Áp lực chi phí tăng, sản lượng giảm
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 19/10/2021 về kết quả kinh doanh quý III và phương hướng quý IV của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Ngân thừa nhận, quý III năm nay là một kỷ lục buồn trong suốt 44 năm hoạt động, khi cả 3 tháng kinh doanh đều lỗ. Đây là quý đầu tiên BMP thua lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2006, với mức lỗ 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 153 tỷ đồng.
Hình minh họa |
Doanh thu của BMP trong quý III/2021 đạt 529 tỷ đồng, giảm 53%; sản lượng sản xuất chỉ đạt 11.000 tấn, giảm 59% so với cùng kỳ.
Được biết, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhà máy của BMP ngừng sản xuất kể từ giữa tháng 7. Hai nhà máy chủ chốt của BMP tại Bình Dương và Long An có tổng công suất 120.000 tấn/năm, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội chỉ duy trì được công suất ở mức 15 - 20%.
Cả 3 tháng trong quý III/2021, BMP đều kinh doanh thua lỗ, với mức lỗ 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 153 tỷ đồng. |
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, quý III/2021 là quý cực kỳ khó khăn đối với BPM khi giá nguyên liệu tăng, doanh thu giảm và hoạt động “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp gánh chịu thêm nhiều khoản chi phí như phụ cấp cho công nhân, xét nghiệm y tế, ăn ở tại chỗ…
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, BMP đạt doanh thu 3.135 tỷ đồng, giảm 9%; lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nguyên liệu tăng cao kể từ đầu năm 2021 đến nay là một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp ngành nhựa. Lãnh đạo BMP cho biết, giá nguyên liệu nhựa tăng dựng đứng vào tháng 5/2021, sau đó có quay đầu giảm nhẹ, nhưng hiện nay bật tăng trở lại. Năm 2020, giá nguyên liệu nhựa bình quân khoảng 1.000 USD/tấn, nhưng năm 2021 có thể lên tới 1.600 USD/tấn do ảnh hưởng của nguồn cung và khó khăn trong khâu vận chuyển.
Tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Tổng giám đốc Chu Văn Phương cho hay, giá nguyên vật liệu tăng, Công ty có chính sách điều chỉnh giá bán, nhưng lợi nhuận quý III/2021 vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Quý III/2021, NTP ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.016 tỷ đồng, giảm 15%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 77,7 tỷ đồng, giảm 43,6% so với quý III/2020. Trong quý III năm nay, việc tiết giảm chi phí lãi vay và các chi phí hoạt động khác giúp NTP tăng lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng, nhưng doanh thu bán hàng thành phần giảm 176 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái làm giảm lợi nhuận sau thuế 53 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, NTP ghi nhận doanh thu 3.355 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 347,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 1% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tính đến 30/9/2021, hàng tồn kho cao gấp đôi so với đầu năm, đạt 1.292 tỷ đồng; nợ phải trả là 2.312 tỷ đồng, tăng 77% so với đầu năm và chiếm 45% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (1.716 tỷ đồng, chiếm 74% tổng nợ).
Tương tự, áp lực chi phí đầu vào tăng và bối cảnh hoạt động khó khăn vì dịch Covid-19 khiến Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (DPC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 43% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,21 tỷ đồng và 543 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, DPC giảm 27% về doanh thu, ghi nhận 39,4 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận đạt 6,06 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ quý I lãi cao, chủ yếu do tiết giảm các chi phí.
Chạy nước rút quý cuối năm
Ông Nguyễn Hoàng Ngân cho hay, BMP đã chuẩn bị mọi nguồn lực để quay trở lại sản xuất. Tính đến ngày 19/10, có khoảng 98% nhân viên Công ty đã tiêm vắc-xin mũi 1 và 92% tiêm mũi 2. Tỷ lệ công nhân sẵn sàng trở lại làm việc là 95%.
Tổng giám đốc BMP chia sẻ, doanh thu đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi trong 20 ngày đầu tháng 10, Công ty ghi nhận doanh thu bình quân mỗi ngày khoảng 21 tỷ đồng. Điều này tạo động lực cho BMP kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn trong quý IV/2021.
Tuy nhiên, áp lực về giá nguyên liệu vẫn là một gánh nặng. Tổng giám đốc BMP dự báo, trong quý cuối năm 2021, giá nguyên liệu có thể lên tới 1.800 USD/tấn, thậm chí lập kỷ lục ở mức 2.000 USD/tấn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán để đảm bảo biên lợi nhuận.
Thực tế, các doanh nghiệp ngành nhựa bước vào quý IV với áp lực lớn khi kết quả kinh doanh đang có khoảng cách khá xa so với mục tiêu cả năm. BMP đặt kế hoạch năm 2021 đạt doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, nhưng kết thúc tháng 9 mới hoàn thành được hơn 60% chỉ tiêu doanh thu và hơn 19% chỉ tiêu lợi nhuận.
DPC đặt kế hoạch năm 2021 đạt doanh thu 85 tỷ đồng, nhưng sau 9 tháng mới thực hiện được 47%. Về kế hoạch lợi nhuận, mục tiêu năm nay là 9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 11% so với mức thực hiện năm 2020, nên tính đến cuối tháng 9, Công ty đã hoàn thành được 84% mục tiêu.
NTP cũng chủ động đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 giảm 17% so với mức thực hiện năm 2020, ở mức 432 tỷ đồng. Kết thúc tháng 9, doanh nghiệp hoàn thành được 70% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (NHH) hiện chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021. Trước đó, NHH đặt mục tiêu quý III năm nay đạt doanh thu hợp nhất 550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 90% và 233% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu kế hoạch này khả thi, NHH nhiều khả năng sẽ là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan nhất trong khối các doanh nghiệp ngành nhựa quý III, khi phần lớn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và áp lực giá đầu vào.
Với triển vọng tăng trưởng mảng linh kiện nhựa truyền thống và sàn nhựa, NHH đặt kế hoạch năm 2021 đạt doanh thu 1.900 tỷ đồng, tăng 78,5% và lãi sau thuế 150 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.
Giai đoạn cuối năm 2021, NHH dự kiến sẽ chạy tối đa công suất nhà máy sản xuất tấm ốp sàn, tăng cường xuất khẩu tới Mỹ, mở rộng khách hàng FDI mảng nhựa kỹ thuật và khuôn mẫu chính xác.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tâm thế dồn lực cho tăng trưởng, chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế dần phục hồi.
Theo BVSC, các doanh nghiệp ngành nhựa đang kỳ vọng sẽ có động lực kép trong quý IV/2021. Thứ nhất, tiêu thụ sẽ phục hồi nhờ nhu cầu dồn nén trước dịch và nhu cầu trong quý IV thường lớn nhất so với các quý khác. Thứ hai, giá bán tăng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.
Chẳng hạn, giá nhựa PVC tăng kỳ vọng sẽ giúp BMP cải thiện lợi nhuận trong quý IV. BVSC dự phóng, năm 2021, BMP đạt doanh thu 4.627 tỷ đồng, giảm 3%; lợi nhuận sau thuế 213,5 tỷ đồng, giảm 59,1% so với năm 2020. Như vậy, lợi nhuận trong quý cuối năm 2021 của BMP dự kiến cao hơn gấp đôi 9 tháng trước đó.