Cần làm rõ những vấn đề pháp lý tại Dự án KDC mới TT Tứ Kỳ
Thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư (KDC) mới thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ của UBND tỉnh Hải Dương, ngày 08/03/2021 UBND huyện Tứ Kỳ đã ban hành thông báo số 54/TB-UBND ngày 27/4/2021 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án là 151.238,27m2 gồm: đất trồng lúa 91,362m2; đất trồng cây lâu năm 6,437m2; đất nuôi trồng thủy sản 944m2; đất nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm 19.836m2; đất ở đô thị 4.066m2; đất ở đô thị + đất trồng cây lâu năm 4.548m2… Lý do thu hồi đất để thực hiện xây dựng KDC mới thị trấn Tứ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề giãn dân, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị và tạo tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, sinh hoạt của nhân dân trong khu vực…
Sau khi nhận được thông báo của UBND huyện đông đảo người dân tại khu An Nhân Tây, thị trấn Từ Kỳ đã phản đối và đã gửi đơn đề nghị làm rõ những vấn đề pháp lý của dự án đi rất nhiều cơ quan nhưng không được phản hồi. Tiếp đó, đầu tháng 3/2022 UBND huyện Tứ Kỳ lại ban hành các Quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với toàn bộ các hộ dân tại khu vực này.
Trước những quyết định của UBND huyện Tứ Kỳ, người dân tại đây cho rằng các lý do mà chính quyền huyện đưa ra để thu hồi diện tích đất của họ là không thuyết phục, đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến sinh kế của họ.
Hơn nữa, toàn bộ diện tích đất trồng lúa (diện tích là 91,362m2) của người dân trong diện bị thu hồi là đất trồng hai vụ lúa và một vụ màu mang lại năng xuất cao được sản xuất ổn định từ nhiều đời nay. Có thể nói đó là những thửa ruộng “Bờ xôi ruộng mật” của họ không thể thay thế được. Việc canh tác trên những thửa ruộng này rất thuận lợi. Toàn bộ diện tích đất trồng lúa này là nguồn cung cấp lương thực duy nhất nuôi sống bao thế hệ người nông dân tại đây. Nếu nay bị thu hồi để làm khu dân cư, bán cho người ở các nơi đến sinh sống sẽ vĩnh viễn không thể nào khôi phục lại được và cũng không thể bổ sung diện tích đất trồng lúa khác thay thế. Việc này đã vi phạm Điều 134 Luật Đất đai năm 2013 về đất trồng lúa. Theo quy định: “Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa”.
Đặc biệt, theo thông tin chúng tôi thu thập được, khi lập quy hoạch KDC thị trấn Tứ Kỳ cũng như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của người dân, UBND huyện Tứ Kỳ và các cơ quan cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã không tiến hành tiến hành lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định. Việc này đến nay đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.
Công ty Newland - Tai tiếng nối tiếp tai tiếng!
Dữ liệu thông tin chúng tôi có được cho thấy, Dự án Khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ được tỉnh Hải Dương chấp thuận Chủ trương đầu tư giao cho nhà đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Newland và Công ty Cổ phần xây dựng Newtech do Công ty Cổ phần Đầu tư Newland làm đại diện. Tuy nhiên, dự án này không được thông qua hình thức đấu giá hoặc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Về Công ty Cổ phần Đầu tư Newland, ngoài dự án trên thì UBND tỉnh Hải Dương còn giao cho doanh nghiệp này nhiều dự án khu dân cư khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương như: Dự án Khu dân cư Tân Phú Hưng, Khu dân cư Thanh Bình, Khu dân cư Nguyễn Lương Bằng, Khu dân cư Lê Thanh Nghị…
Tháng 10/2015, Dự án khu dân cư phía Nam trên đường Tôn Đức Thắng, TP Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương giao Công ty CP Đầu tư NewLand làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 10.000m2, tổng mức đầu tư hơn 191 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các khu dân cư xung quanh, khai thác triệt để quỹ đất xen kẹt trong đô thị, tạo quỹ đất ở, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở phát triển đô thị trong giai đoạn năm 2011 - 2020 của thành phố. Tuy nhiên, đến nhiều năm sau dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, chưa triển khai xong phần… giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là dự án Khu đô thị Tân Phú Hưng cũng dính nhiều lùm xùm không kém.
Năm 2019 trong quá trình thực hiện dự án xây dựng Khu nhà ở phường Nhị Châu, Công ty Cổ phần đầu tư Newland đã tự ý san lấp đất ruộng của dân khi chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Việc này, trong kết luận số 174/KL-UBND của UBND TP Hải Dương có nêu nội dung tố cáo của người dân khu dân cư số 4 phường Nhị Châu nêu rõ: “Việc người dân tố cáo Công ty Cổ phần đầu tư NewLand tiến hành san lấp đất trái pháp luật (đối với 18/49 thửa đất chưa hoàn tất công tác GPMB diện tích 3.318,9m2) là tố cáo đúng và yêu cầu Công ty Newland thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tiếp tục khắc phục những sai sót”.
Từ những dữ liệu thu thập được từ thực tiễn ở tỉnh Hải Dương, Phóng viên đã có công văn gửi UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Tứ Kỳ, Công ty CP Đầu tư NewLand nhằm tổng hợp những khó khăn, bất cập và giải pháp tháo gỡ để thực hiện bài viết chuyên đề: “Chấp hành pháp luật trong thực hiện đầu tư dự án”. Nhưng, đến nay sau nhiều tháng chờ đợi ý kiến từ các đơn vị, chúng tôi vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các cơ quan nói trên.
Theo quan điểm của chúng tôi, đối với Dự án Xây dựng khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ để đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng mua dự án sau này (nếu dự án được thực hiện) chính quyền từ tỉnh đến huyện ở Hải Dương cần xem xét lại những quy trình, thủ tục pháp lý. Đối với Công ty CP Đầu tư NewLand, UBND tỉnh Hải Dương cần xem xét lại “thái độ” triển khai những dự án trước đây của đơn vị này từ đó cân nhắc kỹ khi giao cho họ thực hiện dự án ở huyện Tứ Kỳ.