Theo CNN, mới đây, tỷ phú Elon Musk - CEO Tesla - thừa nhận rằng ông đang cố ngăn hãng xe điện phá sản. "2 năm qua là một cơn ác mộng vì tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Hết chuyện này đến chuyện kia xảy ra", CNN dẫn lời CEO Elon Musk của Tesla.
Hãng xe điện Mỹ đã mất hàng tỷ USD vì các nhà máy mới, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và những đợt phong tỏa gắt gao ở Trung Quốc do đại dịch.
Tuần trước, Tesla tuyên bố tăng giá tất cả mẫu ôtô tại thị trường Mỹ và công bố kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động vào tháng 6. Giới quan sát dự báo lợi nhuận của hãng xe điện sẽ chấm dứt đà tăng hàng quý trong những năm qua.
Hãng xe điện Mỹ đã mất hàng tỷ USD vì các nhà máy mới và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Ảnh: Reuters.
Loạt rắc rối
Đây không phải lần đầu Tesla rơi vào thế khó. Được thành lập vào năm 2003, công ty nhắm đến mục tiêu đưa xe điện trở nên phổ biến. Theo Wall Street Journal, đầu tiên, hãng muốn chứng minh sự tuyệt vời của xe điện bằng mẫu xe thể thao Roadster, rồi đến Model S và Model 3 dành cho thị trường đại chúng.
Khả năng tăng tốc nhanh chóng và vẻ ngoài gợi cảm đã khiến mọi người biết đến Tesla. Năm 2018, Musk dồn lực vào nhà máy lắp ráp duy nhất của công ty ở Mỹ.
Tesla chật vật tăng cường sản xuất Model 3. Việc chế tạo chiếc xe này khó hơn nhiều dự kiến, ngày càng nhiều nghi ngại về việc Musk có thể đạt mục tiêu sản xuất 5.000 chiếc Model 3 mỗi tuần hay không.
Những vấn đề liên tiếp xảy ra, việc trì hoãn tiêu tốn nhiều tiền của, cả công ty và nhân viên của hãng đều lao đao. Musk mô tả đó là một "địa ngục sản xuất".
Vào thời điểm đó, dường như cả thế giới dồn sự chú ý vào công ty. Một số nhà phê bình Phố Wall và trên Twitter đã công khai chờ đợi sự thất bại của Musk. Nhưng đến cuối năm, trái ngọt đã tới với Tesla. Hãng xe điện lần đầu ghi nhận lãi sau nhiều năm thua lỗ triền miên.
Trong 2 năm qua, công ty đã ghi nhận lợi nhuận hàng quý tăng đều. Doanh thu của Tesla tăng lên 18,8 tỷ USD trong quý I/2022, trong khi lợi nhuận khoảng 3,7 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 30% so với mức kỷ lục cũ.
Nhưng chuỗi tăng đó dường như chuẩn bị kết thúc.
Hãng xe điện Tesla lần đầu có lãi vào cuối năm 2018. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi rắc rối. Điều quan trọng là chúng tôi làm thế nào để duy trì hoạt động của nhà máy, có tiền trả lương cho nhân viên và ngăn công ty phá sản", Musk thừa nhận.
Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải đã phải đóng cửa trong nhiều tuần. Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã phong tỏa hàng loạt thành phố lớn để đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, Thượng Hải - thành phố có 25 triệu cư dân - chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngay cả khi Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất của Tesla.
Nhà máy ở Thượng Hải của Tesla sản xuất khoảng 2.100 ôtô mỗi ngày. Sản lượng quý I là 182.174 xe.
Ông Gordon Johnson tại GLJ Research - một trong những người chỉ trích Tesla mạnh mẽ nhất - cho rằng công ty đang đối mặt những rắc rối tài chính lớn hơn nhiều đánh giá của giới phân tích.
"Phá sản là rủi ro thực sự của Tesla. Bởi khoản tiền mặt khổng lồ của họ đã bị mắc kẹt ở Trung Quốc", ông nhận xét.
Ông Johnson chỉ ra Tesla chỉ có lãi khi mở rộng sang Trung Quốc. "Vì thế, nếu Bắc Kinh không cho phép các công ty chuyển USD về nước, Tesla sẽ đối mặt với vấn đề thực sự", ông lập luận.
Đốt tiền vào 2 nhà máy mới
Ngoài ra, Musk còn tiết lộ việc mở cửa 2 nhà máy ở Texas và Đức đã khiến hãng xe điện thiệt hại hàng tỷ USD. Bởi những vấn đề trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng của các nhà máy này.
Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/6, CEO Tesla mô tả 2 nhà máy ở Berlin và Texas chẳng khác gì "những âm thanh ghê rợn đang đốt rất nhiều tiền". "Chúng tôi tốn nhiều chi phí nhưng sản lượng gần như bằng 0", ông chia sẻ.
Hiện, 2 nhà máy chỉ sản xuất một lượng nhỏ ôtô vì gặp khó trong việc thúc đẩy sản xuất pin 4680 khi công cụ sản xuất loại pin này bị mắc kẹt tại một cảng của Trung Quốc.
Pin 4680 là thành phần chính giúp lưu trữ và cung cấp năng lượng cho xe điện Tesla.
Chúng tôi tốn nhiều chi phí nhưng sản lượng gần như bằng 0
CEO Tesla Elon Musk
Việc khánh thành các nhà máy mới từng được kỳ vọng sẽ bù đắp tình trạng thiếu hụt sản xuất trong những tháng qua, nhất là khi hoạt động của nhà máy ở Thượng Hải bị gián đoạn vì các đợt phong tỏa.
Tuần trước, Tesla tuyên bố tăng giá tất cả mẫu ôtô tại thị trường Mỹ trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô vật lộn với các vấn đề chuỗi cung ứng, lạm phát và bất ổn kinh tế. Hãng còn trì hoãn giao một số mẫu xe ở thị trường Mỹ. Trong tháng 6, Musk cũng công bố kế hoạch ngưng tuyển dụng mới và cắt giảm 10% lực lượng lao động tại Tesla.
Hôm 19/6, 2 cựu công nhân đã đâm đơn kiện Tesla sau khi bị chấm dứt hợp đồng với nhà máy của hãng ở Sparks (bang Nevada). Theo đơn kiện, 500 nhân viên lao động của nhà máy đã bị chấm dứt hợp đồng mà không được thông báo trước. Hồi đầu tháng 6, khi tuyên bố cắt giảm 10% nhân sự, Musk thừa nhận rằng ông có "cảm giác cực kỳ tồi tệ" về nền kinh tế.
Tính đến cuối năm 2021, có 100.000 nhân viên làm việc tại hãng xe điện Tesla và các công ty con, theo tài liệu của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC).
"Quyết định cắt giảm 10% nhân sự của Tesla là một dấu hiệu rắc rối", chuyên gia Johnson tại GLJ Research nhận định.
Giới quan sát cho rằng doanh thu tín dụng carbon - nguồn thu lớn của Tesla - cũng sẽ giảm vào năm sau. Nguyên nhân là ngày càng nhiều nhà sản xuất ôtô truyền thống tham gia cuộc chơi xe điện.
Theo dự báo của các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát, doanh thu của Tesla sẽ giảm từ mức kỷ lục 3,7 tỷ USD trong quý I còn 2,5 tỷ USD vào quý II năm nay. Tuy nhiên, con số này vẫn tăng so với mức 1,6 tỷ USD trong quý II/2021.
Đa số chuyên gia dự báo Tesla sẽ vẫn có lãi, bất chấp những rắc rối chuỗi cung ứng đang giáng đòn vào Tesla và các công ty khác trên toàn cầu.
Sản lượng của Tesla đã giảm 0,1% trong quý I so với quý IV/2021. Nhưng sản lượng của hãng vẫn tăng 69% so với một năm trước đó. Trong khi đó, hầu hết hãng xe còn lại trên toàn cầu đều ghi nhận sản lượng lao dốc vì các vấn đề của chuỗi cung ứng.