Điểm yếu của hệ thống y tế TP.HCM qua đợt dịch Covid-19 lần 4

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận có thời điểm việc dự báo diễn biến dịch không theo kịp sự lây lan của biến chủng Delta.
diem yeu cua he thong y te TP.HCM anh 1

Chiều 30/10, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố - đợt dịch lần thứ 4.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, thành phố đã trải qua thời khắc cam go, khốc liệt nhất trong lịch sử.

"Hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch. Có thể nói đây là cuộc huy động lớn nhất trong lịch sử của ngành y tế. Tất cả đã cùng trải qua thời gian khốc liệt cùng những mất mát rất lớn", PGS Thượng chia sẻ.

Đỉnh dịch ở TP.HCM kéo dài hơn 2 tháng

PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết dịch bệnh ở thành phố bắt đầu có chuyển biến tích cực từ ngày 1/10. Hiện tại, số ca F0 mới, ca bệnh nặng và tử vong đã giảm rõ rệt. Số người ra viện cao hơn nhập viện mỗi ngày. Thành phố có khoảng 60% F0 chăm sóc tại nhà và 30% điều trị tại bệnh viện.

"Có thể khẳng định, TP.HCM đã vượt qua đỉnh dịch. Đỉnh dịch ở thành phố đã kéo dài hơn 2 tháng, đó là thời gian rất nặng nề đối với ngành y tế", ông Thượng nói.

Nhìn lại thời gian chống dịch vừa qua, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết qua những kinh nghiệm cũng như giúp sức từ Trung ương, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đi đúng hướng.

Từ Bệnh viện dã chiến số 1, thành phố thành lập thêm đến 16 bệnh viện dã chiến. Từ số giường oxy chỉ khoảng 2.000, hiện toàn thành phố có 13.000 giường oxy điều trị Covid-19.

diem yeu cua he thong y te TP.HCM anh 2

Đội mai táng người mắc Covid-19 tại nhà trong giai đoạn tháng 8, 9 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Hàng loại trang thiết bị y tế cũng được tăng cường. Đặc biệt, TP.HCM nhận được sự chi viện chưa từng có, với gần 25.000 cán bộ, nhân viên y tế.

"Hiện nay, dịch Covid ở TP.HCM tương đối ổn, đây là thời điểm thành phố gửi lời tri ân sâu sắc đến toàn thể người dân cả nước", PGS Thượng nói.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết ca bệnh đầu tiên mở đầu đợt bùng phát lần 4 ở thành phố là bệnh nhân liên quan F0 ở Hà Nam. Từ giữa tháng 5, thành phố phát hiện thêm 2 F0 đầu tiên nhiễm biến chủng Delta, ở quận 7 và TP Thủ Đức. Sau đó, dịch tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh chóng từ ổ dịch điểm nhóm Hội thánh.

"Trong tháng 5, dịch ở thành phố chỉ ở cấp độ 1, sang tháng 6 lên cấp độ 2, tháng 7 tăng cấp độ 3 và tháng 8 là giai đoạn cấp 4", TS Châu nói.

Thành phố đã trải qua 4 giai đoạn giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau. Đỉnh dịch từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9.

Kinh nghiệm qua đợt dịch ở TP.HCM

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để ứng phó và kiểm soát đợt dịch vừa qua, thành phố đã áp dụng hàng loạt giải pháp, từ xét nghiệm phát hiện, bóc tách F0; tiêm vaccine; điều trị F0; triển khai mô hình tháp 3 tầng; tổ chức cách ly tại nhà; cấp cứu và vận chuyển cấp cứu.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng nhìn nhận những điểm yếu của ngành y tế thành phố trong công tác ứng phó với dịch bệnh.

diem yeu cua he thong y te TP.HCM anh 3

Lực lượng chức năng phong tỏa con hẻm ghi nhận F0 là chủ quán bánh canh (quận 3), ngày 20/5. Ảnh: Chí Hùng.

Đầu tiên là công tác dự báo chưa theo kịp diễn biến của dịch bệnh. Biến chủng Delta đã được cảnh báo từ sớm nhưng việc dự báo chưa theo kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp.

Thứ 2 là xét nghiệm. Đầu đỉnh dịch, kỹ thuật xét nghiệm rRT-PCR là phương pháp xác định F0 chủ yếu. Nhưng kỹ thuật này cần thời gian, năng lực xét nghiệm cũng chưa tương xứng với tốc độ lây lan quá nhanh của chủng Delta.

"Tốc độ lây nhiễm càng cao, dịch lan sâu vào trong cộng đồng. Có thời điểm thành phố lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ. Điều này làm mất đi ý nghĩa của việc bóc tách F0 khỏi cộng đồng", TS Châu nhìn nhận.

Thứ 3 là tồn tại trong chiến dịch tiêm vaccine. Theo TS Châu, việc triển khai tiêm chủng trong thời gian ngắn, huy động đội ngũ từ nhiều nơi nhưng không đồng đều trong khả năng của đội tiêm. Công tác nhập số liệu chưa đảm bảo, tuân thủ giãn cách ở người đến tiêm chưa tốt.

diem yeu cua he thong y te TP.HCM anh 4

Hàng chục nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho hàng nghìn công nhân Công ty PouYuen (quận Bình Tân). Ảnh: Duy Hiệu.

Thứ 4 là cách ly tập trung toàn bộ F0 gây quá tải. Trước tháng 7, Bộ Y tế và thành phố chủ trương tất cả F0 đều cách ly tập trung. Tuy nhiên, khi F0 tăng quá nhanh, hàng loạt bệnh viện dã chiến liên tiếp được hình thành nhưng không đáp ứng kịp.

"Số lượng quá nhiều thì khả năng chăm sóc của nhân viên y tế cũng quá tải. Từ đó mới có tình trạng nhiều F0 không được chăm sóc toàn diện, chuyển viện kịp thời và tử vong", TS Châu nói.

Tuy nhiên, F0 được cách ly, điều trị tại nhà cũng bộc lộ những hạn chế từ năng lực y tế cơ sở. Nhiều F0 tại nhà cũng không được chăm sóc đầy đủ. Lãnh đạo ngành y tế nhìn nhận hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức khiến F0 quá tải và tăng nguy cơ tử vong.

Thứ 5, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả, từ phần mềm khai báo y tế, tiêm chủng vccine... gặp nhiều trục trặc liên quan.

Theo TS Châu, những điểm yếu này xuất phát từ thực tế đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra nên chưa ứng xử kịp thời. Bên cạnh đó, dân số TP.HCM đông khiến dịch lây nhanh nhanh trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó. Hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia. Ứng dụng công nghệ thông trong công tác phòng, chống dịch còn manh mún, chưa khoa học và đồng bộ.

Theo TS Vĩnh Châu, 9 mô hình dưới đây đã giúp ngành y tế TP.HCM từng bước ứng phó và kiểm soát dịch hiệu quả.

1. Tháp 3 tầng điều trị

2. Chăm sóc F0 tại nhà

3. Mô hình trạm y tế lưu động

4. Mô hình tư vấn F0 từ xa "1022" của Hội Y học TP.HCM

5. Mô hình hoán cải xe vận chuyển hành khách, taxi thành xe vận chuyển người bệnh

6. Mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng

7. Mô hình "bệnh viện chị em": Các bệnh viện lớn, Trung ương được giao nhiệm vụ tập huấn, đào tạo và hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới.

8. Mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng: Được ghép lại từ Bệnh viện dã chiến thành phố và Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19. Lúc này, bệnh nhân chỉ cần nằm tại một bệnh viện, từng theo tình trạng mà được điều trị tại tầng tương xứng.

9. Mô hình "H.O.P.E" ra đời để chăm sóc trẻ em là con em của sản phụ Covid-19.

Trận chiến của bác sĩ đối mặt nhiều ca Covid-19 thập tử nhất sinh "Ngày sang BV Hồi sức Covid-19 làm nhiệm vụ, chúng tôi nói rằng, đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời của mình. Mong là trận chiến cuối cùng", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.