định..." - ông Phạm Trí Tuyến cho biết.