Doanh nghiệp bất động sản cần làm gì để giải quyết khoản nợ trái phiếu sắp đáo hạn?

Thị trường trầm lắng, cùng với việc tiếp cận vốn tín dụng mới hay phát hành trái phiếu để đảo nợ gặp khó khăn thì con số nợ "khủng" sắp phải đáo hạn là những gì doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt...

trai-phieu-1661483552.jpeg

Ảnh: minh họa

Trong một báo cáo mới đây được phát đi từ Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Sang tới năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so hơn rất nhiều, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.

Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng.

Bộ Tài chính nêu thêm, hiện nay, ngoại trừ các trái phiếu bị hủy trong vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh, báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở giao dịch Chứng khoán cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý, với xu hướng kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, định hướng điều hành theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, các doanh nghiệp sẽ có khả năng thanh toán đủ gốc, lãi đến hạn. Thế nhưng trường hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn.

trai-phieu-2-1661483664.png Giá trị trái phiếu đáo hạn ngành bất động sản

Điều đáng nói, các doanh nghiệp bất động sản quả thật đang gặp khó. Cụ thể, trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, xu hướng doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau với kỳ hạn ngày càng dài hơn. Thông tin từ một số nhà thầu lớn cho hay, các chủ đầu tư, bao gồm cả các tập đoàn lớn đang gặp khó khăn về vốn kể từ sau Covid-19 đã đề nghị hỗ trợ giãn tiến độ thanh toán từ 3 tháng lên 4, thậm chí 5 tháng tạo nên khó khăn dây chuyền.

Trái lại, việc phát hành thêm trái phiếu với mục đích đảo nợ lại đang bị tắc nghẽn. Nếu như trong quý 1/2022, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất, chiếm lần lượt 50,98% và 18,87%, thì sang quý 2/2022, các doanh nghiệp bất động sản chiếm chỉ chiếm 15,49% và nhóm xây dựng là 0,44%. Bên cạnh đó, dòng vốn tín dụng cũng gần quá giới hạn, dư nợ cho vay bất động sản tăng tới 14,03% chỉ sau 6 tháng đầu năm.

Các nguồn vốn mới bị siết lại cùng với khoản nợ trái phiếu như đã nói, doanh nghiệp bất động sản đang chịu áp lực rất lớn nếu muốn duy trì dòng tiền kinh doanh.

Chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” được tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, doanh nghiệp bất động sản có 2 hướng để xử lý con số nợ “khủng” sắp đến hạn.

Thứ nhất, doanh nghiệp mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tài chính của mình và mạnh dạn phát hành tiếp một đợt trái phiếu nữa để đáo hạn. Vượt qua được nợ mới có cơ hội tồn tại lâu dài trong thị trường.

Tuy nhiên, điều này cũng cần sự ủng hộ của cơ quan quản lý là tránh hình sự hóa các doanh nghiệp vừa đến thời điểm đáo hạn, không trả được nợ trái phiếu. Bởi lẽ, nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường và cả nhà đầu tư.

Thứ hai, doanh nghiệp cần tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ nhà đầu tư.

Chia sẻ thêm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng, với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn và dài hạn, họ có thể nghiên cứu sâu về báo cáo dòng tiền, trình độ quản trị, các tiềm năng trong tương lai. Trái lại, nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ nhìn vào xếp hạng thôi. "Không có xếp hạng giống như đi trong sương mù", ông Nghĩa ví.

Cũng theo vị chuyên gia này, một số nhà đầu tư cảm thấy đi trong "sương mù có cái hay" nhưng thực tế đó là vì chưa thấu hiểu được lợi ích của sự minh bạch.

“Do đó, từ nay đến cuối năm, Chính phủ phải ra được Nghị định 153 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu lớn, thời gian đáo hạn trong kỳ tới cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi trả, bao gồm mạnh dạn phát hành trái phiếu mới hoặc bán các dự án, tài sản dở dang", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, doanh nghiệp phải lên kế hoạch xếp hạng tín nhiệm, trường hợp chưa cần công bố có thể yêu cầu đơn vị xếp hạng bảo mật thông tin để sau này dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trung dài hạn. Cuối cùng là các doanh nghiệp không nên phát hành chịu lãi suất cao, không được bán các dự án đang có để giải quyết nợ trái phiếu, tránh để mất uy tín và nhanh chóng đăng ký xếp hạng, bảo mật thông tin.